1. Tầm quan trọng của việc phòng ngừa đau mắt đỏ Đau mắt đỏ do virus khá phổ biến và được đánh giá là lành tính.
Tuy nhiên, bệnh lý này rất dễ lây lan và lây lan với tốc độ nhanh trong thời gian ngắn. Nếu không kiểm soát tốt thì có nguy cơ bùng phát thành dịch, nhất là trong điều kiện thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều hoặc thời điểm giao mùa từ hè sang thu. Tuy ít gây biến chứng nhưng trong một số trường hợp bị đau mắt đỏ kéo dài không khỏi hoặc điều trị không đúng cách, người bệnh có thể bị viêm loét giác mạc, suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa. Ngoài ra, nguy cơ tái nhiễm của người bệnh là rất cao.
Đặc biệt, tính đến hiện tại thì vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa đau mắt đỏ, đồng thời, cũng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu bệnh lý này. Với tất cả những lý do trên, mọi người cần chủ động phòng ngừa đau mắt đỏ do virus để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng lại rất dễ lây lan
2. Cách phòng ngừa đau mắt đỏ
Các biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ khá đơn giản, mọi người nên thực hiện thường xuyên để đôi mắt được khỏe mạnh.
- Rửa tay sạch sẽ: Rửa tay không chỉ giúp phòng ngừa đau mắt đỏ mà còn tránh được nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý khác. Bạn hãy rửa tay thường xuyên với nước xà phòng và dung dịch sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn, virus bám trên tay. Nếu chẳng may đưa tay chạm vào mắt thì cũng không bị lây bệnh.
- Vệ sinh cá nhân: Cùng với rửa ray, vệ sinh cá nhân cẩn thận cũng là cách giúp phòng tránh lây nhiễm đau mắt đỏ. Lưu ý là sau khi rửa mặt hay tắm rửa, bạn phải dùng khăn lau của mình, tuyệt đối không dùng khăn lau với người khác. Và khăn lau phải được giặt sạch sẽ và phơi khô ngay sau khi sử dụng.
- Hạn chế dụi mắt: Việc dụi mắt, chạm tay vào mắt không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm đau mắt đỏ mà còn khiến bệnh thêm nghiêm trọng. Và trẻ em thường có thói quen này do các bé chưa ý thức được. Do đó, bạn hãy hướng dẫn bé không nên đưa tay lên mắt, nếu bị ngứa mắt, hãy thông báo với ba mẹ để được xử trí. Không nên dụi mắt để tránh làm vi khuẩn lây lan từ tay sang mắt.
- Dọn dẹp giường ngủ: Giường ngủ, đặc biệt là chăn ga gối nệm là nơi trú ngụ, tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, virus. Đó là lý do bạn cần dọn dẹp, vệ sinh giường ngủ mỗi ngày để không gian này luôn sạch sẽ. Đối với chăn ga gối nệm, cần giặt sạch và phơi dưới nắng 2 - 3 lần/ tuần. Bằng cách này, bạn sẽ phòng ngừa được đau mắt đỏ và nhiều bệnh viêm nhiễm khác.
- Tránh dùng chung đồ: Việc sử dụng chung đồ với người bị đau mắt đỏ có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, bạn tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, cọ trang điểm, mắt kính hay bất kỳ vật dụng cá nhân nào có thể chạm vào mắt để hạn chế đến mức tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt" Nếu bạn dùng chung thuốc nhỏ mắt với người bệnh đau mắt đỏ thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao. Vì trong khi nhỏ, miệng chai thuốc chẳng may dính vào mắt người bệnh sẽ làm tạo điều kiện để vi khuẩn, virus bám trên đó. Đến khi bạn tiếp xúc với chai thuốc thì mắt sẽ bị nhiễm khuẩn và viêm. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt của người bệnh.
- Vệ sinh mắt kính, kính râm, kính áp tròng: Nếu bạn bị cận hoặc có thói quen đeo kính thì hãy vệ sinh mắt kính cẩn thận trước khi đeo và sau khi ra ngoài về. Có thể vệ sinh bằng nước xà phòng, dung dịch sát khuẩn hoặc dung dịch vệ sinh mắt kính chuyên dụng. Điều này giúp loại bỏ các tác nhân gây đau mắt đỏ bám dính trên mắt kính, từ đó phòng bệnh hiệu quả.
- Hạn chế đi bơi nơi công cộng: Vào thời điểm đang có dịch đau mắt đỏ, bạn nên hạn chế, thậm chí là không đi bơi ở hồ bơi công cộng. Nếu là hồ bơi gia đình thì cần vệ sinh, khử trùng nước hoặc thay nước trong hồ bơi thường xuyên để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong nhà khi bơi lội.
- Dùng nước nhỏ mắt sinh lý Natri Clorid 0.9% Đây là cách giúp bạn phòng ngừa đau mắt đỏ hữu hiệu. Hãy nhỏ mắt hàng ngày với nước nhỏ mắt sinh lý Natri Clorid 0,9% để vệ sinh cho mắt. Sản phẩm này có thể dễ dàng tìm mua tại các quầy thuốc lớn nhỏ và bạn chỉ cần dùng đúng như hướng dẫn in trên hộp thuốc.