Thực hiện công văn số 340/PGDĐT về Kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn hè năm 2023, Phòng GD& ĐT quận Thanh Xuân đã tổ chức lớp Tập huấn công tác chủ nhiệm lớp tại trường THCS Thanh Xuân Trung do Giảng viên Lê Thị Thu – trường Đại học Sư phạm Hà Nội giảng dạy.
Trong bậc học tiểu học, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò hết sức quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm thay mặt nhà trường quản lý, điều hành lớp, trực tiếp giáo dục tư tưởng, đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, là cầu nối giữa 3 môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Do yêu cầu phát triển giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nên mục tiêu giáo dục có những thay đổi. Môi trường xã hội khá phức tạp, đòi hỏi phải thay đổi phương thức tổ chức hoạt động giáo dục để đáp ứng mục tiêu giáo dục đề ra. Do đó, vai trò của người giáo viên chủ nhiệm lớp lại càng dặt lên vị trí hàng đầu. Vai trò của người giáo viên chủ nhiệm lớp lớn hơn nhiều so với chức năng của người giảng dạy bộ môn. Ngoài việc trực tiếp giảng dạy, họ trước hết phải là nhà giáo dục, là người tổ chức các hoạt động giáo dục, quan tâm tới từng học sinh; Chăm lo đến việc rèn luyện đạo đức, hành vi, những biến động của các em về tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng… là cầu nối giữa tập thể HS với các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường.
Một trong những điểm mới của các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải. Vì vậy khi thực hiện sách giáo khoa phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải có năng lực hiểu sâu và rộng mọi lĩnh vực, phải huy động tối đa nguồn tri thức xã hội của bản thân, vận dụng vào trong bài giảng mới có thể trở thành người “khai sáng” cho học sinh, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Để đánh giá chính xác về học sinh, giáo viên cần có kỹ năng thiết kế các công cụ đánh giá kết quả giáo dục thể hiện ở mức độ đạt được các năng lực cần hình thành và phát triển ở học sinh; cần biết sử dụng các phần mềm hỗ trợ đánh giá; cần có kiến thức, kỹ năng về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Trong một lớp học thường sẽ có nhiều đối tượng học sinh khác nhau: có em rất giỏi nhưng cũng có em rất yếu. Có lẽ bất cứ thầy cô giáo nào cũng đều có chung mong muốn rằng không học sinh nào cảm thấy bị “bỏ rơi” trong lớp học. Người thầy thấu cảm là người nổ lực để biên soạn, chuẩn bị bộ tài liệu tự học cho học sinh với nội dung ở nhiều cấp độ từ dễ đến khó. Với những học sinh yếu, chỉ đặt ra yêu cầu ở mức độ vừa phải với khả năng của học sinh đó. Với những học sinh học tốt, yêu cầu học sinh hoàn thành các mức độ cơ bản, sau đó, chủ động dành thời gian để tiếp cận các yêu cầu ở mức độ khó hơn. Người thầy thấu cảm sẽ phân chia thời gian trong giờ học dành cho từng đối tượng một cách hợp lý. Đặc biệt, sẵn sàng dành thời gian ngoài giờ để hỗ trợ, phụ đạo thêm cho những học sinh có lực học chưa cao. Người thầy thấu cảm sẽ hiểu từng hoàn cảnh, đặc điểm tâm sinh lý của từng em học sinh để trở thành “chiếc la bàn” điều chỉnh, dẫn lối cho các em học sinh để không bao giờ các em vấp ngã hoặc có vấp ngã cũng sẽ biết cách đứng lên.
Buổi tập huấn rất bổ ích, thiết thực, giúp cho giáo viên nhận thức rõ vị trí, vai trò của người giáo viên chủ nhiệm, tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm lớp đặc biệt có thêm những ý tưởng sáng tạo về việc sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức khi xây dựng kế hoạch và các hoạt động giáo dục.