Những môn học ở cấp tiểu học
Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cụ thể là:
- Lớp 1 và lớp 2: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1.
- Lớp 3: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và Xã hội, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm.
- Lớp 4 và lớp 5: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm.
Như vậy các môn mà tất cả các lớp của cấp học đều có là: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm.
Trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm.
Việc đổi tên môn Kĩ thuật ở cấp tiểu học thành Tin học và Công nghệ là do chương trình mới bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kĩ thuật. Tuy nhiên, trong chương trình hiện hành, môn Tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Ngoại ngữ tuy là môn học mới ở cấp tiểu học nhưng là một môn học từ lâu đã được dạy ở các cấp học khác; thậm chí đã được nhiều học sinh làm quen từ cấp học mầm non.
Hoạt động trải nghiệm cũng là một nội dung quen thuộc vì được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội TNTP Hồ Chí Minh và các hoạt động tham quan, lao động, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… trong chương trình hiện hành.
Hoạt động trải nghiệm của mỗi lớp do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, thực hiện theo kế hoạch của nhà trường. Tùy từng hoạt động cụ thể, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên môn học, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cha mẹ học sinh để tổ chức các hoạt động này. Giáo viên và nhà trường cũng cần báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong xã hội để hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động lao động công ích, thiện nguyện.
Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm.
Các trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cần có kế hoạch sử dụng thời gian ngoài chương trình các môn học, HĐGD bắt buộc một cách hợp lí để dạy các môn học tự chọn cho học sinh có nguyện vọng học; bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn những học sinh chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt; tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Thời lượng thực hiện chương trình môn học
Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn riêng cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).
Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở cấp tiểu học, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có trên 80% số học sinh trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân.
Trong Chương trình GDPT mới, ở cấp tiểu học, thời lượng dành cho môn Tiếng Việt là 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần), chiếm 31% tổng thời lượng chương trình dành cho các môn học bắt buộc; bằng thời lượng học trong chương trình hiện hành.
Chương trình GDPT dành thời lượng thích đáng cho việc học tiếng Việt ở cấp tiểu học, đặc biệt ở lớp 1, lớp 2 là để bảo đảm học sinh đọc thông viết thạo, tạo tiền đề học các môn học khác. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số thì việc có đủ thời gian học tiếng Việt trong những năm đầu đến trường càng quan trọng.
So sánh với chương trình nước ngoài, có thể thấy trong chương trình GDPT của bất cứ nước nào, thời lượng học tiếng mẹ đẻ/tiếng phổ thông, đặc biệt là ở cấp tiểu học, cũng chiếm tỉ lệ cao nhất.
Tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp tiểu học.
Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của môn Tiếng Việt
Đọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc.
Ở cấp tiểu học, yêu cầu về đọc gồm yêu cầu về kĩ thuật đọc và kĩ năng đọc hiểu. Đối với học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 2), chú trọng cả yêu cầu đọc đúng với tốc độ phù hợp và đọc hiểu nội dung đơn giản của văn bản. Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản.
Môn Ngữ văn góp phần hình thành, phát triển ở học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ
phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.
Từ lớp 1 đến lớp 3, viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn văn ngắn; ở lớp 4 và lớp 5 bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản.
Viết được văn bản kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện do học sinh tưởng tượng; miêu tả những sự vật, hiện tượng quen thuộc; giới thiệu về những sự vật và hoạt động gần gũi với cuộc sống của học sinh. Viết đoạn văn nêu những cảm xúc, suy nghĩ của học sinh khi đọc một câu chuyện, bài thơ, khi chứng kiến một sự việc gợi cho học sinh nhiều cảm xúc; nêu ý kiến về một vấn đề đơn giản trong học tập và đời sống; viết một số kiểu văn bản như: bản tự thuật, tin nhắn, giấy mời, thời gian biểu, đơn từ,...; bước đầu biết viết theo quy trình; bài viết cần có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).
Trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; bước đầu biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách rõ ràng câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ, trao đổi những cảm xúc, thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề được nói đến; biết thuyết minh về một đối tượng hay quy trình đơn giản.
Nghe hiểu với thái độ phù hợp và nắm được nội dung cơ bản; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe.
Phân biệt văn bản truyện và thơ (đoạn, bài văn xuôi và đoạn, bài văn vần); nhận biết được nội dung văn bản và thái độ, tình cảm của người viết; bước đầu hiểu được tác dụng của một số yếu tố hình thức của văn bản văn học (ngôn từ, nhân vật, cốt truyện, vần thơ, so sánh, nhân hoá). Biết liên tưởng, tưởng tượng và diễn đạt có tính văn học trong viết và nói.
Đối với học sinh lớp 1 và lớp 2: nhận biết được văn bản nói về ai, về cái gì; nhận biết được nhân vật trong các câu chuyện, vần trong thơ; nhận biết được truyện và thơ.
Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5: biết cách đọc diễn cảm văn bản văn học; kể lại, tóm tắt được nội dung chính của câu chuyện, bài thơ; nhận xét được các nhân vật, sự việc và thái độ, tình cảm của người viết trong văn bản; nhận biết được thời gian và địa điểm, một số kiểu vần thơ, nhịp thơ, từ ngữ, hình ảnh đẹp, độc đáo và tác dụng của các biện pháp tu từ nhân hoá, so sánh. Hiểu được ý nghĩa hoặc bài học rút ra từ văn bản. Viết được đoạn, bài văn kể chuyện, miêu tả thể hiện cảm xúc và khả năng liên tưởng, tưởng tượng.
Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của môn Toán