Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm 1720 ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương) là con thứ bảy của ông Lê Hữu Mưu, Tiến sỹ Thị lang bộ công triều Lê Dụ Tông. Ông học binh thư và vào quân đội Chúa Trịnh. Được một thời gian, thấy xã hội rối ren, ông chán nản, viện cớ người anh trai mất, xin về quê mẹ ở xã Tĩnh Diệm, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An
(Nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), học nghề thuốc rồi trở thành danh y nổi tiếng bậc nhất nước ta. Ông soạn sách và mở trường dạy thuốc để truyền bá y học. Sự nghiệp của Hải Thượng được tập hợp trong bộ Y tông tâm lĩnh (những lĩnh hội tâm huyết trong nghề y), gồm 28 tập, 66 quyển, soạn ngót 40 năm, được xem là bộ “ Bách khoa toàn thư” về y học xuất sắc nhất thời trung đại Việt Nam. Ngoài giá trị khoa học Bộ Y tâm tâm lĩnh còn có giá trị văn học rất đáng kể không chỉ ở những phần thơ văn mà cả những phần ghi chép khoa học và đặc biệt là tập bút ký “Thượng kinh ký sự” có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện rõ tư tưởng chối bỏ chế độ phong kiến và tâm lý tiêu biểu của một số trí thức có nhân cách đương thời.
Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Ông mất vào Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), hưởng thọ 71 tuổi. Từ ngày ông mất, nhân dân vô cùng thương tiếc đã đứng ra tổ chức ngày giỗ của ông vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Về sau, ngày Rằm tháng Giêng trở thành một lễ hội của nhân dân trong vùng và được gọi là Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Từ năm 2012 trở lại đây, hàng năm vào mùa lễ hội, nhân dân khắp nơi lại về Hương Sơn, sắm sanh lễ vật, thành kính thắp nén hương thơm bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời tham gia vào các hoạt động văn hóa, cầu sức khỏe, cầu quốc thái dân an.
Nhân dịp “Lễ hội tuyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và Kỷ niệm 225 năm ngày mất của Đại danh y (1791-2016), bà Phan Thư Hiền – Chủ tịch Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh và bà Nguyễn Thị Thúy – Giám đốc Thư viện tỉnh đã phối hợp Biên soạn Tập sách “Trăm năm, ngàn năm … Hải Thượng Lãn Ông” như là một nén tâm nhang dâng lên Đại danh y- người con của quê hương ‘Giang sơn tụ khí” Hà Tĩnh.
Tập sách “Trăm năm, ngàn năm … Hải Thượng Lãn Ông” có độ dày gần 300 trang khổ 14,5cm x 20,5cm, ngoài Lời nói đầu, gồm có các phần chính như sau:
+ Vài nét về vùng đất Hương Sơn Hà Tĩnh, quê mẹ của Đại danh y;
+ Thân thế và sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác;
+ Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
+ Lễ hội Truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác;
+ Những trác tước tiêu biểu của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác;
+ Tác phẩm chọn lọc ca ngợi công lao Đại danh y.
Xin trân trọng giới thiệu Tập sách “Trăm năm, ngàn năm… Hải Thượng Lãn Ông” tới bạn đọc gần xa.