1. Nguồn gốc ra đời của ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6
Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.
Ngày Quốc tế trẻ em được xác định từ năm 1949
Hai năm sau, ngày 10/6/1944, bọn phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại, năm 1949 ,Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
2. Ngày Quốc tế thiếu nhi tại Việt Nam
Thực tế, ngày 1/6 phần lớn chỉ được kỷ niệm ở những nước theo chế độ Chủ nghĩa xã hội trước đây. Việt Nam thuộc khối Xã hội chủ nghĩa, đã chọn ngày 1/6 làm ngày Quốc tế thiếu nhi. Trung Quốc và Liên Xô cũ cũng chọn ngày này hàng năm để kỷ niệm cũng như tổ chức các chương trình bảo vệ quyền trẻ em.
Cũng như các nước Xã hội chủ nghĩa, Việt Nam chọn ngày 1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi
Việt Nam là quốc thứ 2 hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ 15/5 đến 30/6 được coi là tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam.
Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước.
Vào ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước, Bác gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên được tổ chức vào năm 1950
Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.
Từ đó về sau, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác Hồ luôn hết sức quan tâm, dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
3. Ý nghĩa ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6
Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6 là ngày hội dành cho mọi trẻ em, là ngày các em xứng đáng nhận được nhiều tình yêu thương, quan tâm từ gia đình mình.
Đây cũng là ngày nhắc nhở mỗi chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ trẻ em trước tất cả những sự xâm hại không đáng có. Những vấn đề như bạo hành trẻ em, ấu dâm cần được lên án mạnh mẽ và những kẻ đã gây ra sự tổn thương cho các em nhỏ cần được trừng phạt nghiêm khắc. Với tâm hồn non nớt, trong sáng, các em nhỏ cần được bảo vệ và dạy dỗ một cách hợp lý, khoa học để có sự phát triển toàn diện.
Ngày 1/6 là ngày dành riêng cho trẻ em, ngày các em được yêu thương, quan tâm theo cách đặc biệt nhất
Hưởng ứng này Quốc tế thiếu nhi, rất nhiều các cấp công đoàn trong tỉnh, thị xã và địa phương đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn, các ban, ngành liên quan để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: thi biểu diễn văn nghệ, tham gia các trò chơi vận động, các trò chơi dân gian, tổ chức giao lưu, gặp gỡ tặng quà cho các em đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện; học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập…
Với những chia sẻ trên, bài viết hi vọng đã đem đến thông tin hữu ích, giúp bạn tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế thiếu nhi đầy đủ và chi tiết nhất.