PGS.TS, NSƯT Vũ Dương Thụy - Viện trưởng Viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ GD cũng khẳng định thêm, chương trình dạy toán PoMath đạt được các yêu cầu và ở các mức độ sau: Phương pháp kiểm tra năng lực chính xác và khoa học; Phương pháp dạy học hướng cá nhân phù hợp với yêu cầu phát triển tâm lí, nhận thức và tư duy của học sinh (HS); Chương trình, nội dung phù hợp với yêu cầu dạy học môn toán cho HS của Bộ GD-ĐT và một số chương trình quốc tế tiên tiến khác.
TS Chu Cẩm Thơ trao đổi thêm với Hội đồng khoa học- Viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ GD về chương trình dạy toán PoMath.
“PoMath” là viết tắt tiếng Anh của “Improving Mathematical thinking with Personal Oriented progmam for children” - “Chương trình phát triển tư duy thông qua dạy học môn Toán theo định hướng cá nhân dành cho trẻ em”. Đó là kết quả nghiên cứu và ấp ủ từ năm 2002 của TS Chu Cẩm Thơ và các cộng sự thuộc khoa Toán tin - Trường ĐHSPHN.
Từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, TS Thơ hiểu rằng trẻ em không hề ghét toán, mà chính cách tiếp cận toán học mà chúng ta đang thực hiện mang đến nỗi sợ hãi lớn hơn về toán cho trẻ. Với khát vọng giúp trẻ thoải mái khi học Toán, biến toán trở thành công cụ hỗ trợ cho sự thành công của các em chứ không phải biến các em thành “nô lệ” toán học, TS Thơ đã dành tâm huyết theo đuổi nghiên cứu. Chương trình đã được đối chiếu và nghiên cứu cẩn thận với các chương trình dạy học tiên tiến của Mỹ, Nhật, Đức, Singapore nhằm đáp ứng đợc yêu cầu về chuẩn quốc gia và quốc tế.
Mục tiêu của PoMath là khắc phục tình trạng học “nhồi nhét”, thiếu sự khoa học và không hiệu quả như hiện nay. Khắc phục hiện tượng học hời hợt, quá dễ dãi, không đáp ứng được yêu cầu học lên bậc cao hơn. Giúp trẻ bồi lấp bồi lấp kiến thức và sự thiếu hụt của một số kĩ năng như: Kỹ năng tính toán nhanh, kỹ năng xử lý tình huống một cách thông minh, khả năng liên tưởng và hình dung về hình học không gian, kỹ năng hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng ước lượng con số và tình huống thực tế, kỹ năng quan sát, so sánh, kỹ năng phân tích, lập luận. Bên cạnh đó, giúp trẻ phát triển đợc một hoặc một số khả năng tư duy như tư duy về số và cấu tạo số, tư duy về cấu trúc, tư duy thuật toán (để nhận thức và giải quyết những vấn đề theo một trình tự), tư duy hàm (về sự tương ứng của các đối tượng trong toán học và cuộc sống), tư duy logic, tư duy sáng tạo.
Hiện tại PoMath đã đợc triển khai dạy thí điểm tại buổi thứ hai ở nhiều trường tiểu học ở Hà Nội cũng như trung tâm. Khóa học chuẩn có thời lượng là 48 giờ (2 buổi/tuần),chia thành 5 cấp độ (từ 0-5).
Được biết, TS Chu Cẩm Thơ sinh năm 1981, tốt nghiệp khoa Toán Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội năm 2003, được giữ lại làm giảng viên từ đó đến nay. Bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ năm 2010; Chủ nhiệm 3 đề tài và công bố 11 bài báo khoa học về các đề tài nghiên cứu các mô hình dạy học tiên tiến, các phương pháp phát triển tư duy người học. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, TS Thơ cũng tham gia và đạt nhiều giải thưởng về công tác xã hội.
Theo dantri.com.vn