Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, toàn bộ di sản tư tưởng của Người là một kho báu văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong đó tư tưởng của Người về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Đó là một hệ thống các quan điểm lý luận mang tính khoa học và cách mạng về văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Được kết tinh và chắt lọc những giá trị cả văn hóa phương Đông, phương Tây, của truyền thống và hiện đại, của dân tộc và quốc tế. Theo Hồ Chí Minh, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Theo Người: Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được; có thực mới vực được đạo; xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy. Nhưng mặt khác, đến lượt mình, văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong rất nhiều bài nói và bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu…Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, biết gạn đục khơi trong, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, biệt chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương cho mọi thế hệ Việt Nam, trong đó có tuổi trẻ noi theo.
Với nhận thức là văn hóa có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân”. Vì vậy, văn hóa cũng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm: Vì nhân dân phục vụ và phát huy sứ mạng của toàn dân làm văn hóa. Làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người là yêu cầu rất cao, là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Chỉ khi nào được mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, tôn giáo, nhà trường và gia đình…tham gia tích cực, thường xuyên, liên tục, bền bỉ thì văn hóa mới có thể thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Nó mãi là ánh sáng soi đường cho công cuộc xây dựng và phát triển nên văn hóa nước ta.
Tại buổi chuyên đề, đồng chí Chu Thị Thu Hương - Bí thư Chi bộ đã phổ biến nội dung chuyên đề "Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và yêu cầu xây dựng nền văn hoá mới" và quán triệt mục đích, yêu cầu, nêu ý nghĩa, tầm quan trọng của buổi sinh hoạt chuyên đề đồng thời gợi ý, đề ra giải pháp vận dụng, liên hệ trong việc xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa công sở của cơ quan và văn hóa giao tiếp ứng xử của cán bộ, đảng viên hiện nay. Các đồng chí đảng viên trong chi bộ cũng đã phát biểu đóng góp ý kiến, nêu nhận thức của cá nhân và tác dụng của chuyên đề trong vai trò công tác của bản thân; cần xây dựng cho mình ý thức, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị “văn hóa của con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Qua đó xây dựng nền tảng văn hóa, vai trò của người thầy trong thời đại mới thông qua sự sáng tạo và phát triển trên nền tảng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Mục tiêu là “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” là phương châm hành động của mỗi cán bộ, Đảng viên chi bộ trường Tiểu học Khương Mai. Để Chi bộ thực sự trở thành Chi bộ văn hóa, không chỉ đơn thuần là hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm học, tăng cường kỉ luật, kỉ cương, văn hóa công sở, đạo đức công vụ gắn liền với thực hiện Quy tắc ứng xử tại công sở… Mà điều quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ của Đảng viên, nhiệm vụ của người thầy có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước được nâng cao, thường xuyên tự trau dồi bản thân về chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức. Cán bộ, Đảng viên, giáo viên, nhân viên phải có mặt đẩy đủ, đúng giờ, trang phục đồng bộ, có mang phù hiệu; thái độ giao tiếp nhã nhặn, lịch sự, tạo ấn tượng khi nhân dân, cha mẹ học sinh đến trường và để lại cảm giác thoải mái, dễ chịu, khi ra về; nét đẹp văn minh còn thể hiện trong từng công việc, trong quy định tiếp xúc, thái độ niềm nở, nhiệt tình, tấm lòng “Yêu nghề, mến trẻ” hết mình vì các con học sinh thân yêu…
Tại Hội nghị, 100% cán bộ, đảng viên chi bộ trường Tiểu học Khương Mai đã được tham gia thảo luận về nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và trách nhiệm của người đảng viên trong việc vận dụng lý luận về “văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới” theo tư tưởng HCM vào thực tiễn đời sống và công tác trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên học tập, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống, công tác, đồng thời tự kiểm điểm, đánh giá bản thân trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Chi bộ, nhà trường phân công trong thời gian qua. Qua đó chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cũng như tìm giải pháp để khắc phục những hạn chế để phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đã đề ra. Với tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, Đảng viên, giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Khương Mai quyết tâm học tập và noi theo tư tưởng văn hóa của Người để làm tốt công việc của người thầy trên lĩnh vực giáo dục “Vì lợi ích 10 năm trồng cây – Vì lợi ích trăm năm trồng người”.