1. Trò chơi: Bắn tên
- Mục đích: HS tìm tiếng chứa vần mới học.
- Cách chơi:
Quản trò hô: Bắn tên, bắn tên
Cả lớp: Bắn ai, bắn ai
Quản trò: Bạn Thanh, bạn Thanh
Bạn Thanh: Đọc tiếng mình vừa tìm được (ghi trên bảng con) - cả lớp phân tích sau đó bạn Thanh làm quản trò và hô tiếp: Bắn tên, bắn tên
Cả lớp: Bắn ai, bắn ai
Quản trò: Bạn Huy, bạn Huy
Bạn Huy: Đọc tiếng mình vừa tìm được - cả lớp phân tích sau đó bạn Huy làm quản trò và hô tiếp: Bắn tên, bắn tên….
Cứ như thế trò chơi được tiếp tục.
2. Trò chơi: Chào bạn
- Cho 2 em trong bàn quay mặt vào nhau thành từng đôi một.
- Gv mời 1 em nhanh nhẹn trong lớp lên làm mẫu cùng với GV.
Vừa chơi vừa đọc lời ca: Chào bạn
Tôi xin chào bạn
Sức khoẻ ra sao
Học hành thế nào
Tôi xin chúc bạn
Có sức khoẻ tốt
Học hành tiến bộ.
Cách chơi : Vừa chơi vừa đọc lời ca:
+ “Chào”: Hai bàn tay vỗ vào nhau
+ “Bạn” : Bàn tay phải của mình vỗ vào bàn tay phải của bạn.
+ “Tôi xin” : Hai bàn tay vỗ vào nhau
+ “Chào bạn” : Bàn tay trái của mình vỗ vào bàn tay trái của bạn.
+ “Sức khoẻ”: Hai bàn tay vỗ vào nhau
+ “Ra sao ” : Bàn tay phải của mình vỗ vào bàn tay phải của bạn.
+ “Học hành” : Hai bàn tay vỗ vào nhau
+ “Thế nào” : Bàn tay trái của mình vỗ vào bàn tay trái của bạn.
+ “Tôi xin”: Hai bàn tay vỗ vào nhau
+ “Chúc bạn” : Bàn tay phải của mình vỗ vào bàn tay phải của bạn.
+ “Có sức” : Hai bàn tay vỗ vào nhau
+ “ Khoẻ tốt” : Bàn tay trái của mình vỗ vào bàn tay trái của bạn.
+ “Học hành”: Hai bàn tay vỗ vào nhau
+ “Tiến bộ” : Bàn tay phải của mình vỗ vào bàn tay phải của bạn.
3. Trò chơi: Con thỏ ăn cỏ
HS đứng tại chỗ trong lớp.
*Cách chơi :
- Quản trò : Đưa 2 tay lên đầu vẫy vẫy - hô “Con thỏ”
- Cả lớp : Lặp lại theo lời GV nói “Con thỏ” và cũng đưa 2 tay lên đầu vẫy vẫy
- Quản trò: Bàn tay trái ngửa, bàn tay phải chụm lại trong lòng bàn tay trái hô “Ăn cỏ”
- HS : Làm theo và nói “ăn cỏ”
-Quản trò : Đưa tay lên miệng hô “Uống nước”
- HS : Làm theo và nói “Uống nước”
- Quản trò: Đưa hai tay lên lỗ tai hô “chui vào hang”
- HS: Làm theo và nói “chui vào hang”.
HS phải làm theo GV nếu làm sai sẽ bị phạt, GV chú ý phải làm dần dần nhanh, khẩu lệnh không theo thứ tự “Con thỏ, ăn cỏ, uống nước, chui vào hang” nữa. (có thể nâng lên bằng cách nói và làm khác nhau)
4. Trò chơi: Bàn tay diệu kì
HS đứng tại chỗ trong lớp.
*Cách chơi :
Người điều khiển hô: Bàn tay mẹ - tất cả xòe bàn tay giơ ra phía trước.
Người điều khiển hô: Bồng con hát ru- tất cả vòng hai cánh tay ra phía trước và đung đưa như đang bế ru con.
Người điều khiển hô: Bàn tay mẹ - tất cả xòe bàn tay giơ ra phía trước.
Người điều khiển hô: Chăm chút con từng ngày – tất cả úp bàn tay lên má và nghiêng đầu.
Người điều khiển hô: Bàn tay mẹ - tất cả xòe bàn tay giơ ra phía trước.
Người điều khiển hô: Sưởi ấm con ngày đông- tất cả đặt chéo 2 lên ngực và khẽ lắc lư người.
Người điều khiển hô: Bàn tay mẹ - tất cả xòe bàn tay giơ ra phía trước.
Người điều khiển hô: Là gió mát đêm hè- tất cả làm động tác như đang quạt.
Người điều khiển hô: Bàn tay mẹ - tất cả xòe bàn tay giơ ra phía trước.
Người điều khiển hô: Là bàn tay kì diệu – tất cả giơ 2 cánh tay lên cao và hô to “bàn tay kì diệu”
5. Trò chơi: Đứng, ngồi, nằm, ngủ
- Nội dung:
+ Đứng: Hai bàn tay nắm, giơ thẳng lên đầu
+ Ngồi: Hai bàn tay nắm, hai cánh tay vuông góc, bàn tay giơ ngang mặt
+ Nằm: Hai bàn tay nắm, duỗi tay thẳng phía trước
+ Ngủ: Hai bàn tay nắm, áp vào má và hô : Khò
- Cách chơi: GV hô những tư thế, động tác theo quy định trên.
GV có thể hô đúng hoặc hô đúng làm sai
HS phải làm đúng theo lời hô và các động tác đã quy định
6. Trò chơi: Ong đốt, kiến cắn, đau bụng
- Mục đích: Bồi dưỡng cho các em khả năng tập trung tư tưởng
- Cách chơi:
Chọn vị trí để mọi người cùng nhìn thấy và quản trò đọc to các câu “ Ong đốt - Kiến cắn - Đau bụng”. Khi nói “Ong đốt” đồng thời lấy hai tay xoa lên đầu – “Kiến cắn” đồng thời lấy hai tay xoa lên mu bàn chân “Đau bụng” đồng thời lấy hai tay ôm bụng. Em nào ít chú ý sẽ làm nhầm, phải đứng lên trước hay ra khỏi bàn Trò chơi tiếp tục đến khi kết thúc. Ai là người bước lên nhiều nhất là người ít chú ý nhất trong cuộc chơi sẽ bị phạt.
- Luật chơi:
Tất cả người chơi phải nhìn lên người quản trò
Làm sai quy định hoặc làm chậm thì phạm luật
7. Trò chơi: Ban nhạc đặc biệt
- Mục đích: Rèn luyện khả năng tập trung tư tưởng, tinh thần tập thể, phản xạ nhanh nhạy cho các em.
- Cách chơi:
Quản trò quy định một nhóm đóng giả gà con. Nhóm khác đóng giả gà mái, nhóm khác nữa đóng giả gà trống. Khi được đọc đến tên mình cùng động tác chỉ huy tay của quản trò, lập tức nhóm phải phát ra tiếng kêu của gà. Ví dụ: Gà con kêu chíp chíp…Gà mái kêu cục ..tác…Gà trống kêu ò…ó…o…
Chú ý: Để xem nhóm nào phản xạ tốt nhất, quản trò vừa làm động tác chỉ vào nhóm đó nhưng lại gọi trên nhóm khác, các em sẽ dễ bị nhầm.
Luật chơi:
-Quản trò chỉ tay vào nhóm nào mà nhóm đó không đọc được hoặc đọc chậm, đọc sai quy định thì phạm luật.
8. Trò chơi : Chim bay, cò bay
Mục đích : Rèn luyện trí nhớ, phản xạ tốt, khéo léo, là hình thức tập thể dục nhẹ nhàng, vận động cánh ta, cổ tay đỡ mỏi.
Số lượng : Toàn bộ học sinh trong lớp
Địa điểm : Đứng tại chỗ trong phòng học
Cách chơi :
Học sinh đứng tại chỗ trong lớp học, quản trò đứng phía trên bục giảng. Người điều khiển hô“chim bay” đồng thời giang hai cánh tay như chim đang bay. Cùng lúc đó mọi người phải làm động tác và hô theo người điều khiển. Nếu người điều khiển hô những vật không bay được như“nhà bay” hay “bàn bay” mà người nào làm động tác bay theo người điều khiển hay những vật bay được mà lại không làm động tác bay thì sẽ bị phạt
Để lôi cuốn hơn, có thể biến tấu thêm phần “cá lặn” hay “tàu lặn,vịt lặn”…để xem kẽ với trò “Chim bay, cò bay”
9. Trò chơi: Chú Mèo nhà em
+ Mục đích
– Biết đặc điểm của chú mèo.
– Bắt chước những động tác của mèo.
– Tạo không khí vui tươi, nhẹ nhàng, thoải mái.
+ Cách chơi
– Cả lớp đứng tại chỗ, GV và HS cùng hát- nói:
– GV: Con mèo
– HS: Meo, meo, meo…(bắt chước tiếng kêu của mèo)
– GV: Mắt nó, mắt nó
– HS: Trong veo, trong veo(hai tay chỉ vào mắt)
– GV: Chân mèo, chân mèo
– HS: Giỏi leo, giỏi leo( hai tay diễn tả động tác mèo trèo)
– GV: Nó nằm, nó ngủ
– HS: Đôi mắt lim dim( hai tay áp má, mắt lim dim)
– GV: Chuột trong gầm tủ
– HS: Thoắt thôi, chộp liền (bùng dậy vồ vào hai vai bạn)
– GV: Nó đến bên em
– HS: Tì vai – cọ má (1 tay nắm vai, 1 tay vuốt má mình)
– GV: Cả nhà đều khen
– HS: Mèo con giỏi qua (vỗ tay hoan hô, ngồi vào chỗ)
10. Trò chơi: Gieo hạt
+ Mục đích
– Rèn luyện nhanh nhẹn, khoẻ người
– Tạo sự vui vẻ, thoải mái.
+ Cách chơi
– GV và HS cùng nói:
– Gieo hạt: HS vẫy tay như gieo hạt và ngồi xuống.
– Nảy mầm: HS đứng lên.
– Một nụ: Giơ một tay ngang người, bàn tay úp xuống.
– Một hoa: Bàn tay ngửa lên.
– Hai nụ: Giơ tay kia ngang người, bàn tay úp.
– Hai hoa: Hai bàn tay ngửa lên.
– Mùi hương thơm ngát: Đưa hai tay ngửa và hít thật sâu.
– Gió thổi: HS giơ tay lên cao, nghiêng người sang hai phía và nói: cây rung.
– Lá rụng: HS ngồi thụp xuống và nói tiếp: nhiều lá.
11. Trò chơi: Thổi bóng bay
+ Mục đích
– Rèn luyện sự khéo léo, nhanh nhẹn và tinh thần tập thể.
+ Cách chơi
– GV cho HS đứng tại chỗ, hai tay chụm lại đưa lên miệng giả vờ thổi bóng, một hơi, hai hơi…vòng tay mở rộng dần như bóng thổi to lên. HS đứng tại chỗ, 2 tay chụm lại đưa lên miệng.
– GV: Thổi một hơi
– HS: (thổi) phù (vừa thổi vừa mở rộng bàn tay một chút).
– GV: Thổi hai hơi.
– HS: Phù – phù (hai vòng tay mở rộng lên).
– GV: Thổi ba hơi.
– HS: Phù – phù – phù (tay mở rộng nhiều).
– GV: Bóng nổ.
– HS: Oàng…oàng (mở rộng tay và bỏ xuống).
12. Trò chơi “ Trời nắng – trời mưa”
+ Cách chơi:
GV( hoặc học sinh) hô: Trời nắng, trời nắng.
HS hô: Đội mũ, che ô.
HS đứng dậy đồng thời đưa hai tay lên cao, chụm vào nhau trên đầu như cái nón.
GV hô: Mưa nhỏ- mưa nhỏ.
HS hô: Tí tách-tí tách. Đồng thời HS đưa ngón tay này trỏ vào lòng bàn tay kía và đếm theo câu nói.
GV hô: Mưa rào- mưa rào.
HS hô: Lộp độp- lộp độp. Đồng thời HS đưa hai tay sang trái vỗ vào nhau theo từng tiếng hô.
GV hô: Sấm nổ- sấm nổ.
HS hô thật to: Đoàng. Đồng thời HS đưa hai tay lên cao, mở rộng tay mô phỏng tiếng nổ.
GV hô: Chớp- chớp.
HS hô: Chíu – chíu. Đồng thời HS đưa hai tay lên cao uốn lượn như tia chớp.
GV hô: Tối đến- tối đến
HS hô: Học bài- học bài. Đồng thời HS đưa tay làm động tác viết bài.
GV hô: Đêm đến- đêm đến.
HS hô: Đi ngủ- đi ngủ. Đồng thwoif HS đưa hai tay áp vào má, Mắt nhắm nghiền vờ ngủ, đầu lắc lư như ru ngủ.
GV hô: Sáng dậy- sáng dậy
HS hô: Đánh răng- rửa mặt.
GV hô: Đến trường- đến trường.
HS hô: Ngồi vào bàn ngay ngắn. Đồng thời HS ngồi xuống ghế khoanh tay lại, mắt nhìn lên bảng. Kết thúc trò chơi.
13. Gió thổi (trái, phải, trước, sau)
Cách chơi: Quản trò giao việc: Em/bạn hãy tưởng tượng mình là một cái cây. Tất cả đứng giang tay ra để tạo hàng cây. Gió thổi bên nào các em/bạn nghiêng về bên đó.
Cả lớp đứng rồi dang tay sang hai bên.
Quản trò:(Hô) Gió thổi, gió thổi.
Cả lớp: Về đâu, về đâu?
Quản trò: Bên trái, bên trái.
Cả lớp: Nghiêng người sang bên trái.
Quản trò: Gió thổi, gió thổi.
Cả lớp: Về đâu, về đâu?
Quản trò: Bên phải, bên phải.
Cả lớp: Nghiêng người sang bên phải.
Quản trò hô rồi làm tiếp với các vị trí: trước, sau.
Lưu ý: Quản trò lặp lại các vị trí cần luyện tập nhiều lần và tăng tố độ nói để học sinh luyện phản xạ nhanh
14. “Trời mưa, trời mưa”
Cách chơi:
Quản trò: (hô): Trời mưa, trời mưa
Cả lớp: Che ô, đội mũ (hai tay vòng lên phía trên đầu)
Quản trò: Mưa nhỏ
Cả lớp: Tí tách, tí tách (Vỗ nhẹ hai tay vào nhau)
Quản trò: Trời chuyển mưa rào
Cả lớp: Lộp độp, lộp độp (Vỗ tay to hơn)
Quản trò: Sấm nổ
Cả lớp: Đì đoàng, đì đoàng (nắm bàn tay phải, giờ lên cao hai lần)
Quản trò: Đã 9 giờ tối
Cả lớp: Đi ngủ, đi ngủ (Hai tay úp vào nhau, đưa lên sát má, nghiêng đầu)
Quản trò: Trời đã sáng tỏ
Cả lớp: Gà gáy ò ó o (làm động tác gà gáy)
Quản trò: Rủ nhau tới trường
Cả lớp: Ngồi vào ngay ngắn (Ngồi xuống, vòng tay lên bàn)