"Ngày xưa bằng tuổi cháu bây giờ tôi còn ở truồng tắm mưa với trẻ con trong làng chứ có biết để ý gì đâu. Con nít bây giờ tò mò quá, mình không biết trả lời cháu thế nào cho phải", chị Trang băn khoăn.
Cha mẹ không nên né tránh những câu hỏi giới tính của trẻ
Còn anh Tuấn (quận 10, Tp.HCM) cho biết, mỗi lần xem truyền hình có cảnh đôi nam nữ hôn nhau, bé Ly lại quay sang hỏi bố mẹ: "Tại sao họ không thơm lên má giống như bố mẹ thơm con. Tại sao họ lại thơm lên môi vậy ạ?". Bố mẹ nhìn nhau đỏ mặt.
"Tôi chỉ biết cười trừ rồi bảo con lần sau thấy cảnh đó thì đừng xem mà phải lấy tay che mắt lại", ông bố trẻ kể.
Các nghiên cứu tâm lý cho rằng, trẻ em từ khi mới sinh cho đến khoảng 3-4 tuổi dường như chưa có ý niệm gì về sự phân biệt trai - gái. Trong quá trình sinh sống và lớn lên, qua quan sát những sự vật, hiện tượng xung quanh, dần dần các em mới hình thành ý thức và tò mò về những vấn đề về giới tính. Trong đó, điều chúng quan tâm đặc biệt là sự khác nhau giữa con trai và con gái, những cử chỉ yêu đương giữa nam và nữ, chuyện vợ chồng, sinh đẻ...
Khi đến tuổi đi học, trẻ bắt đầu quan sát bạn bè đồng trang lứa. Từ đó hình thành trong đầu chúng những thắc mắc đại loại như: "Tại sao con trai đi tiểu đứng còn bạn gái lại đi tiểu ngồi", "Tại sao người ta hôn nhau", "Con sinh ra ở đâu hả mẹ?"...
Đó là những câu hỏi rất đỗi bình thường nhưng đa phần cha mẹ đều thấy "choáng" hoặc sượng sùng khi phải giải thích cho con hiểu. Thậm chí nhiều phụ huynh né tránh vấn đề hoặc chỉ trả lời qua loa theo kiểu "Mẹ đẻ con ở nách", "Xem đến cảnh họ hôn nhau thì con che mắt lại nhé, xấu lắm". Một số phụ huynh nghiêm khắc, sợ khi trả lời trẻ sẽ vẽ đường cho hươu chạy nên răn đe con "Mới nứt mắt đã hỏi bậy bạ", "Lớn lên rồi con sẽ biết"...
Theo chuyên gia tâm lý, những thái độ trên của cha mẹ chỉ khiến trẻ sợ sệt không dám hỏi tiếp, nhưng chúng sẽ quyết tâm tìm hiểu cho bằng được qua bạn bè, sách báo, phim ảnh, Internet. Bởi một đặc điểm tâm lý "cái gì càng cấm càng muốn xem", càng cấm càng kích thích sự tò mò.
Trong một buổi trò chuyện với nhiều phụ huynh về việc giáo dục giới tính cho trẻ, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh khuyên, trước khi sinh con, các cặp vợ chồng nên học lớp làm cha mẹ để biết cách giáo dục con cái như thế nào cho đúng và phù hợp với lứa tuổi.
Riêng về vấn đề giáo dục giới tính, ông Thịnh cho rằng, trước tiên cha mẹ cần phải bàn bạc với nhau để có cách trả lời thống nhất về những vấn đề mà trẻ quan tâm. Tùy vào độ tuổi mà người lớn có cách giải thích phù hợp theo nguyên tắc "tiệm cận", tức là khi con còn nhỏ sẽ giải thích theo hướng hình tượng gợi mở, con lớn hơn sẽ lý giải vấn đề rõ ràng, cụ thể hơn.
Chẳng hạn bé 5 tuổi hỏi về việc hai người hôn nhau trên tivi, cha mẹ có thể trả lời rằng: "Đúng rồi ba mẹ thơm lên má con và con cũng vậy. Chỉ có những người yêu nhau hoặc trở thành vợ chồng mới được thơm lên môi". Còn vấn đề tại sao con trai tiểu đứng còn con gái tiểu ngồi có thể giải thích "Đó là đặc điểm quan trọng để người ta phân biệt được đâu là con con trai, đâu là con gái. Cũng giống như bạn nữ mặc váy còn bạn nam mặc quần, bạn nữ để tóc dài, bạn nam cắt tóc ngắn vậy"...
Cũng theo thạc sĩ Phúc Thịnh, trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, cha mẹ đừng sợ "vẽ đường cho hươu chạy", bởi thà vẽ đường cho chạy đúng còn hơn để nó chạy tán loạn.
Ngay từ khi trẻ lên 4 tuổi, cha mẹ cũng cần chỉ cho bé cách tự vệ sinh cơ quan sinh dục chứ không nên làm thay con hoàn toàn. Để tránh bị lạm dụng tình dục, người lớn cần trang bị cho trẻ ở tuổi này một số vấn đề cần cảnh giác như: ngoài bố mẹ, vú nuôi và cô giáo, con không được để ai đụng vào "chỗ kín" của mình; không nên đi theo người lạ hoặc khi có người đến đón con ở trường hãy nói cô giáo gọi điện về hỏi xem ba mẹ có nhờ người đó đến đón con không...