Hàng năm, cứ vào ngày mùng 3/3 âm lịch theo tên gọi dân gian là ngày tết Hàn thực, người Việt lại cùng nhau chuẩn bị những đĩa bánh trôi bánh chay đẹp mắt để cúng tổ tiên ông bà. Trong ngày này, dù ai ở xa tới đâu cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ đầu năm nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất, cùng ngồi bên mâm cơm sum vầy với gia đình. Và những truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn Thực, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay. Với mùi thơm phức của đỗ xanh, đường mật, không khí tết dường như trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.
Sau ngày làm việc đã thấm mệt, chúng tôi cùng trổ tài làm bánh trôi, chay.
Tết Hàn thực của người Việt mang đậm những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - Hàn Thực. Và truyền thống Khương Mai cũng mang đậm truyền thống Việt như vậy... CB-GV-NV nhà trường nô nức làm bánh trôi, bánh chay với không khí vui tươi, đoàn kết.
Vui liên hoan với thành quả lao động của chính mình...
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Chẳng hạn người Việt có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây. Tiếp đó, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng những đĩa bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn… Như thế, rõ ràng tết Hàn thực của ta mang màu sắc dân tộc riêng, trường tồn trong quá trình dựng nước và giữ nước. Và Tết Hàn Thực Khương Mai cũng là lúc mọi người cùng nhau tri ân những thế hệ đi trước đã xây dựng và giữ vững truyền thống nhà trường.
Ngon mắt và ... thật ngon miệng!
Bánh trôi bánh chay là đặc trưng của ngày lễ này. Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên. Bánh trôi Khương Mai không những mang đầy đủ hương vị truyền thống đó mà còn đậm chất đảm đang, khéo léo của những người phụ nữ anh hùng, hết lòng vì học sinh thân yêu, những người phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Hoạt động công đoàn - Thắm tình đoàn kết
Vào những ngày này, cùng người thân thưởng thức một đĩa bánh trôi, bánh chay ta như cảm nhận được nhân tình thế thái. Nhiều người còn truyền tai nhau rằng, ăn bánh trôi bánh chay vào ngày này để ôn lại những chuyện xưa cũ, chuyện một thời đã xa của dân tộc ta. Và ăn bánh trôi, bánh chay, CB-GV-NV nhà trường lại càng thắm thiết hơn, đoàn kết hơn.
Giáo viên Khương Mai dạy giỏi, nội trợ giỏi và... "khéo tay hay làm".