Bộ sách được biên soạn với triết lí là “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Sự Bình đẳng được thể hiện bởi việc tạo cơ hội tiếp cận tri thức và phát triển năng lực cho mọi HS, phù hợp với khả năng nhận thức của HS. Sự Dân chủ trong việc tạo dựng môi trường giáo dục mà ở đó HS và GV được Tự do trong học tập, Tự do trong sáng tạo và Chủ động trong giải quyết vấn đề.
Các chủ đề, bài học của bộ sách thể hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách mở, linh hoạt để các địa phương có thể xây dựng kế hoạch giáo dục riêng, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực HS… theo thực tế địa phương.
Nội dung, hình thức của bộ sách không chỉ thể hiện thể đặc trưng của môn học và hoạt động giáo dục mà còn tập trung thể hiện sự phù hợp với văn hoá, lịch sử, địa lí của địa phương và cộng đồng dân cư. Các vùng dân cư trên đất nước đều có thể tìm thấy hình ảnh của mình rất gần gũi, thân thiết qua bộ sách này.
Bộ sách tạo điều kiện tối đa cho GV đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá bằng cách xây dựng không gian mở trong mỗi bài học, giúp GV có thể thoả sức lựa chọn các phương pháp dạy học tích cực như trò chơi, thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề...
Hệ thống sản phẩm đồng bộ, kết hợp giữa sản phẩm truyền thống và sản phẩm công nghệ thông tin. Đó là: SGK - Sách GV - Sách bổ trợ - Hướng dẫn đánh giá - Đồ dùng dạy và học - Website hỗ trợ dạy, học. Đặc biệt, Website của bộ sách giúp GV, HS, Phụ huynh có thể chủ động sử dụng các tư liệu, hình ảnh, phiếu học tập… của tất cả các bài trong sách để tổ chức quá trình dạy và học cũng như hỗ trợ con em mình học tập tốt hơn.
TOÁN 1
Được các nhà khoa học đầu ngành về giáo dục và toán học biên soạn, SGK Toán 1 là bộ sách đầu tiên với ưu điểm vượt trội: giúp HS trải nghiệm và khám phá kiến thức mới nhằm hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực toán học; tạo cơ hội cho HS thâm nhập thực tế, vận dụng hiểu biết về toán học để xử lí các tình huống trong cuộc sống; đảm bảo không gian mở, không gian sáng tạo giúp GV tự chủ khi tổ chức dạy học... Không những thế bộ SGK còn được thiết kế rất ưu việt và năng động, đảm bảo sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục tới tất cả các vùng miền trong cả nước.
Toán 1 lấy mạch “Số và phép tính” làm trung tâm, mạch “Hình học và đo lường” được tích hợp xen kẽ trong 5 chủ đề. “Hoạt động trải nghiệm” được thể hiện dưới hai hình thức: HS được trải nghiệm, hình thành và phát triển kĩ năng môn học khi khám phá kiến thức mới trong bài học mới; HS được trải nghiệm trong và ngoài lớp học qua 4 chủ đề cụ thể của Hoạt động trải nghiệm.
Hệ thống các bài toán trong SGK Toán 1 tạo không gian sáng tạo, không gian mở, đáp ứng được nhu cầu dạy học phân hoá. Bằng hình ảnh, các tác giả gợi ý một số hình thức tổ chức dạy học, chẳng hạn, bóng nói, bóng nghĩ; một số trò chơi: tiếp sức, xì điện, chuyền bóng… để GV tham khảo.
Các hình ảnh về Robot, máy cộng, trừ số học, máy tính trong SGK giúp GV và HS bước đầu tiếp cận với giáo dục STEM và công nghệ 4.0. Ngoài ra, vấn đề tích hợp liên môn giữa môn Toán với các môn Tiếng Việt, Khoa học, Giáo dục môi trường, Giáo dục an toàn giao thông; các vấn đề về bình đẳng giới, sắc tộc, tôn giáo... được nhóm tác giả đề cập xuyên suốt trong Toán 1.
Bộ SGK Toán 1 được biên soạn và thiết kế mới mẻ, hấp dẫn, sáng tạo về hình thức. Các hình vẽ phản ánh được nội dung bài học; các trang sách được trình bày cân đối, hài hoà giữa kênh hình và kênh chữ; các hình ảnh tươi sáng, ngộ nghĩnh phù hợp với lứa tuổi HS lớp 1.
TIẾNG VIỆT 1
SGK Tiếng Việt 1 được viết dựa trên phương châm mà nhóm tác giả đã xác lập là dễ hoá, thú vị hoá, đảm bảo sự thành công của HS ngay từ những ngày đầu đến trường.
Tiếng Việt 1 nhằm hiện thực hoá mục tiêu chung của chương trình Ngữ văn: giáo dục các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực chung như: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực ngôn ngữ, chủ yếu là hình thành năng lực đọc, viết giai đoạn đầu. Đồng thời, sách đã chú ý hình thành năng lực đọc hiểu và viết sáng tạo bằng cách đưa nội dung đọc hiểu dạy ngay từ giai đoạn Học vần, có nội dung viết sáng tạo (viết câu, đoạn) chứ không chỉ viết kĩ thuật như SGK theo chương trình hiện hành.
Tiếng Việt 1 sử dụng nhiều biện pháp và kĩ thuật biên soạn để hiện thực hoá các nguyên tắc tích hợp, giao tiếp, tích cực hoá hoạt động và tạo hứng thú cho HS. Đặc biệt, các tác giả không chỉ trình bày nội dung học tập mà cố gắng tối đa thể hiện cách học của HS trên từng trang sách.
Điểm thú vị của sách là có giai đoạn Làm quen cho HS ghi nhớ đúng hình dạng chữ cái bằng cách huy động kinh nghiệm bản thân, khám phá từ các đồ vật quanh mình và tạo hình cơ thể. Các bài Đọc mở rộng đưa ra các yêu cầu mang tính “mở” để HS có thể tìm kiếm văn bản đọc mở rộng từ nhiều nguồn khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cá nhân, nhà trường và địa phương.
Tích hợp các hoạt động hình thành các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đọc thành tiếng với đọc hiểu; tích hợp đọc hiểu và viết câu, đoạn... Vì thế, số lượng bài tập không nhiều nhưng vẫn đảm bảo phát triển đầy đủ các kĩ năng.
Sách xây dựng được đường phát triển năng lực ở nhiều mức, phù hợp với nhiều vùng miền và đưa ra được các cách thức, kĩ thuật dạy học để tạo ra sự phát triển năng lực này một cách chắc chắn.
SGK Tiếng Việt 1 được biên soạn và thiết kế mới mẻ, hấp dẫn, sáng tạo về hình thức. Các hình vẽ liên hoàn, phản ánh được nội dung bài học. Do đó, có thể dùng hình ảnh để dạy học đa phương thức, tạo cơ hội cho HS dựa vào hình ảnh để thực hiện các hoạt động, GV được sử dụng tối đa các phương tiện dạy học.
MĨ THUẬT 1
SGK Mĩ thuật 1 được biên soạn với mục đích cung cấp cho HS, GV một tài liệu giáo khoa thiết thực trong dạy và học môn Mĩ thuật lớp 1 nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho HS.
Các bài học, hoạt động trong Mĩ thuật 1 được thiết kế có tính hệ thống, liên kết với nhau; hoạt động trước kết thúc sẽ là khởi đầu cho hoạt động tiếp theo; bài học trước kết nối với bài học sau thông qua hoạt động vận dụng, phát triển và kết nối kiến thức, kĩ năng mĩ thuật với cuộc sống; từ đó góp phần hình thành, phát triển năng lực sáng tạo và sáng tạo không ngừng cho HS.
Cấu trúc bài học trong sách được xây dựng dựa theo mô hình nhận thức của nhà nghiên cứu giáo dục David Kolb. Với 5 hoạt động được thiết kế cho mỗi bài học, gồm: Khám phá; Kiến tạo kiến thức - kĩ năng; Luyện tập - sáng tạo; Phân tích - đánh giá; Vận dụng - phát triển, Mĩ thuật 1 sẽ góp phần hình thành, phát triển năng lực sáng tạo, năng lực cảm thụ thẩm mĩ, các kĩ năng cũng như các phẩm chất cốt lõi cho HS.
SGK Mĩ thuật 1 đã có sự điều chỉnh thời lượng bài học phù hợp, cấu trúc bài học mở hơn, không quy định thứ tự chủ đề, bài học, giúp GV có thể chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch và lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương và năng lực của HS.
Sách có khả năng mang lại những hiệu quả học tập ưu việt, góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực chung cũng như năng lực mĩ thuật cho HS.
Mĩ thuật 1 là “đứa con tinh thần”, là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm huyết, sức lực của tập thể tác giả vốn là các nhà sư phạm nghệ thuật, chuyên gia mĩ thuật của dự án Hỗ trợ giáo dục Mĩ thuật cấp Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Chính phủ Đan Mạch từ năm 2005 – 2015. Với kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và thực tiễn giảng dạy, thử nghiệm thực tế, tham khảo, học hỏi các chuyên gia về mĩ thuật trong và ngoài nước, kết nối thường xuyên với các GV mĩ thuật, các tác giả đã tiếp cận một cách hệ thống dựa trên các cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn đáng tin cậy để lựa chọn, xây dựng nội dung, cấu trúc, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và cách kiểm tra, đánh giá phù hợp cho Mĩ thuật 1.
ÂM NHẠC 1
Từ quan điểm “Âm nhạc ở quanh ta, sáng tạo là vô giới hạn”, với mong muốn bồi dưỡng những giá trị văn hoá, thẩm mĩ và tạo được niềm hứng khởi cho các em HS, SGK Âm nhạc 1 được nhóm tác giả thiết kế như một hành trình của chuyến tàu đặc biệt gồm 5 toa, tượng trưng cho 5 phân môn là: Hát, Nghe nhạc, Nhạc cụ, Đọc nhạc, và Thường thức âm nhạc, đưa các em HS khám phá thế giới âm nhạc lung linh đầy sắc màu.
Các chủ đề trong sách được thiết kế tương đối đa dạng nhưng cũng rất gần gũi, đó là các chủ đề về tình yêu quê hương đất nước, văn hoá dân tộc, hoà bình hữu nghị, môi trường thiên nhiên, gia đình, mái trường...
Các chủ đề không chỉ được liên kết với nhau bởi một đoàn tàu âm nhạc chạy xuyên suốt trong bộ sách mà còn được thể hiện ở phần Ôn tập thông qua hoạt cảnh cuối năm. Cuối mỗi chủ đề, nội dung giáo dục phẩm chất được lồng ghép, liên kết chặt chẽ với chủ đề.
Cấu trúc bài học của Âm nhạc 1 được thể hiện qua các bước: Khởi hành (HS khởi động - tạo cảm xúc, khám phá và tiếp cận kiến thức mới.); Hành trình (HS hoạt động, luyện tập để hình thành, củng cố kiến thức và phát triển năng lực âm nhạc); Về ga (HS vận dụng, sáng tạo những kiến thức, kĩ năng âm nhạc đã học để làm phong phú thêm tâm hồn của mình).
Sự gần gũi và sáng tạo của phương pháp giảng dạy mới được thể hiện ở các hoạt động học đa dạng, giúp HS tự kiến tạo kiến thức và thực hành để xây dựng năng lực mới. Các hoạt động đa dạng giữa Động và Tĩnh, với các hình thức khác nhau để phù hợp với môi trường học tập của nhiều vùng miền, địa phương, mang tính gợi ý, giúp GV sáng tạo và tự chủ để có thể xây dựng bài giảng phù hợp nhất, với HS làm trung tâm.
Sự phong phú và phù hợp của các chất liệu được thể hiện ở các bài hát, mẫu tiết tấu, các đoạn nhạc… được chọn lọc kĩ càng, phong phú về màu sắc và phù hợp với lứa tuổi. HS được làm quen với âm nhạc thông qua các âm thanh cuộc sống hằng ngày; hệ thống nốt nhạc được mã hoá bằng màu sắc của cầu vồng. HS được thể hiện tình cảm và biểu lộ cảm xúc với âm nhạc không chỉ qua giọng hát mà còn qua vận động cơ thể. Sách cũng đảm bảo tích hợp giáo dục các môn học như Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Tiếng Việt...
SGK Âm nhạc 1 được trình bày đẹp, hài hoà, hấp dẫn; ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi HS lớp 1. Hệ thống hình ảnh minh hoạ đảm bảo rõ ràng, chính xác, thân thiện, gần gũi, phù hợp với nội dung bài học, thuận lợi cho việc khai thác trong quá trình dạy học.
ĐẠO ĐỨC 1
Tư tưởng chủ đạo của SGK Đạo đức 1 được thể hiện theo triết lí: Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Với triết lí này, sách được biên soạn những nội dung và hoạt động học nhằm phát triển 3 năng lực chung được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Đạo đức 1 được biên soạn dựa trên sự kế thừa của SGK Đạo đức hiện hành, đồng thời có sự tiếp cận và học hỏi từ việc biên soạn SGK theo định hướng phát triển năng lực.
Trong Đạo đức 1, HS là trung tâm của các mối quan hệ giữa bản thân - gia đình - nhà trường. Từ ba mối quan hệ đó, các tác giả xây dựng các bài học theo hướng hoạt động để hình thành phẩm chất, năng lực, kĩ năng cho HS.
SGK Đạo đức 1 có những điểm mới nổi bật sau: Hệ thống bài học tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống, giáo dục kĩ năng sống; Các bài học được thiết kế rõ ràng theo đường phát triển năng lực, dựa trên các hoạt động giúp HS hình thành hệ thống các chuẩn mực, các nguyên tắc, các giá trị đạo đức, kĩ năng sống; Thiết kế chuỗi hoạt động hướng dẫn HS đi từ cảm xúc đạo đức, phán đoán đạo đức, lựa chọn hành vi đạo đức đến hành động đạo đức; Hướng dẫn HS biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân, hình thành thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt.
Nội dung sách đảm bảo tính chỉnh thể, sự nhất quán và phát triển liên tục qua các lớp, các cấp; tạo sự tương tác giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống cho HS.
Đạo đức 1 được in 4 màu với hình thức trình bày đẹp, hài hoà, hấp dẫn, phù hợp với đối tượng HS lớp 1. Các trang sách được sắp xếp khoa học, trình bày cân đối, hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình, giữa tuyến cung cấp thông tin và tuyến tổ chức hoạt động của HS; trình bày và bố cục nhất quán trong toàn bộ cuốn sách.
Với những ưu điểm nổi bật, SGK Đạo đức 1 hi vọng sẽ tạo ra một bước chuyển biến căn bản trong giáo dục Đạo đức theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho HS đúng như mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 1
(Nhóm tác giả: Đinh Thị Kim Thoa (CB), Bùi Ngọc Diệp, Vũ Phương Liên, Lại Thị Yến Ngọc, Trần Thị Quỳnh Trang)
SGK Hoạt động trải nghiệm 1 được biên soạn bám sát với chương trình Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nội dung sách được viết theo chủ đề, mỗi chủ đề được thực hiện từ 3 - 4 tiết. Chín chủ đề trải nghiệm thường xuyên hướng tới 3 mạch nội dung: hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội và hoạt động hướng đến tự nhiên. Bên cạnh chín chủ đề thường xuyên, SGK Hoạt động trải nghiệm còn chỉ ra những kĩ năng HS có thể phát triển và rèn luyện trong những không gian khác như trong giờ Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp.
Hoạt động trải nghiệm 1 được trình bày bằng những hình ảnh đặc tả nội dung. Bản thân tranh chứa đựng nội dung hoạt động, HS học qua quan sát tranh và thực hành theo hướng dẫn qua tranh. Đặc biệt, kênh hình chiếm ưu thế và kênh chữ vừa đủ để HS lớp 1 tập đọc và có thể thực hiện dưới sự hướng dẫn thêm của người lớn.
Sách được thiết kế giúp GV thực hiện chương trình theo mô hình lớp học đảo ngược từ góc độ của hoạt động giáo dục, thể hiện ở chỗ: Sách giúp các em cách tự học, tự rèn luyện trước khi đến lớp dưới sự hướng dẫn của GV trước đó; Vở thực hành giúp HS tương tác với sách một cách lí thú và hiệu quả; Sách GV hỗ trợ GV tổ chức hoạt động theo tiếp cận phát triển năng lực sau khi HS đã được chuẩn bị.
Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của Hoạt động trải nghiệm 1 là giáo dục cá biệt hoá và tạo cơ hội bình đẳng cho trẻ trong hoạt động giáo dục, hỗ trợ GV thực hiện được mục tiêu của hoạt động trải nghiệm theo sự sáng tạo của riêng mình. Điều này được thể hiện cụ thể trong biên soạn như: Thiết kế các nhiệm vụ vừa sức, phù hợp với năng lực và đặc điểm tâm sinh lí HS lớp 1; Các bài tập thiết kế mở, linh hoạt phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương, cơ sở giáo dục; Mọi HS tự chủ trong rèn luyện và được khích lệ sáng tạo theo cách của mình.
Hoạt động trải nghiệm 1 tạo sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, cùng đánh giá và cùng chung trách nhiệm trong việc đạt được mục tiêu của chương trình đặt ra.
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 1
(Nhóm tác giả: Phó Đức Hoà, Bùi Ngọc Diệp (Đồng CB), Nguyễn Hà My, Đặng Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Huyền Trang)
Hoạt động trải nghiệm 1 được biên soạn với tư tưởng quán triệt: Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện; tạo cơ hội cho HS tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Sách giúp HS phát triển phẩm chất, năng lực xung quanh các mối quan hệ cơ bản, gần gũi với bản thân, với cộng đồng, với tự nhiên… Các chủ đề của Hoạt động trải nghiệm 1 được thiết kế thành các hoạt động cụ thể, phù hợp với khả năng của HS. Thông qua các hoạt động, HS hình thành các kĩ năng, thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.
Loại hình tổ chức hoạt động trải nghiệm kết hợp hài hoà giữa các hoạt động cá nhân - nhóm lớn - nhóm nhỏ, đảm bảo mọi HS đều được tự chủ trong hoạt động, tự do trong sáng tạo và cơ hội phát triển bản thân.
Các em được trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống; hình thành, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm. Sau từng chủ đề, HS được rèn luyện khả năng tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng. Ngoài ra các em có khả năng tương tác với những người xung quanh như người thân, gia đình, bạn bè, thầy cô và những người trong cộng đồng thông qua các hoạt động cụ thể.
SGK Hoạt động trải nghiệm 1 trình bày đẹp, hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình, giữa tuyến cung cấp thông tin và tuyến tổ chức hoạt động của HS. Kênh hình trong sách luôn chú trọng việc đảm bảo yếu tố cân bằng giới, đảm bảo yếu tố vùng miền, đảm bảo tính thẩm mỹ và tính hiện đại.