Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Và vào dịp đầu xuân năm mới, CB-GV-NV nhà trường thường có phong tục đi lễ chùa và cầu may đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi công đoàn viên nhà trường. Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới...
Đầu tiên, đoàn trường đến với đền Sòng Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa được mệnh danh là chốn linh thiêng nhất xứ Thanh. Ngày xưa quan quân từ Kinh thành Thăng Long không kể chức sắc lớn nhỏ, khi hành quân qua đây đều phải xuống ngựa vào đền để làm lễ. Vì có tục lệ như thế nên ngày nay nhiều người dân mỗi khi có dịp đi qua đây đều phải xuống xe vào lễ Thánh Mẫu, cầu cho chuyến đi được bình an, làm ăn phát đạt. Sự linh thiêng của Đền Sòng Sơn là sự cảm nhận ở mỗi người, vì nó không hiện hữu, cầm nắm được. Về tâm linh tín ngưỡng, đây là sự chiêm nghiệm của tùy từng thành viên trong đoàn trường. Đền Sòng Sơn vốn nổi tiếng từ lâu và được nhiều người biết đến là linh thiêng. Hệ thống thờ Mẫu của Việt Nam xuất hiện song song với đạo Phật nên được mọi người rất coi trọng. Đền Sòng Sơn cũng là đền lớn nằm trong hệ thống đền thờ Mẫu của của nước ta. Chính vì thế nên mọi người thường nói: Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh.
Tiếp đến, đoàn trường đến với đền Cô Bơ, đây là một trong những di tích lịch sử Văn hóa được xây dựng cách đây trên 500 năm, trải qua biến cố thăng trầm của thời gian. Tuy vậy, mảnh đất “Anh linh” vua ban đã được nhân dân và khách thập phương nhiều lần tôn tạo, trùng tu, sửa đổi. Tâm linh thanh tịnh, mọi người cùng nhau viếng thăm, hương khói cầu nguyện phước lành cho cuộc sống bình an, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, có thể nói đây là nơi “Quốc mẫu dân cầu” có một không hai.
Đền Chín Giếng (hay còn gọi đền Cô Chín) nổi tiếng linh thiêng nhất nhì xứ Thanh, trước thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tên của ngôi đền bắt nguồn từ 9 miệng giếng thiêng quanh năm đùn nước không bao giờ cạn dưới mặt dòng suối tự nhiên chảy qua đền Sòng và đền Chín Giếng. Phong cảnh suối thiêng hữu tình chẳng khác nào tranh vẽ. Xung quanh suối là những miệng giếng trong xanh, sâu thăm thẳm đùn nước lên thành từng nhịp. Cô Chín là một trong những tiên cô tài phép, có tài xem bói, nên mọi người đến để cầu xin lộc làm ăn, phát tài. Trở về đền Sòng, nơi mặt hướng về phía Tây Bắc, trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong đó là Hồ Cá Thần, tương truyền rằng trước đây hàng năm cứ đến cữ Tháng giêng, Tháng Hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ. Đền Sòng được trùng tu, tôn tạo khôi phục lại gần như hoàn toàn vẻ đẹp uy trang, đường vệ và linh thiêng ban đầu của nó.
Để cầu cho sự bình an cả năm, mọi người về với huyệt đạo Am Tiên nằm trên núi Nưa (dãy Ngàn Nưa thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Quần thể bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên". Am Tiên đã có từ lâu đời với vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất địa linh nhân kiệt. Theo sử sách để lại, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi. Huyệt thiêng chính là nơi giao hòa giữa trời và đất... Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào trong sẽ thấy huyệt thiêng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an". Đây được xem là 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất cả nước.
Trở về với đất cố đô, mọi người đã cùng đến hai ngôi đền đều gắn bó với các truyền thuyết vừa hư vừa thực về sức mạnh và niềm tin của thiên nhiên vào cuộc sống con người, là minh chứng về vai trò của người dân Tam Điệp đối với nghĩa quân Tây Sơn trong chiến thắng Thăng Long lịch sử. Là cái gạch nối giữa cố đô Hoa Lư xưa với thủ đô Hà Nội. Đó là hai đền Quán Cháo và đền Dâu.
Chuyến đi thành công tốt đẹp với những hoài bão lớn lao cho sự nghiệp trồng người !!!