Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò hết sức qua trọng, sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cánh cửa trí tuệ và tâm hồn của con người, là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Sách là kho tàng tri thức quan trọng đối với tất cả mọi người bởi sách ghi lại những kiến thức, những giá trị của cuộc sống mà người đi trước đã tìm kiếm học tập, trải nghiệm và truyền lại cho thế hệ sau. Những cuốn sách có nội dung tốt sẽ đưa đến cho chúng ta không chỉ những hiểu biết mới mà khơi dậy cả sự suy nghĩ tìm tòi, sự biến đổi về tâm hồn. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui buồn sâu kín của mỗi con người. Mọi thành công của mỗi chúng ta đều nhờ sự kết hợp kinh nghiệm của bản thân với tri thức lĩnh hội được từ việc học trong cuộc sống và sách vở, chính vì vậy mà từ lâu sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của mọi người.
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới . Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách. Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam là một dịp quan trọng nhằm khẳng định vai trò của sách trong việc nâng cao tri thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, đồng thời rèn luyện nhân cách con người. Song đó, sự kiện này còn thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần xây dựng một môi trường học tập tích cực, từ gia đình đến cơ quan, tổ chức và trường học.
Việc nhà trường phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc. Bên cạnh đó, qua hoạt động này, nhà trường muốn tăng cường tuyên truyền, truyền thông ý nghĩa của việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; ghi nhận, biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, khuyến khích học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập; giới thiệu mô hình Thư viện sách "0 đồng", tổ chức các hoạt động đọc, khuyến khích học sinh các lớp đọc nhằm xây dựng văn hóa đọc ở trường, gia đình và cộng đồng; Xây dựng năng lực, duy trì và phát triển bền vững Thư viện truyền thống.
Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: giới thiệu sách, điểm sách theo chủ đề, trưng bày sách, triển lãm sách, kể chuyện theo sách, vui đọc sách, trò chơi về sách, diễn kịch theo sách, viết bài bình luận, bài thu hoạch, vẽ tranh theo sách, phát động học sinh tham gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc"... triển khai có hiệu quả tiết học, tiết đọc thư viện, lan tỏa văn hóa đọc sách, phát triển mô hình Thư viện sách "0 đồng". Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện cũng như hoạt động đọc sách của nhà trường; tăng cường sử dụng, khai thác học liệu số, phần mềm quản lý thư viện số, sách báo điện tử, thư viện điện tử, thư viện trực tuyến, cổng thông tin điện tử để đáp ứng nhu cầu của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng nguồn học liệu số hữu ích, an toàn, đúng quy định của pháp luật...
Học sinh khối lớp 3 đã tổ chức thành công chương trình SHTT với chủ đề giới thiệu sách trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024
Việc hưởng ứng, tham gia Ngày hội Sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp các em học sinh được tiếp cận với nhiều loại sách, tìm được niềm vui trong đọc sách, hình thành thói quen đọc sách để mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn; góp phần giáo dục kĩ năng sống. Đồng thời tôn vinh sách, khẳng định vai trò, giá trị của sách trong đời sống xã hội, giúp cho các em có ý thức chung tay xây dựng thư viện thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong mỗi học sinh và trong cộng đồng.