Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết lây do muỗi vằn đốt hút máu người bệnh truyền sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống trong nhà, đậu vào chỗ tối, góc treo quần áo. Muỗi vằn đốt hút máu vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chập tối. Muỗi vằn thích đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước, các đồ vật có nước đọng trong và xung quanh nhà như bể nước, lọ hoa, chậu cản có nước,…
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Việc sử dụng thuốc người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể không tự ý mua thuốc về uống. Các thuốc hạ sốt như Ibufrophen, Aspirin tuyệt đối không được dùng, vì rất có hại trong bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol đơn chất, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ. Khi sốt, bệnh nhân dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho bệnh nhân dễ thiếu nước thêm, vì vậy người bệnh nên chú ý bổ sung thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500 - 1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi và người lớn khoảng 2.000 - 2.500ml trong ngày. Không nên uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có gas như: nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu vì sẽ khó nhận biết giữa chảy máu ở dạ dày có màu nâu đỏ và nước trái cây khi người bệnh bị có nôn. Bệnh nhân nên ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Bệnh nhân cần tái khám hàng ngày, tuân thủ thực hiện các lời dặn của bác sĩ, không nên tự ý ngừng tái khám, vì có những trường hợp bệnh nhân hết sốt là biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết đang trở nặng. Có 5 dấu hiệu trở nặng cần nhận biết sớm để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay: Lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh.
Thực hiện kế hoạch công tác tháng 9, Ban phụ trách thiếu nhi đã phát động, hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết trong nhà trường. Phối hợp giữa Chi đoàn giáo viên và Đội TNTP HCM tổ chức, duy trì nhóm “Dũng sĩ diệt bọ gậy” để hàng tuần tham gia chiến dịch lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom loại bỏ các vật phế thải có khả năng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước - nơi muỗi đẻ trứng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết., phát động và hướng dẫn ban chỉ huy liên-chi đội về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đại diện ban phụ trách dự sinh hoạt chi đội về triển khai tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trường học, chăm sóc các công trình măng non xanh-sạch-đẹp, kết hợp giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn và giúp học sinh vệ sinh cá nhân sạch sẽ; huy động học sinh, nhà trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại nhà trường, gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế; phối hợp với nhân viên y tế trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, ban phụ trách thiếu nhi cũng phối hợp với ban công nghệ thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Giáo dục học sinh làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng, thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo trên phương tiện thông tin nhà trường về các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, phải đưa học sinh, người thân đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị khi có dấu hiệu trở nặng cần nhận biết sớm để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay: Lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh..
Vì sức khỏe của học sinh, mỗi gia đình và của cả cộng đồng, Trường Tiểu học Khương Mai kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết” và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết.