Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được điều đó luôn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh, giáo viên trăn trở, đặc biệt là đối với những trẻ em thường bị coi là bướng bỉnh, hay quậy phá, mắc lỗi. Trong rất nhiều trường hợp khi trẻ mắc lỗi, người lớn thường dùng các hình phạt hà khắc như đánh đập, mắng chửi để mong muốn trẻ thay đổi, sửa sai và không phạm lại lỗi đó nữa. Song kết quả thường không được như họ mong muốn. Thay vì làm theo ý người lớn, nhiều trẻ em trở nên khó bảo hơn, lì lợm và chống đối; cũng có nhiều trẻ trở nên khép mình hơn, trầm cảm và thiếu tự tin. Hậu quả là trẻ thường học tập kém, phát triển không toàn diện về thể chất, tinh thần và mối quan hệ với người lớn ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Mặc dù nhiều người biết việc trừng phạt, đánh đập, mắng chửi không làm trẻ tốt hơn, nhưng họ không biết nên làm cách nào khác. “Phương pháp kỷ luật tích cực” có thể là một giải pháp tốt mà chúng tôi muốn giới thiệu với các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo. Tài liệu này được biên soạn bởi Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học và Tổ chức Plan tại Việt Nam.
Bộ tài liệu này sẽ giúp các bậc phụ huynh, giáo viên hiểu rõ hơn về trẻ em, tâm lý lứa tuổi, tác dụng tiêu cực của việc trừng phạt trẻ em và trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng nhằm giáo dục, kỷ luật trẻ em một cách tích cực và hiệu quả. Bộ tài liệu này giúp họ học cách kiềm chế sự tức giận, căng thẳng của mình khi thấy trẻ bướng bỉnh, làm sai lời. Họ có thể học được cách đưa ra những lời khuyên hay, những nội quy tốt để trẻ dễ làm theo. Họ có thể học được cách lắng nghe nghe một cách tích cực để hiểu trẻ hơn, hiểu bản thân hơn. Họ có thể sẽ học được cách động viên, khích lệ khi trẻ làm việc tốt. Và họ sẽ học được cách làm thế nào để con em, học sinh mình trở nên ngoan ngoãn, học giỏi mà không phải dùng tới các hình phạt." - trích Lời mở đầu