Tác giả:
Vũ Văn Hùng (Tổng Chủ biên)
Nguyễn Thị Thấn (Chủ biên)
Đào Thị Hồng - Phương Hà Lan
Phạm Việt Quỳnh -Hoàng Quý Tỉnh
SGK Tự nhiên và Xã hội 2 có cấu trúc mỗi bài học được thiết kế thống nhất bao gồm hệ thống các hoạt động học tập được chỉ dẫn bởi các kí hiệu biểu trưng cho các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Hoạt động học tập trong mỗi bài gồm: Hoạt động khởi động, Hoạt động khám phá, Hoạt động thực hành, Hoạt động vận dụng. Cuối mỗi bài học là những kiến thức cốt lõi HS học được và một hình ảnh để định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS. Các bài ôn tập ở cuối mỗi chủ đề giúp HS hệ thống, ôn tập kiến thức sau khi học xong chủ đề. Đặc biệt ở các bài ôn tập đều có nội dung tự đánh giá. Nội dung trong khung là những gợi ý cụ thể cho việc tự đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với định hướng đổi mới đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông mới. GV cũng có thể căn cứ vào đó để đánh giá HS.
Thông qua các hoạt động học tập gắn liền với các vấn đề thực tế xung quanh, phù hợp chương trình môn học, HS được rèn các kĩ năng quan sát, nhận xét, so sánh các sự vật, hiện tượng của môi trường xung quanh. Điều này giúp các em biết áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế ở gia đình, trường, lớp và cộng đồng, biết ứng xử phù hợp trong các tình huống liên quan đến vấn đề an toàn, sức khoẻ của bản thân, người khác và môi trường xung quanh. Qua đó, giúp hình thành và phát triển các năng lực, bồi dưỡng phẩm chất.
GV có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác nhau như: quan sát, thảo luận, hỏi đáp, trò chơi học tập, thực hành, đóng vai... Các hoạt động trong SGK mang tính mở giúp. GV sáng tạo, linh hoạt trong quá trình dạy học sao cho phù hợp với điều kiện của trường lớp, vùng miền…
Sách được trình bày 4 màu, hình ảnh đẹp mắt, sinh động, thiết kế mở, kết hợp hài hoà kênh chữ và kênh hình, đặc biệt ưu tiên kênh hình. Cách trình bày hấp dẫn nhằm kích thích sự ham học, trí tò mò và tư duy sáng tạo của HS. Nhờ đó, việc học sẽ trở thành một hành trình khám phá thú vị.