1. Bồi dưỡng hứng thú học tập:
Hứng thú có vai trò quan trọng trong học tập và làm việc. Không có việc gì người ta không làm được dưới ảnh hưởng của hứng thú. Vì vậy M.goocki có nói: “ Thiên tài nảy nở từ tình yêu đối với công việc”. Vì vậy bồi dưỡng hứng thú học tập rất quan trọng. Không có con đường nào khác là giúp các em thấy được vẻ đẹp và khả năng kì diệu của tiếng Việt – văn học, từng giờ, từng phút trong giờ Tiếng Việt, người giáo viên đều hướng đến hình thành và duy trì hứng thú cho học sinh.
Ví dụ cách giới thiệu bài: Chúng ta đã được học rất nhiều bài về mẹ, “Bao tháng bao năm mẹ bế con trên đôi tay mềm mại ấy” “ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” “ Bình yêu nhất là đôi bàn tay mẹ, những ngón tay gầy gầy xương xương”... Hôm nay, chúng ta lại được học một bài có tựa đề về “ Mẹ” của nhà thơ Bằng Việt, các em hãy cùng cô đọc xem bài “Mẹ” này có gì khác với những bài về mẹ mà các em đã học.
Cả những bài về từ ngữ hay ngữ pháp khô khan cũng đều gây được hứng thú nếu giáo viên nắm được bản chất vấn đề và biết dùng phương pháp nêu vấn đề.
Cho trẻ tiếp xúc trực tiếp càng nhiều càng tốt với những tác phẩm văn chương, những mẫu hình sử dụng ngôn ngữ mẫu mực vì “ không làm thân với văn thơ thì không nghe thấy được tiếng lòng chân thật của nó” ( Lê Trí Viễn)
Hứng thú Tiếng Việt – văn chương còn được tạo ra bằng cách kể cho các em nghe về cuộc đời riêng của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, tổ chức nói chuyện thơ văn, ngoại khóa Tiếng Việt...
2. Bồi dưỡng vốn sống:
Hiện nay, nhiều giáo viên khi dạy làm văn cho học sinh thường thiên về dạy kỉ thuật làm mà ít cung cấp các chất liệu sống – cái tạo nên nội dung bài viết.
Khi một em học sinh ngồi trước một đề văn 15-20 phút vẫn chưa viết được, giáo viên thường cho rằng các em không nắm được lí thuyết thể văn mà không hiểu rằng nguyên nhân đầu tiên làm các em không có hứng thú viết là các em không tạo được một quan hệ thân thiết giữa mình với đề bài - đối tượng kể hoặc tả, nghĩa là các em không có nội dung, không có gì để nói, để viết. Nguyên nhân đó là việc thiếu hụt về vốn sống, vốn cảm xúc của học sinh.
Từ đó, tôi rút ra phương pháp bồi dưỡng vốn sống cho các em trước hết đó là vốn sống trực tiếp: cho các em quan sát, trải nghiệm những gì các em sẽ phải viết.
Ví dụ hướng dẫn các em quan sát con đường trước khi yêu cầu các em tả nó. Tất nhiên giáo viên cần làm cho vốn sống thực này không cản trở trí tưởng tượng của các em. Nhưng trí tưởng tượng dù có bay bổng đến mấy vẫn phải có cơ sở bắt nguồn từ thực tiễn. Người giáo viên đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở, tạo nguồn cảm hứng khơi dậy suy nghĩ trong các em như khi quan sát một con lợn, một cây chuối đang trổ buồng, một đàn kiến tha hạt gạo, một cây bàng đang thay lá...
Giáo viên cần xây dựng cho học sinh hứng thú và thói quen đọc sách . Đọc sách, các em không chỉ được thức tỉnh về nhận thức mà còn rung động tình cảm, nảy nở những ước mơ tốt đẹp khơi dậy năng lực hành động, bồi dưỡng tâm hồn. Người xưa nói: “ trong bụng không có 3 vạn quyển sách, trong mắt chưa có núi sông kì lạ của thiên hạ thì chưa học được văn”.