Về dự và chỉ đạo chuyên đề có Tiến sĩ Hoàng Thị Mai - Trưởng khoa Khoa học & Công nghệ, giảng viên trường Đại học Thủ đô, chủ biên sách Tin học (bộ sách Kết nối Tri thức với Cuộc sống), thầy Trịnh Quốc Hách - Chuyên viên GDTH phụ trách môn Tin học & Tiếng Anh của Sở GD&ĐT Hà Nội, đ/c Lê Thị Thu Hằng - Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, các thầy cô là quản lý, giáo viên Tin học các trường Tiểu học trong địa bàn quận Thanh Xuân.
Trong tiết dạy minh họa của thầy giáo Tạ Minh Đức cùng toàn thể các em học sinh lớp 4D diễn ra khá sôi nổi. Tiết dạy đã thể hiện rõ việc đổi mới phương pháp dạy học môn Tin học nhằm phát triển năng lực của học sinh. Với việc xác định đúng mục tiêu của bài học, sử dụng các phương pháp dạy học linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo qua các trò chơi trực tuyến, bài dạy mạch lạc, sáng tạo, các hoạt động gắn kết, logic. Cách hướng dẫn học sinh tiếp cận bài học và thực hành theo đúng phương pháp, đặc trưng bộ môn của thầy giáo đạt hiệu quả cao, phát huy năng lực học sinh trong giờ học hình thành kiến thức mới cũng như kĩ năng thực hiện các thao tác cơ bản: khởi động và thoát khỏi phần mềm, chọn hiển thị Tiếng Việt, mở tệp chương trình, tham gia tích cực vào hoạt động của lớp, tự giác hoàn thành các nhiệm vụ được phân công.
Bắt đầu tiết học, thầy giáo đã tổ chức cho học sinh tham gia Khởi động với trò chơi “Điều khiển Rô-bốt”. Và để đảm bảo sự công bằng của trò chơi, thầy giáo đã giao thêm nhiệm vụ làm trọng tài và thư kí. Học sinh làm trọng tài sẽ quan sát 2 đội chơi xem rô-bốt có thực hiện đúng yêu cầu của người chỉ dẫn hay không, học sinh làm thư ký sẽ ghi lại các chỉ dẫn bằng cách gán nam châm tròn vào các chỉ dẫn tương ứng trên bảng. Bên cạnh đó, để phát huy năng lực học sinh, thầy giáo cũng đã giao nhiệm vụ cho các học sinh còn lại sẽ quan sát, nhận xét và cổ vũ cho 2 đội chơi. Qua trò chơi, thầy giáo đã dẫn dắt học sinh vào bài mới qua câu hỏi mở nhằm vận dụng sự hiểu biết của học sinh.
Chuyển sang hoạt động Khám phá, thầy giáo đã sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, dựa vào hiểu biết để trả lời câu hỏi. Đặc biệt, thầy giáo đã sử dụng hình thức dạy học tích cực nhằm phát huy năng lực học sinh qua việc giao nhiệm vụ cho học sinh điều khiển phần trình bày của các nhóm theo câu hỏi gợi ý. Qua hoạt động đọc sách, thảo luận và trình bày của các nhóm, thầy giáo khéo léo dẫn dắt, giảng cho học sinh biết để chỉ dẫn cho người thì cần ngôn ngữ thông thường, và để có thể điều khiển 1 nhân vật trong máy tính cần một ngôn ngữ riêng, đó là ngôn ngữ lập trình. Và thầy giáo đã giới thiệu ngôn ngữ lập trình Scratch. Biểu tượng của ngôn ngữ lập trình này là chú mèo. Với những chỉ dẫn của học sinh trong trò chơi, thầy giáo viết gọn lại thành các chỉ dẫn, tiếp theo giới thiệu với học sinh chương trình trong ngôn ngữ lập trình Scratch để chuyển những chỉ dẫn thành những câu lệnh. Để giúp học sinh nhận biết rõ hơn về chương trình, thầy giáo đã mở phần mềm Scratch và chạy chương trình để học sinh quan sát hành động của chú mèo trong phần mềm Scratch. Để giúp học sinh ghi nhớ nhanh những kiến thức mới, thầy giáo đã chuyển nội dung trong Hộp kiến thức thành bài vè, kết hợp liên môn cho học sinh sử dụng các đạo cụ trong môn Âm nhạc để thực hiện vận động thư giãn giữa giờ.
Bước sang hoạt động thực hành vận dụng, thầy giáo đã sơ đồ hóa các bước thực hiện trong nhiệm vụ 1, kết hợp cho học sinh quan sát video trực quan, dễ hiểu. Khi học sinh thực hành tại máy, giáo viên đã trực tiếp đi hỗ trợ, chọn 2 học sinh làm nhanh thamn gia hỗ trợ. Để học sinh có thể vận dụng những gì quan sát và nhận biết các thành phần của màn hình khi thực hành mở được màn hình Scratch, thầy giáo đã tổ chức hoc sinh tham gia trò chơi “Nhanh tay, tinh mắt”. Sau khi hết thời gian chơi, thầy giáo chữa bài, yêu cầu học sinh đối chiếu với kết quả trên bảng để tự đánh giá phần bài làm của mình và các máy kiểm tra chéo, nhận xét bài làm của bạn bên cạnh.
Để giúp hoc sinh có thể củng cố lại kiến thức đã học, thầy tiếp tục tổ chức hoc sinh tham gia trò chơi “Ai nhanh – Ai đúng” trên wordwall.net. Thầy giáo gửi đường Link qua ô Chat, học sinh kích chuột vào đường linh để mở trang web, đọc kỹ yêu cầu và thực hiện. Trước khi kết thúc bài học, thầy giáo đã tích hợp liên môn, tổ chức học sinh vận động bài võ theo nhạc “Dòng máu Lạc Hồng” để thư giãn, bảo vệ sức khỏe sau khi thực hành máy tính. Để có thể kết nối kiến thức bài sau, thầy giáo đã viết chương trình trên Scratch sử dụng hình ảnh minh họa và nhạc.
Sau tiết chuyên đề, dưới sự điều hành của đ/c Lê Thị Thu Hằng – Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, đại diện các nhà trường đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến qua đó thống nhất cách thực hiện xây dựng kế hoạch bài dạy đối với môn Tin học sao cho hiệu quả đảm bảo đúng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Dưới sự giúp đỡ của Tiến sĩ Hoàng Thị Mai - Trưởng khoa Khoa học & Công nghệ, giảng viên trường Đại học Thủ đô, chủ biên sách Tin học (bộ Kết nối Tri thức với Cuộc sống), các nhà trường được giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học của môn học, thống nhất phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy và tổ chức các hoạt động học cho học sinh trong môn Tin học, góp phần phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh trong thực hiện CT GDPT 2018.
Buổi chuyên đề cấp quận đã thành công tốt đẹp, ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, đón tiếp trang trọng, ấm áp của BGH trường Tiểu học Khương Mai, sự cố gắng, nỗ lực của thầy giáo Tạ Minh Đức cùng học sinh lớp 4D. Sau tiết dạy, các giáo viên trong toàn quận đã học hỏi được nhiều thêm nhiều kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy và học của lớp mình, trường mình khi thực hiện dạy môn Tin học theo CT GDPT 2018.