1-Mở rộng câu:
Đây là thao tác thêm vào câu những từ ngữ đóng vai trò phụ về cấu tạo ngữ pháp để cấu tạo câu được mở rộng, nội dung câu được cụ thể hóa đáp ứng thông tin thêm chi tiết. Có thể mở rộng bằng các cách sau:
+Thêm các thành phần phụ cho từ (Định ngữ cho danh từ, bổ ngữ cho tính từ, động từ)
VD: “Giá hàng tăng” mở rộng thêm thành” Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng 1,3% trong 7 tháng đầu năm qua”.
+Thêm các thành phần phụ cho câu (Trạng ngữ, đề ngữ) để cụ thể hoá ý nghĩa trong câu.
VD:”Chúng ta nghiên cứu hành vi của từng cá nhân riêng lẻ” có thể mở rộng thành ”Chúng ta nghiên cứu hành vi của từng cá nhân riêng lẻ, để hiểu rõ hoạt động của thị trường”
2-Rút gọn câu:
Lược bớt các thành phần phụ của từ hoặc câu. Sau khi rút gọn câu vẫn đúng về cấu tạo ngữ pháp nhưng nội dung kém cụ thể hơn. Thao tác này thường dụng để tóm lược tài liệu khoa học.
VD: “Khi một ngày mới bắt đầu, trẻ em lại nô nức đến trường” tĩnh lược lại là”trẻ em đến trường”.
3-Thay đổi trật tự và lựa chọn trật tự các từ, các thành phần câu:
Ngôn ngữ có tính hình tuyến: các yếu tố ngôn ngữ lần lượt xuất hiện trong chuỗi lời nói chứ không thể đồng thời thực hiện . Trật tự các từ trong câu trong Tiếng Việt khá chặt chẽ (Phương thức ngữ pháp). Tuy vậy trong điều kiện ngữ cảnh nhất định phục vụ cho mục đích giao tiếp nhất định vẫn có thể thay đổi trật tự từ làm tăng thêm sắc thái biểu cảm, tạo nên sự liên kết với các câu khác trong văn bản.
VD: + Chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em
+ Chúng ta hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất
+ Những gì tốt đẹp nhất, chúng ta hãy dành cho trẻ em
+ Cho trẻ em, chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất.
Khi chọn lựa sắp xếp, thay đổi trật tự từ cần chú ý:
a-Nghĩa biểu hiện sự việc, nội dung thông báo của câu không thay đổi
VD: “Tôi thích đá bóng” khác với ‘Tôi thích bóng đá”
b-Trật tự được thay thể phải phù hợp với mạch ý của cả đoạn văn hay văn bản
c-Có thể dùng thêm hư từ
d-Trật tự được thay thế có tác dụng về liên kết văn bản, sắc thái biểu cảm, tu từ.
4-Chuyển đổi các kiểu câu và cách diễn đạt:
a-Chuyển đổi câu chủ động và câu bị động:
Trong văn bản cần sử dụng thích hợp cả hai kiểu câu chủ động và bị động. Sử dụng kiểu câu nào là do nội dung thông báo, yêu cầu lập luận quy định, yêu cầu liên kết câu.
VD: “Thằng này rất ngạc nhiên (1). Hét ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình như ươn ướt(2). Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho(3). Xưa nay nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì(4)” ( Chí Phèo)
Trong 4 câu trên chỉ có câu thứ 3 trình bày theo kiểu bị động.
b-Chuyển đổi câu khẳng định thành phủ định:
Câu phủ định thường dùng các từ phủ định (không, chẳng, chưa, không phải) hoặc các từ tạo nên khuôn phủ định (có..đâu, nào có đâu, đâu có làm gì).Đáng chú ý là hình thức phủ định của phủ định nhằm khẳng định nhưng mức độ giảm nhẹ hơn
VD: Anh ta không phải là không tốt, nhưng...
c-Chuyển đổi các kiểu câu khác nhau về mục đích giao tiếp:
Dựa trên mục đích giao tiếp, câu phân loại thành 4 kiểu: Câu tường thuật, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán. Song thực tiễn giao tiếp, tạo lập văn bản có thể dùng câu có hình thức của kiểu câu này nhưng mục đichá giao tiếp của kiểu câu khác làm cho khả năng diễn đạt thêm sinh động.
VD:”Giả sử các bậc đó khư khư theo thói nữ nhi thường tình thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được?”. Đây là hình thức câu hỏi nhưng tương đương với câu trần thuật phủ định.
d-Chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp: Lời dẫn trực tiếp là lời trích dẫn nguyên văn từ ngữ hoặc câu văn, đoạn văn không thay đổi thường dùng trong dấu ngoặc kép. Lời dẫn gián tiếp chỉ là dạng thuật lại lời dẫn trực tiếp có thể thay đổi một số từ ngữ.
VD1: Sau nhiều lần tra tấn bằng các thứ thuốc, bác sĩ kết luận:”Tên tù này câm thật”
Có thể chuyển thành:Sau nhiều lần tra tấn bằng các thứ thuốc, bác sĩ kết luận rằng hắn câm thật (gián tiếp)
VD2: Tối hôm qua, anh ấy còn bảo rằng:”Ngày mai tôi sẽ đến kiểm tra” có thể chuyển thành: Tối hôm qua anh ấy còn bảo rằng hôm nay anh ấy đến kiểm tra Nếu chuyển sang lời dẫn gián tiếp cần thực hiện các thao tác sau:
+Bỏ dấu hai chấm, ngoặc kép
+Đổi chủ ngữ ở lời dẫn trực tiếp sang một ngôi thích hợp, thường là đại từ ngôi thứ 3
+Thay đổi các từ định vị thời gian, địa điểm cho thích hợp