Nơi khí thiêng của đất trời và long tịnh tín cùng tụ hội, khiến cho CB-GV-NV cùng gia đình như lạc vào cõi hư không lưu luyến mãi chẳng dời. Đến với chùa Hương không chỉ một lần, nhưng mỗi lần lại một cảm xúc khác nhau, vẫn cảnh vật ấy, vẫn ngôi chùa ấy nhưng dường mới đến lần đầu. Phải chăng chính dòng Yến giang đã gột rửa những phiền não lo toan của cuộc sống thế tục; những tòa cổ sái nguy nga, những khối kiến trúc thấp thoáng giữa trập trùng núi non, hay những tích truyện màu nhiệm về bà chúa Ba, hay 100 con voi chầu... khiến cho đoàn trường như lạc vào thế giới Đào nguyên. Không chỉ nổi tiếng là chùa có lễ hội lớn và dài nhất Việt Nam, nơi đây còn là ngôi nhà của hàng triệu thiện tín Phật tử hành hương trảy hội khi mùa xuân đến.
Đi lễ là đi vào cõi Phật, cõi tiên, phải luôn thong thả, không vội vàng chen lấn, tinh thần thoải mái, tâm hồn thanh tịnh. Đầu xuân Kỷ Hợi 2019, về với Chùa Hương, cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng gia đình nhà trường có dịp cùng nhau đi trẩy hội, đi lễ đầu xuân để cầu mong cho cả gia đình năm mới được mạnh khoẻ, bình an, công việc được suôn sẻ, may mắn và tràn đầy hạnh phúc. Chuyến du xuân, học tập năm nay đã mang lại niềm vui, thêm gắn kết các thành viên trong đoàn. Chuyến du xuân đã tạo thêm sự phấn khởi cho một năm công tác mới với sức khỏe, niềm tin, sự ấm áp về tâm linh đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng gia đình.
Đền Trình trên lối vào động Tuyết. Đây là nơi trình với thần linh trước khi vào chùa cũng có thể coi như nơi đoan trường trình diện với thiên nhiên, cất một lời chào khi bắt đầu bước vào cõi đẹp. Đền Trình này quy mô không to nhưng cân xứng có tầm vóc của năm quả núi (Ngũ Nhạc) làm nền xanh cho nó. Những mảng trắng của tường, những mảng nâu sẫm của mái, và những đường thẳng cong… tất cả không lộ hẳn ra mà chỉ lấp ló trên nền cày, đá.
Theo dòng suối Yến, qua bến Đục, đoàn trường tiến vào Chùa Thiên Trù. Nơi linh thiêng cõi Phật, chùa Thiên Trù được xây dựng trên một mảnh đất hình chữ nhật chạy dài suốt từ sân dốc cho tới bức tường ngăn giữa khoảng đất bằng phẳng và núi Sau Chùa. Kiểu kiến trúc của Thiên Trù có tên là “Ngũ môn tam cấp” - tức năm cửa ba bậc. Qua cổng là đến sân. Hai bên sân là hai dãy nhà tranh làm nơi ăn nghỉ cho du khách trong ngày hội. Qua sân là đến bảo thềm thứ nhất – đây cũng là một cái sân. Trước bảo thềm này có đặt một đỉnh đồng cao 3m dùng để khói nhang. Qua sân bảo thềm thứ nhất là đến bảo thềm thứ hai – là một cái sân cao hơn. Hai bên sân bảo thềm thứ hai là những gian nhà cầu cho khách ngủ trọ. Tiến đến sân bảo thềm thứ ba cao hơn một chút, qua hai cửa tam quan nối vào Tam Bảo chính là nơi thờ Phật. Hai bên Tam Quan là gác trống bên trái và gác chuông bên phải. Hai bên Tam Bảo là hai bể nước, các buồng sư, buồng cung văn, nhà dấu, nhà oản... Phía sau Tam Bảo là điện Thánh Mẫu bên trái, gác tàng thư, nhà Tổ ở giữa và Thiên Thuỷ tháp bên phải.
Cổng động Hương Tích vẫn vậy, màu đá xanh vẫn lưu dấu thưở nào, nhưng đường xuống và sân động đã được tôn tạo sửa sang để tiện cho thập phương vào lễ đức Quán âm. Bảo điện trang nghiêm, tượng Bồ tát Quán âm tọa sơn vẫn từ bi tọa trụ nơi đây, đâu đó hình bóng Chư Tổ cùng Phật tử như vẫn đang hiện hữu hành trì lễ Ngũ bách danh... văng vẳng hồng danh "Namo Quán thế âm Bồ tát".
"Chùa Hương trời điểm lại trời tô,
Một bức tranh tình trải mấy thu.
Xuân lại xuân đi không dấu vết,
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho."
Dòng Yến giang không chỉ đẹp ở sự mênh mang bát ngát mà còn đẹp ở sự hiền hoà giữa hai triền núi, ngồi trên thuyền ngắm cảnh núi non, đò thuyền ra vào tấp nập, mọi người không quen nhau cũng thưa lời chào hỏi: “A di đà Phật”, tạo ra nét văn hóa riêng biệt hiếm nơi nào có được. Theo dòng thời gian, những chiếc đò gỗ năm nào đã lùi vào quá khứ, ngày nay chúng được thay bằng vật liệu bền chắc nhưng đó không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là con thuyền “Bát Nhã” chở khách hành hương đến với cõi Phật.