Tham dự chuyên đề có Tiến sĩ Phạm Thị Bình – Trưởng Bộ môn PPGD, Khoa Hóa học Trường ĐHSP Hà Nội, các đồng chí là Phó phòng, Chuyên viên Phòng GD&ĐT cùng các đồng chí là cán bộ quản lý, giáo viên các trường Tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân.
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy các môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Giáo dục STEM cấp Tiểu học góp phần hỗ trợ, tăng cường giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, Tin học và Nghệ thuật; tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn cuộc sống.
Giáo dục STEM kết hợp các môn học thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Thông qua hoạt động trải nghiệm STEM, học sinh được nắm vai trò chủ động trong việc học, hiểu được bản chất của kiến thức. Khi đối diện với các vấn đề trong thực tiễn, học sinh sẽ biết cách mở rộng kiến thức để phù hợp với vấn đề mình cần giải quyết.
Trong tiết chuyên đề môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 – Bài học STEM: Nơi sống của động vật, học sinh đã được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nam Phương, học sinh đã tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học Tự nhiên và Xã hội, Toán, Mĩ thuật có liên quan đến để giải quyết vấn đề đặt ra, đó là xác định được nơi sống của động vật và phân loại được động vật theo môi trường sống, vận dụng khả năng ước lượng, vẽ, tô màu, cắt, dán… để làm mô hình môi trường sống của động vật.
Với hoạt động trải nghiệm STEM trong tiết chuyên đề, học sinh được thực hành ngay trong quá trình học với các tình huống tương tự với thực tế. Để hoàn thành nội dung bài học, học sinh chủ động vận dụng kiến thức môn Tự nhiên và Xã hội để nêu được tên và nơi sống của một số động vật xung quanh, áp dụng kiến thức môn Toán để vận dụng khả năng ước lượng trong thiết kế môi trường sống của động vật và đặc biệt sử dụng kiến thức được học ở môn Mĩ thuật để thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra sản phẩm, sử dụng được vật liệu sẵn có để thực hành, sáng tạo được một số mô hình liên quan đến chủ đề theo hình thức vẽ, xé, nặn và cắt, dán. Từ đó, góp phần phát triển năng lực giải quyết vấn đề cũng như giúp người học không còn bị động trong các trường hợp tương tự.
Ở hoạt động hoạt động 1 (Khởi động, kết nối), cô giáo đã tạo được tâm thế hứng thú cho học sinh và nhớ lại nhiệm vụ của tiết học trước qua việc giới thiệu người bạn Rô bốt đồng hành trong tiết học và tổ chức trò chơi Hộp quà bí mật, trò chơi vận động. Tiếp đến ở hoạt động 2 (Luyện tập thực hành), cô giáo Huy Nam Phương đã hướng dẫn học sinh đề xuất ý tưởng và vẽ phác thảo ý tưởng làm mô hình môi trường sống của động vật thông qua hoạt động nhóm. Từ đó giúp học sinh tự tin chia sẻ và lựa chọn được ý tưởng, dựa trên thiết kế để chế tạo được mô hình theo ý tưởng của nhóm. Sau khi hoàn thành, đại diện các nhóm đã trưng bày giới thiệu sản phẩm, các nhóm khác quan sát, lắng nghe và đóng góp ý kiến. Trong hoạt động 3, học sinh đã trình bày được hiểu biết để vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế, nêu thông điệp cần phải bảo vệ môi trường sống của động vật.
Cô giáo đã linh hoạt sử dụng các hình thức và phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy năng lực phẩm chất học sinh
Các nhóm sôi nổi tham gia hoạt động
Đại diện các nhóm tự tin trình bày sản phẩm
Sau khi dự tiết chuyên đề, dưới sự điều khiển và chỉ đạo của đồng chí Lê Thị Thu Hằng – Phó phòng GD&ĐT, cán bộ, giáo viên tham dự chuyên đề đã chia sẻ ý kiến và trao đổi những khó khó khăn khi thực hiện việc giáo dục Stem trong các môn học với Tiến sĩ Bình. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, chia sẻ của tiến sĩ Bình, mọi người đã hiểu rõ hơn về giáo dục STEM, cách thức xây dựng Bài học STEM gắn với nội dung từng môn học trong chương trình giáo dục Tiểu học, được giải đáp nhiều khúc mắc và gợi ý một số chủ đề STEM có thể xây dựng để đưa vào dạy học ngay trong thời gian tới. Chuyên đề đã giúp các nhà trường có định hướng rõ ràng trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong kế hoạch giáo dục nhà trường.
Cuối cùng, đ/c Lê Thị Thu Hằng cũng đã chỉ đạo các trường triển khai xây dựng các chuyên đề lồng ghép giáo dục STEM và sẽ cử đại diện phòng GD về dự để góp ý, chia sẻ tháo gỡ khó khăn thi thực hiện. Đồng chí cũng nhấn mạnh việc đại diện phòng GD về dự không đánh giá thi đua của các nhà trường mà là thể hiện sự quan tâm, đồng hành cùng các nhà trường, giáo viên khi thực hiện việc dạy học lồng ghép giáo dục STEM.