1. SGK Đạo đức 2 được biên soạn dựa trên cơ sở nào?
SGK Đạo đức 2 được biên soạn dựa trên cơ sở:
– Các tiêu chuẩn SGK mới theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình Đạo đức 2.
– Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về viết SGK.
– Đặc điểm học sinh lớp 2.
– Đặc trưng môn Đạo đức theo hướng tiếp cận năng lực.
2. Quan điểm biên soạn SGK Đạo đức 2 là gì?
Quan điểm biên soạn SGK Đạo đức 2:
– Gắn với thực tiễn cuộc sống của học sinh lớp 2 trong gia đình, nhà trường và xã hội.
– Đảm bảo tính hệ thống theo ma trận các chủ đề/bài học thống nhất trong toàn cấp học
– Chú trọng tích hợp nội môn giữa giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống và giáo dục pháp luật; tích hợp liên môn giữa Đạo đức với Tiếng Việt, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm,…
– Chú trọng yêu cầu dạy học phân hoá theo năng lực học sinh; đảm bảo tính đa dạng vùng miền và sự cân bằng về giới.
– Đảm bảo tính mở, tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên và học sinh.
3. SGK Đạo đức 2 được biên soạn theo cách tiếp cận nào?
SGK Đạo đức 2 mới được biên soạn theo cách tiếp cận năng lực. Qua đó, bước đầu hình thành ở học sinh phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; năng lực giao tiếp và hợp tác, tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, điều chỉnh hành vi và phát triển bản thân.
4. Mục tiêu của sách giáo khoa Đạo đức 2 là gì?
Bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh:
– Những chuẩn mực hành vi đạo đức: Biết nhận lỗi và sửa lỗi khi có lỗi; biết thể hiện tình yêu quê hương, kính trọng thầy cô, yêu quý bạn bè; quý trọng thời gian.
– Có kĩ năng thể hiện cảm xúc bản thân; tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.
– Biết tuân thủ quy định nơi công cộng.
5. Sách giáo khoa Đạo đức 2 gồm những mạch nội dung gì?
SGK Đạo đức 2 gồm 8 chủ đề. Mỗi chủ đề được cụ thể hoá thành các bài học nhỏ với tổng số 15 bài, tương ứng với 35 tiết học, trong đó 55% nội dung dành cho giáo dục đạo đức; 25% nội dung dành cho giáo dục kĩ năng sống; 10% nội dung dành cho giáo dục pháp luật; 10% dành cho ôn tập, kiểm tra, đánh giá.
6. Sách giáo khoa Đạo đức 2 có cấu trúc như thế nào?
Cấu trúc SGK Đạo đức 2 gồm:
– Hướng dẫn sử dụng sách: Giải thích các dấu hiệu chỉ dẫn trong sách.
– Lời nói đầu: Giới thiệu ngắn gọn về nội dung của sách và các hoạt động trong từng chủ đề/bài học.
– Mục lục: Trình tự sắp xếp các chủ đề/bài học và số trang bắt đầu của chủ đề/bài học trong SGK.
– Bài học: Giới thiệu từng chủ đề/bài học trong một chỉnh thể các hoạt động nhằm đạt tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của chương trình.
– Một số thuật ngữ dùng trong sách: Giải thích ý nghĩa một số thuật ngữ liên quan tới nội dung các chủ đề/bài học.
7. Mỗi bài học trong SGK Đạo đức 2 được cấu trúc như thế nào?
Thiết kế thống nhất theo chuỗi hoạt động:
– Khởi động: Nhằm tạo tâm thế, hứng thú để học sinh bước vào bài học mới.
– Khám phá: Tổ chức các hoạt động để học sinh tự giác, tích cực phát hiện và chiếm lĩnh tri thức.
– Luyện tập: Nhằm củng cố kiến thức, kĩ năng vừa khám phá, rèn luyện kĩ năng xử lí tình huống, liên hệ thực tiễn nhằm điều chỉnh ý thức, hành vi của bản thân.
– Vận dụng: Giúp học sinh tự giác, tích cực áp dụng những điều đã học vào thực tiễn với không gian mới, tình huống mới. Cuối mỗi chủ đề/bài học là một Thông điệp ngắn gọn được thể hiện bằng thơ, giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ các chuẩn mực hành vi cần thực hiện.
8. SGK Đạo đức 2 có hình thức trình bày như thế nào?
Để kích thích sự ham học, trí tò mò và tư duy sáng tạo của học sinh, SGK Đạo đức 2 kết hợp hài hoà giữa nội dung và hình thức, kênh hình và kênh chữ. Kênh chữ được diễn đạt bằng những từ ngữ phổ thông đơn giản, gần gũi với học sinh. Kênh hình có những hình ảnh, màu sắc đẹp. Sau khi hoàn thiện bản in giấy, SGK Đạo đức 2 sẽ được số hoá thành phiên bản sách điện tử, nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ số vào giáo dục.
9. SGK Đạo đức 2 có vai trò gì?
– Là phương tiện giúp giáo viên đổi mới phương pháp, tổ chức dạy học theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.
– Là phương tiện giúp học sinh tự học, tự chủ, sáng tạo để phát huy năng lực của bản thân một cách hiệu quả thông qua các nhiệm vụ học tập phong phú, đa dạng.
– Là phương tiện hỗ trợ và thu hút sự tham gia của gia đình vào quá trình giáo dục học sinh ở nhà.
10. Giáo viên cần lưu ý điều gì để khai thác có hiệu quả SGK Đạo đức 2?
– Vận dụng phối hợp các phương pháp: phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại; phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục.
– Chú trọng tổ chức hoạt động để học sinh phân tích, khai thác thông tin, khám phá tri thức, lựa chọn hành vi, chia sẻ ý kiến, xử lí tình huống.
– Chú ý rèn kĩ năng, phát triển năng lực cho học sinh.
– Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học.