1. Các em có biết vì sao chúng ta bị nhiễm giun không?
- Nguyên nhân chính là do giun sống trong ruột người, hàng ngày đẻ ra rất nhiều trứng. Trứng theo phân người ra ngoài đất phát triển rồi quay lại nhiễm bệnh cho người khác và cho chính mình.
- Đường lây nhiễm giun đũa, giun tóc chủ yếu là qua đường miệng do chúng ta ăn phải thức ăn bẩn. Khi vào miệng trứng nở thành giun non. Nhờ hút các chất bổ ở ruột người, chúng phát triển thành giun trưởng thành rồi lại đẻ trứng.
- Đường lây nhiễm giun móc chủ yếu qua da do trứng giun khi ra ngoài đất nở thành ấu trùng, ấu trùng này chui qua da khi tiếp xúc trực tiếp với đất ( đi chân đất, tay nghịch đất hoặc ngồi lê la trên đất ). Đôi khi ấu trùng cũng theo rau sống hoặc tay bẩn có dính đất qua miệng vào cơ thể.
2. Tác hại của giun
- Giun sống trong ruột người gây nhiều tác hại, nhất là với cơ thể trẻ em.
- Giun đũa, giun tóc chiếm thức ăn ở ruột làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, gầy yếu, chậm phát triển, kém thông minh . Giun còn tiết ra chất độc làm cho cơ thể bị nhiễm độc, xanh xao, vàng vọt, kém ăn. Đôi khi giun gây đau bụng và các biến chứng nguy hiểm khác như: tắc ruột, lồng ruột do giun, giun chui ống mật, giun chui xuống ruột thừa gây viêm.
- Giun móc bám vào ruột, hút máu làm cơ thể các em bị thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi, chậm phát triển, học kém hay buồn ngủ trong giờ học...
3. Phòng ngừa nhiễm giun em phải làm gì?
1. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi chơi trên đất, sau khi đại tiện.
2. Luôn cắt móng tay sạch sẽ và không mút ngón tay.
3. Luôn đi giầy dép và không ngồi lê trên đất.
4. Không ăn hoa quả chưa rửa sạch.
5. Không ăn thức ăn chưa nấu chín.
6. Không uống nước chưa đun sôi.
7. Không đại tiện ra ngoài hố xí.
8. Vận động cha mẹ xây dựng hố xí hợp vệ sinh và không dùng phân tươi bón ruộng, nuôi cá.
9. Tẩy giun đều đặn 1 năm 2 lần. Vận động mọi người trong nhà cùng tẩy giun.
10. Vệ sinh nhà cửa, trường lớp sạch sẽ./.
11. Hướng dẫn học sinh giữ vệ sinh cá nhân thật tốt bằng cách rửa tay bằng xà phòng.