Những giai điệu, ca từ trong bài hát “Rước đèn tháng Tám” vang lên đã làm cho bầu không khí của ngày hội trăng rằm thêm nhộn nhịp và vui tươi.
“Tết trung thu em rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng vàng”.
Hình ảnh chiếc đèn lồng đêm Trung thu dường như không chỉ là món quà ý nghĩa trao tặng con trẻ nhân ngày lễ Trung thu mà còn là kỉ vật của người lớn gợi nhớ về miền tuổi thơ đầm ấm quây quần bên gia đình, bạn bè. Đây còn được coi là tết của trẻ em, hay "Tết trông trăng". Trẻ được vui chơi thoả thích và được người lớn tặng bánh trung thu cùng những chiếc đền trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn thỏ ngọc, đèn cá chép...
Tết trung thu đã trở thành một sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Để giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh lớp 4E, cô giáo Thanh Tâm đã tổ chức hoạt động trải nghiệm theo hướng giáo dục Steam làm đèn lồng. Hoạt động này đã giúp Tết Trung thu trở nên ý nghĩa hơn khi các con được tự tay làm ra những chiếc đèn lồng.
Đây cũng là dịp để các con được tham gia các hoạt động trải nghiệm rất ý nghĩa và bổ ích. Thông qua các hoạt động này giáo dục các em được phát huy khả năng sáng tạo, phối hợp màu sắc, rèn luyện kiên trì và sự khéo léo của đôi bàn tay, đồng thời trẻ hiểu hơn về ngày Tết Trung thu.
Dù bận rộn với nhiều công việc đầu năm học nhưng các thầy cô giáo đã tổ chức nhiều hoạt động vui Tết Trung thu khác như làm chong chóng, tô màu mặt nạ, nặn tò he, thi bày cỗ Trung thu, thi biểu diễn văn nghệ, đóng kịch… mang đến niềm vui cho các em học trò, giúp các em được tìm hiểu và khám phá về những nét đẹp trong văn hóa, hưởng một mùa Tết Trung thu vui vẻ và đầy ý nghĩa.