Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Nói đến tết là nói đến bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mâm ngũ quả, cây nêu, phong bao lì xì… Và ngoài những thứ rất đỗi quen thuộc đó còn phải kể đến thú chơi hoa ngày tết. Khi nói đến thú chơi hoa ngày tết thì trong tư tưởng người Việt, trên bàn thờ gia tiên chúng ta thường cắm những bông vạn thọ, trường xanh… với sắc hoa vàng rực, nói lên được điều ước mong của mọi người là năm mới khoẻ mạnh và trường thọ. Và ngoài bàn thờ tổ tiên thì phòng khách chính là không gian được chăm chút nhất trong nhà bởi phòng khách được xem như "bộ mặt" của gia chủ, là nơi tiếp khách và thể hiện tính cách cũng như gu thẩm mỹ của chủ nhân.
Trong những ngày giáp tết, việc trang hoàng nhà cửa lại càng được xem trọng. Nếu có có điều kiện sẽ phủ thêm lớp sơn mới trên tường, treo thêm tranh dân gian, tranh phong cảnh khổ lớn và thay rèm cửa, khăn trải bàn, vải bọc ghế... Và không thể không kể đến những chậu hoa tươi được đặt trong phòng khách. Chưng cây hoa đào, hoa mai, với sắc đỏ thắm của đào và những cánh mai vàng rực là những ước mơ hy vọng về sự đổi mới của mọi người, của gia đình, của Tổ quốc – thể hiện phong cách lạc quan, tự tin. Hoa mai, hoa đào là hai loại hoa phổ biến nhất trong này tết bên cạnh những chậu bonsai nhỏ hay những chậu quất trĩu quả hoặc là những cành hoa ly thơm ngát. Đào và mai là những loại hoa tượng trưng cho mỗi vùng miền báo hiệu mùa xuân về nên từ lâu đã trở thành biểu tượng thân quen trong cái tết của người Việt.
Hoa đào, hoa mai đã trở nên thân thuộc với người Việt Nam ta vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Hoa đào trổ bông nhiều ở miền Bắc, còn hoa mai lại rộ vàng ở miền Nam. Sự tích về hai loài hoa biểu tượng của ngày Tết này như thế nào? Các bạn hãy cùng đọc câu truyện “Sự tích hoa đào hoa mai” để cùng tìm hiểu về sự tích này nhé.!