III. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1975-2014)
1. Khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên trong giai đoạn mới
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn cả nước cùng thực hiện một chiến lược chung: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau 30 năm chiến tranh, đất nước ta bị tàn phá nặng nề. Khi cả nước thống nhất, các lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng chuyển từ nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu trong thời chiến sang thực hiện nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tham gia xây dựng phát triển kinh tế đất nước trong thời bình. Những năm 1975-1977, Quân đội ta thực hiện điều chỉnh một bước về quân số, tổ chức biên chế; vừa đẩy mạnh huấn luyện, xây dựng chính quy phù hợp với tình hình mới, vừa tham gia xây dựng đất nước. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho quân và dân ta lúc này là phải nhanh chóng củng cố các vùng mới giải phóng, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên trong giai đoạn mới.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, các đơn vị quân đội đứng chân trên các vùng mới được giải phóng đã phối hợp với Ủy ban quân quản các cấp, khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức cải tạo binh lính cảnh sát của bộ máy chính quyền cũ, trấn áp các phần tử và tổ chức phản động; truy quét tàn quân địch và FULRO; tích cực tham gia cải tạo tư sản công thương nghiệp, địa chủ, bài trừ các tệ nạn xã hội; thu hồi quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật quân sự của địch, xử lý chất độc hóa học, rà phá bom mìn… Các đơn vị quân đội đã tháo gỡ 2.447.985 quả mìn, đạn pháo, bom bi; thu nhặt tiêu hủy 7.447.987 vật liệu nổ vương vãi; thu hồi 5.329 tấn bom; giải phóng 97.585 ha đất phục hồi sản xuất, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (12-1976), Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong 5 năm tới là: Bước đầu giữ quân số thích hợp, thi hành Luật nghĩa vụ quân sự kết hợp với nghĩa vụ lao động, triển khai quân đội làm hai nhiệm vụ chiến lược sẵn sàng chiến đấu và xây dựng kinh tế; tăng cường bố trí phòng thủ, nâng cao chất lượng cán bộ, bộ đội, xây dựng nền nếp chỉ huy chặt chẽ để nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu; chấn chỉnh sắp xếp lực lượng thường trực phù hợp với thời bình, tăng cường dân quân tự vệ và lực lượng hậu bị, chuyển một phần lớn quân số sang chuyên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của quân đội gắn với nền kinh tế quốc dân để từng bước tiến lên tự lực sản xuất được một số loại vũ khí cần thiết; nâng cao một bước đời sống vật chất tinh thần, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho bộ đội. Tiếp tục chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế quân đội phù hợp với việc xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại trong tình hình mới.
Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, toàn quân đã bố trí 256.000 cán bộ, chiến sĩ chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế lâu dài. Với lực lượng đó, Quân đội ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động, khắc phục khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Các đơn vị quân đội đã tham gia xây dựng tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam; khai hoang xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển các nông trường, lâm trường quốc doanh trên các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ…; xây dựng các công trình thủy lợi; khai thác và chế biến hải sản, xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng và các mặt hàng dân dụng. Các đơn vị sẵn sàng chiến đấu cũng hăng hái lao động sản xuất, góp phần vào xây dựng kinh tế, tăng thêm của cải cho xã hội. Những thành tựu của quân và dân ta đạt được trong những năm đầu đất nước thống nhất đã tạo cơ sở quan trọng khắc phục một bước về hậu quả chiến tranh, góp phần ổn định đời sống nhân dân, tăng thêm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
2. Cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia
Sau 30 năm đoàn kết chiến đấu, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã cùng nhau chống kẻ thù chung và giành được thắng lợi hoàn toàn, tình đoàn kết không ngừng được củng cố. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế đã âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng của ba nước, trọng điểm là Việt Nam bằng những thủ đoạn mới.
Trên đất nước Campuchia, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Campuchia giành thắng lợi, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đã dựng lên một chế độ độc tài vô cùng tàn bạo nhằm thực hiện mưu đồ ngông cuồng của chúng. Với tham vọng mở rộng đất đai và mưu đồ làm cho Việt Nam mất ổn định, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, xuyên tạc quan hệ đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương, vu khống Việt Nam, kích động sự hận thù giữa hai dân tộc; đồng thời, thanh trừng nội bộ và thực hiện chính sách phản động làm cho nhân dân Campuchia phải chịu những tai họa khủng khiếp của nạn diệt chủng, thành quả cách mạng của nhân dân bị thủ tiêu.
Ngày 3 tháng 5 năm 1975, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari cho quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc; ngày 8 tháng 5, chúng xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở nhiều nơi từ Hà Tiên đến Tây Ninh và ngày 10 tháng 5 năm 1975, chúng tiến công đánh chiếm đảo Thổ Chu. Tiếp đó, chúng nhiều lần xua quân đi lấn chiếm lãnh thổ của nước ta ở Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc. Từ tháng 4 năm 1977, chúng phát động cuộc chiến tranh xâm lược vùng biên giới Tây Nam và đến mùa khô năm 1978, chúng đã huy động 19 trong tổng số 20 sư đoàn bộ binh mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới, gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ đối với nhân dân Việt Nam sống dọc biên giới.
Đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta chủ trương: Tập trung lực lượng giành thắng lợi lớn ở biên giới Tây Nam, sẵn sàng đối phó với các tình huống, kiên quyết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân ta. Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang ở phía Nam: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta, đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia. Tuyên truyền vận động nhân dân bạn và tranh thủ sự đồng tình của dư luận, tạo điều kiện ổn định một bước biên giới với Campuchia. Đập tan âm mưu chia rẽ các nước anh em trên bán đảo Đông Dương”.
Mặc dù hết sức kiềm chế, nhưng sau nhiều cố gắng ngoại giao không đạt kết quả, chúng ta buộc phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng và đã kiên quyết đánh trả. Ngày 23 tháng 12 năm 1978, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam đã tiến hành mở cuộc phản công chiến lược và đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, đuổi chúng về bên kia biên giới. Thắng lợi của quân và dân ta ở biên giới Tây Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Campuchia vùng dậy làm lại cách mạng. Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, ngày 7 tháng 1 năm 1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh và phần lớn đất nước, mở đường cho nhân dân Campuchia hồi sinh, giúp bạn xây dựng lại đất nước. Trong 10 năm (1979-1989) giúp cách mạng Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phát huy tinh thần quốc tế trong sáng, giúp bạn truy quét bọn tàn quân Pôn Pốt - Iêng Xari, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Trong thời gian Quân tình nguyện Việt Nam cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đang truy quét tàn quân Khơme Đỏ, ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân tiến công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu. Theo kế hoạch, trong vòng 4 đến 7 ngày, quân Trung Quốc dự định sẽ chiếm xong Lạng Sơn, Cao Bằng và Cam Đường (Lào Cai), nhưng bị các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam kiên quyết đánh trả, đến ngày 5 tháng 3 năm 1979 mới tiến được tới Cam Đường, thị xã Lạng Sơn… Trên các hướng, dựa vào thế trận đã chuẩn bị sẵn, các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ đã phối hợp với một bộ phận bộ đội chủ lực cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trước sức chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận quốc tế kịch liệt phản đối, từ ngày 6 tháng 3 năm 1979, quân Trung Quốc vừa đánh vừa rút, đến ngày 16 tháng 3 kết thúc việc rút quân. Tuy vậy, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta còn tiếp diễn và tình hình biên giới phía Bắc vẫn căng thẳng kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trong cuộc chiến tranh này, nhân dân Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất về sinh mạng, tài sản và tình hữu nghị Việt - Trung bị tổn thương nghiêm trọng .
Tiếp theo chiến công vĩ đại trong cuộc chiến tranh giải phóng 30 năm (1945-1975), thắng lợi của quân và dân ta trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, bảo vệ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tạo môi trường chính trị ổn định để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào công cuộc lao động hòa bình. Một lần nữa bản chất cách mạng của “Bộ đội Cụ Hồ” được khẳng định dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào khi được Đảng, nhân dân giao nhiệm vụ cũng quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc.
3. Quân đội ta đẩy mạnh huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, tham gia phát triển kinh tế - xã hội
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V (3/1982), toàn quân và dân ta đã giành được những thành tựu quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và làm nhiệm vụ quốc tế, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, tăng cường thế trận phòng thủ trên vùng biên giới phía Bắc, đập tan âm mưu lấn chiếm biên giới và làm thất bại một bước chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế, củng cố liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, tăng cường đoàn kết hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm 1980-1986, Quân đội ta đã đẩy mạnh công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy. Công tác huấn luyện được tiến hành cơ bản, toàn diện. Toàn quân đã tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn với nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại trên các địa bàn chiến lược, góp phần rèn luyện, nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy của cán bộ và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Hệ thống nhà trường quân đội được củng cố, phát triển đồng bộ và thực hiện các bậc học vấn theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, góp phần đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Đảng trong quân đội theo kịp những yêu cầu phát triển mới của đất nước. Công tác nghiên cứu khoa học quân sự, tổng kết chiến tranh được triển khai tích cực.
Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị từng bước được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành. Chúng ta đã tập trung xây dựng tổ chức đảng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với làm tốt công tác chính sách; bản lĩnh chính trị, tư tưởng của bộ đội được thường xuyên củng cố và tăng cường, làm cơ sở tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội.
Theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1979 Quân đội ta đã triển khai thực hiện cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu”, nhằm ba nội dung lớn: Rèn luyện, xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; lao động, sản xuất, công tác đạt năng xuất cao và có hiệu quả kinh tế tốt. Phát huy truyền thống quân với dân một ý chí, nêu gương tốt của người quân nhân cách mạng trên mọi lĩnh vực. Nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, làm tốt nghĩa vụ quốc tế được giao. Cuộc vận động đã góp phần tạo nên chất lượng mới, sức chiến đấu mới của các lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đợt tổng kết hai năm thực hiện Cuộc vận động (1979-1980), 71 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công, 49 đơn vị được nhận cờ thưởng. Trong các đợt tổng kết Cuộc vận động tiếp theo (3/1983 và 1/1986), có 32 đơn vị được nhận cờ thưởng của Hội đồng Bộ trưởng.
Trên mặt trận kinh tế, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng về việc “tổ chức cho các đơn vị bộ đội có điều kiện tiến hành sản xuất để tự cung ứng một phần nhu cầu, huy động năng lực các xí nghiệp quốc phòng và sử dụng hợp lý lực lượng quân đội vào những hoạt động kinh tế thích hợp”, cùng với toàn dân, các đơn vị quân đội đã tích cực tham gia xây dựng kinh tế góp phần quan trọng hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như: Xây dựng các khu chuyên canh ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, xây dựng các đường giao thông chiến lược, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của đất nước sau chiến tranh. Nhiều đơn vị quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Quân công và Chiến công các loại.
4. Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đến nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nắm vững thời cơ, vượt mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào vì đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước trong gần 30 năm đổi mới, nhất là từ năm 2005 đến nay. Đó là, Quân đội đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; ra Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đã tham mưu với Đảng và Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Quân đội đã thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, duy trì và thực hiện tốt công tác sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp, bảo vệ và quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, các địa bàn trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) và các thành phố lớn. Luôn luôn tỉnh táo, chủ động và kiên quyết thực hiện tốt nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tăng cường công tác quản lý biên giới, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với mọi hoạt động vượt biên, xâm nhập phá hoại của lực lượng phản động và các loại tội phạm. Đặc biệt, Quân đội đã chủ động tham gia và góp phần bảo đảm an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước và các diễn đàn, hội nghị quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội đã tiến hành điều chỉnh bố trí lực lượng, thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống quyết tâm, phương án, kế hoạch tác chiến cho phù hợp với sự phát triển của tình hình và tích cực tổ chức luyện tập, diễn tập theo phương án đã xây dựng, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, đối phó thắng lợi với mọi tình huống, nhất là các khu vực còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Quân đội đã đạt được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng, tham gia vào phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các ngành công nghiệp, hậu cần, kỹ thuật, dịch vụ... của Quân đội cũng từng bước được đổi mới, phát triển. Quân đội đã sản xuất được nhiều loại trang bị, vũ khí kỹ thuật, đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội; sản xuất nhiều mặt hàng dân dụng phục vụ đời sống xã hội. Những hoạt động xây dựng kinh tế của Quân đội đã đáp ứng tốt sự nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, từng bước bố trí lực lượng và tạo thế chủ động trên các địa bàn chiến lược, giải quyết việc làm và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đồng thời, góp phần vào sự tăng trưởng, tăng thêm năng lực cho nền kinh tế quốc dân, sản xuất thêm nhiều hàng hóa cho xã hội.
Các đơn vị bộ đội thường trực tận dụng đất đai, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tập trung, góp phần cải thiện đời sống bộ đội, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thao trường với trồng rừng và bảo vệ rừng… Đến nay, kết quả tăng gia sản xuất đã tự túc được 93% định lượng rau, củ, quả; 54% thịt và 29% cá; giá trị tăng gia sản xuất đã trừ chi phí tăng từ 444.000 đồng/người (năm 2005) lên 1.300.000 đồng/người (năm 2013). Các đơn vị sự nghiệp công lập (cơ sở nghiên cứu khoa học, bệnh viện, nhà trường, đoàn nghệ thuật, cơ sở dạy nghề…) tổ chức tốt hoạt động dịch vụ gắn với kỹ thuật, chuyên môn, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo nguồn thu góp phần tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ; hỗ trợ cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của đơn vị; đóng góp một phần ngân sách cho quốc phòng.
Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các Khu kinh tế - quốc phòng ở những vị trí chiến lược dọc tuyến biên giới, đất liền, ven biển. Đến nay, quân đội đang triển khai 23 Khu kinh tế - quốc phòng, 3 dự án lấn biển và 2 điểm dân cư mới đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Các Khu kinh tế - quốc phòng từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc, đồng thời đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Quân đội cũng đã tích cực tham gia phát triển một số loại hình kinh tế biển, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trên biển, đảo, như: Khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, hải sản, đầu tư xây dựng các đội tàu công ích làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân; tham gia xây dựng và phát triển ngành đóng tàu biển, dịch vụ biển, dịch vụ cảng biển, trồng rừng trên đảo... Các đội tàu đánh bắt xa bờ của quân đội đã kết hợp tốt giữa sản xuất kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, làm chỗ dựa tin cậy cho các ngư dân và các lực lượng khác của ta phát triển kinh tế biển, đặc biệt là ở các vùng biển, đảo xa bờ.
Những năm qua, Quân đội đã kịp thời sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, góp phần điều chỉnh cơ cấu, loại hình và quy mô doanh nghiệp, khắc phục một bước cơ bản tình trạng sản xuất kinh doanh manh mún để tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Do vậy, số lượng doanh nghiệp Quân đội đã giảm từ 170 đầu mối năm 2002 xuống còn 93 đầu mối năm 2011, nhưng doanh thu và lợi nhuận thực hiện thì không ngừng tăng lên. Chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2013, giá trị doanh thu tăng từ 26.895 tỷ đồng lên 247.413 tỷ đồng; lợi nhuận tăng từ 1.378 tỷ đồng lên 39.776 tỷ đồng; vốn Nhà nước từ 10.057 tỷ đồng lên 113.260 tỷ đồng; đảm bảo việc làm cho gần 200.000 người lao động. Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đã hình thành, phát triển, hoạt động đạt hiệu quả cao, trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và ngoài nước và là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Tiêu biểu như: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 319, Tổng công ty 15…
Quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện công tác dân vận, góp phần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động cách mạng, các phong trào và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, đã chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, tình đoàn kết các dân tộc, tình hữu nghị với các nước. Mặt khác, đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn và chính sách dân tộc, tôn giáo trong Quân đội. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, hậu phương chiến lược vững chắc trong thế trận phòng thủ chung của cả nước. Thông qua thực tiễn hoạt động, công tác dân vận đã trở thành một trong những phương thức chủ yếu để tăng cường mối quan hệ gắn kết chiến lược giữa Đảng, nhân dân và Quân đội; là điều kiện để giáo dục, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện công tác dân vận, các đơn vị quân đội luôn chú trọng đổi mới, điều chỉnh, bổ sung nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ. Những năm gần đây, việc “xã hội hóa” được vận dụng khá thành công trong công tác dân vận ở nhiều đơn vị. Một số mô hình đã tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi, huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội, như: “Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, biển, đảo”, “Ngân hàng Bò” của Bộ đội Biên phòng; “1.000 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vùng căn cứ kháng chiến” của Quân khu 9; “Ngôi nhà 100 đồng” của thanh niên Quân đội; “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo tình thương” của Quân khu 5... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà đại đoàn kết”, hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, kết hợp thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội, tạo sức lan tỏa, mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc.
Nội dung công tác dân vận cũng có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, nhất là trong nhiệm vụ tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh trên các địa bàn trọng điểm. Thông qua hoạt động của các tổ, đội công tác, cơ quan quân sự các địa phương, cán bộ tăng cường cơ sở của Bộ đội Biên phòng, đội sản xuất của các Đoàn kinh tế - quốc phòng, nhiều cấp ủy, chi bộ cơ sở vùng sâu, vùng xa được củng cố, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, không còn tình trạng “trắng đảng viên” “trắng chi bộ”, bộ máy chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có nền nếp, phát huy được chức năng, nhiệm vụ. Từ năm 2005 đến nay, quân đội đã có 23.288 số lượt đơn vị làm công tác dân vận; 7.695 tổ, đội công tác, cán bộ tăng cường cơ sở; tham gia xây dựng 45.011 xã, phường; củng cố 168.075 tổ chức chính trị - xã hội; ký kết chương trình phối hợp với 19 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố; 10.570 đầu mối đơn vị kết nghĩa.
Các cơ quan, đơn vị đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp, các điểm nóng, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động nhân dân biểu tình, gây rối… Điển hình là vụ gây rối, bạo loạn ở Tây Nguyên (tháng 4/2004, 4/2008), Sóc Trăng (2/2009), Mường Nhé (5/2011), vụ biểu tình phản đối Trung Quốc ở các tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh (5/2014), góp phần củng cố xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc trên địa bàn cả nước. Phối hợp phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nguồn cán bộ cơ sở; phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên mới; phối hợp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Thông qua công tác tuyển quân, cử tuyển đã đào tạo bồi dưỡng hàng ngàn con em đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trở thành sĩ quan, nguồn cán bộ cho địa phương cơ sở.
Trong tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, công tác dân vận của các đơn vị quân đội đã giúp dân xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều hình thức, như: Hỗ trợ công sức, tiền của, tặng nhà và đồ dùng thiết yếu; tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo có tính bền vững, lâu dài. Trước khi có Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 và Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, nhiều đơn vị, nhất là các đơn vị kinh tế - quốc phòng đã chú trọng giúp đỡ người nghèo các địa phương về giống, vốn, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, ngành nghề, chuyển sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa; gắn phát triển cơ sở hạ tầng với nâng cao đời sống của người dân. Từ năm 2005 đến nay, các lực lượng quân đội đã giúp đỡ nhân dân 9.208.884 ngày công lao động; làm 26.476 km đường giao thông, 13.528 km kênh mương thủy lợi; trồng rừng, khai hoang, phục hóa 25.462 héc ta; thu hoạch và chăm sóc hoa màu 20.264 héc ta; tham gia chống cháy rừng 11.576 héc ta; sửa chữa, làm mới 97.861 nhà; làm cầu gỗ, bê tông 3.172 cái; giúp dân xóa đói, giảm nghèo 147.903 hộ… Riêng Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai Chương trình phủ sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa. Về văn hóa - xã hội, thông qua hoạt động tham mưu, phối hợp với địa phương, các đơn vị quân đội đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sửa chữa, xây dựng trường học, mở lớp xóa mù chữ, đưa học sinh bỏ học trở lại trường; thực hiện Chương trình quân - dân y kết hợp, tư vấn, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng hương ước, bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội trong sạch, lành mạnh, góp phần nâng cao dân trí, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Quân đội đã có những đóng góp to lớn trong thực hiện công tác chính sách, nỗ lực phấn đấu làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; luôn là lực lượng đi đầu, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2005 đến nay, các lực lượng Quân đội đã quy tập được 21.261 hài cốt liệt sĩ; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 1056 trường hợp; quyết định cấp giấy Chứng nhận bệnh binh cho 6.199 trường hợp; thẩm định hồ sơ giới thiệu đi giám định cho 845 thương binh tại ngũ; tổ chức giám định thương tật cho trên 6.400 trường hợp; thực hiện chính sách ưu đãi với trên 13.000 người có công và thân nhân liệt sĩ. Gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 500 tỷ đồng; xây dựng được 9.184 nhà tình nghĩa với số tiền trên 550 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp 17.200 căn nhà cho các đối tượng chính sách với số tiền trên 680 tỷ đồng. Tham gia tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ, đóng góp hơn 300.000 ngày công với số tiền trên 260 tỷ đồng; đang phụng dưỡng 387/1400 Mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu hơn 1.000 con liệt sĩ, con thương binh nặng; trao tặng 11.400 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; khám chữa bệnh cho hơn 700.000 lượt người.
Bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, Quân đội đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Trong những năm gần đây, Quân đội đã đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công; ban hành các văn bản giải quyết chính sách cho các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia; chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; chế độ chính sách đối với quân nhân thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng; các chế độ, chính sách đặc thù quân sự, chính sách động viên, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo; phối hợp đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; giải quyết việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng … góp phần thiết thực bảo đảm an ninh xã hội, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những kết quả đó còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Quân đội đã có những đóng góp xứng đáng trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Với tinh thần cứu dân là nhiệm vụ số một, “tính mạng, tài sản của nhân dân là quý báu nhất”, “chống lũ như chống giặc”; với trách nhiệm vinh dự của người chiến sĩ Quân đội nhân dân, bằng tất cả sức mạnh và các phương tiện của mình, hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, kịp thời có mặt ở những nơi, những vùng khó khăn, nguy hiểm nhất sát cánh cùng nhân dân chống chọi với thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn như bão lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cháy nổ, cháy rừng... Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, các lực lượng Quân đội đã trực tiếp tham gia ứng cứu 33.025 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn; huy động 722.608 lượt bộ đội, 1.116.871 lượt Dân quân tự vệ và 76.845 lượt phương tiện các loại; kêu gọi, hướng dẫn 3.207.020.000 lượt tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển, trú tránh bão; sơ tán, di dời 16.576.612 lượt người từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cứu được 30.257 người, 3.861 phương tiện…
Trong phòng chống thiên tai, thảm họa có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội đã anh dũng hy sinh thân mình để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân (từ năm 2007 đến năm 2013 đã có 22 cán bộ, chiến sĩ và dân quân hy sinh). Tiêu biểu như: Anh hùng liệt sĩ Phạm Hữu Huyên (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình), liệt sĩ Rơ Chăm Thuyên (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai), liệt sĩ Lê Văn Phượng (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị), liệt sĩ Lê Anh Tuấn (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh), liệt sĩ Đinh Văn Nam (Quân chủng Hải quân)… Những việc làm đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, với bản lĩnh kiên cường, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Hình ảnh “vì nhân dân quên mình” của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, gắn bó thêm tình nghĩa máu thịt quân - dân, đồng thời tô thắm thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Một lần nữa, hình ảnh và phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” thời bình càng tỏa sáng, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, chính quyền và nhân dân cả nước yêu thương, tin tưởng.
Quán triệt sâu sắc đường lối, nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo, chính sách đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân đội đã tiếp tục triển khai đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công tác đối ngoại quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng, qua đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là, thông qua đối ngoại quốc phòng, Quân đội đã chủ động thúc đẩy quan hệ, hợp tác với các quốc gia láng giềng có biên giới liền kề, với sự tham gia của nhiều thành phần, lực lượng, từ cấp Bộ Quốc phòng đến các quân khu và các quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng trên các khu vực biên giới… tạo ra vành đai an ninh trên các tuyến biên giới đất liền của Tổ quốc, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Thông qua đối ngoại quốc phòng, Quân đội đã chủ động mở rộng quan hệ quốc phòng với 80 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và tất cả các cường quốc; lập cơ quan tùy viên quốc phòng tại 29 nước, kiêm nhiệm tại 7 nước và đã có 45 nước lập cơ quan tùy viên quốc phòng tại Việt Nam. Từ năm 2006, Quân đội đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm cao, góp phần củng cố vững chắc vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Năm 2010, Quân đội có đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần đầu tiên, mở ra cơ chế hợp tác mới về quốc phòng giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại. Tại các diễn đàn khu vực, Quân đội đã chủ động, tích cực vận động, thuyết phục, đồng thời tăng cường trao đổi và bày tỏ quan điểm, lập trường để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của quân đội các nước đối với vấn đề chủ quyền và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân tộc ta; trong đó, có vấn đề biển Đông, thúc đẩy giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về luật biển và Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông. Nhờ đó, đã từng bước củng cố lòng tin với các nước, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của nước ta và Quân đội trên trường quốc tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần vào việc giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Thông qua đối ngoại quốc phòng đã tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, tiếp thu các tri thức quân sự hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến… để không ngừng tăng cường thực lực của nền quốc phòng toàn dân, nâng cao sức mạnh phòng thủ và tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại và từng bước tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, bảo đảm các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
5. Truyền thống chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự nuôi dưỡng và đùm bọc của nhân dân, Quân đội ta đã không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp, vừa xây dựng, vừa chiến đấu và trưởng thành, xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, Quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là:
Một là, trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân
Là lực lượng chính trị, đội quân vũ trang cách mạng tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, Quân đội ta luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, của giai cấp, của dân tộc, là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đó là mục tiêu phấn đấu của cả dân tộc, là nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân Việt Nam và của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Vì vậy, kiên định mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; gắn bó mật thiết với nhân dân, cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Hai là, quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng
Truyền thống trên được bắt nguồn từ lòng tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu lý tưởng cách mạng, đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; từ lòng yêu nước, thương dân, yêu chủ nghĩa xã hội; từ ý thức cảnh giác cách mạng và tinh thần cách mạng tiến công kết hợp với truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất của dân tộc. Với quyết tâm đánh thắng địch, Quân đội ta đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, mưu trí, sáng tạo, nghĩ ra nhiều cách đánh thông minh, độc đáo của chiến tranh nhân dân để tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, vô hiệu hóa các vũ khí hiện đại của địch, đánh bại từng thủ đoạn tác chiến, chiến dịch, tiến tới đánh bại từng chủ trương chiến lược của chúng, cùng nhân cả nước giành thắng lợi hoàn toàn. Trong xây dựng, lao động sản xuất và công tác, tinh thần quyết chiến, quyết thắng biểu hiện rõ nét trong hành động sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng cơ động chống thiên tai, địch họa, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; luôn luôn vươn lên làm chủ vũ khí trang bị, khoa học - công nghệ hiện đại.
Ba là, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí
Quân đội ta là đội quân cách mạng của giai cấp vô sản, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục quân đội phải gắn bó chặt chẽ với nhân dân như máu thịt và luôn luôn xây dựng, giữ vững quan điểm quân với dân một ý chí. Đây là mối quan hệ bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa quân và dân. Nhân dân luôn là nguồn sức mạnh to lớn của quân đội, giúp cho quân đội chiến thắng mọi kẻ thù. Trong chiến đấu, công tác và học tập, Quân đội ta luôn xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, tôn trọng, giúp đỡ, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; một lòng, một dạ chiến đấu bảo vệ nhân dân, luôn luôn giữ nghiêm kỷ luật quan hệ quân - dân, không phụ lòng tin yêu của nhân dân. Bản thân cán bộ, chiến sĩ luôn luôn gương mẫu và vận động gia đình chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, đoàn kết nội bộ, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng thống nhất ý chí và hành động
Đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng và dân tộc ta, một yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội ta. Đoàn kết nội bộ quân đội dựa trên cơ sở sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, đường lối, nguyên tắc, nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Mọi quân nhân đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lúc thường cũng như khi ra trận, cán bộ và chiến sĩ luôn nêu cao tình thương yêu đồng chí, đồng đội, giúp đỡ nhau như ruột thịt. Đoàn kết trong quân đội được thể hiện ở tinh thần phát huy dân chủ, đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị. Cán bộ chăm lo mọi mặt cho chiến sĩ; cấp dưới tôn trọng, phục tùng mệnh lệnh cấp trên; chiến sĩ tin cậy, bảo vệ cán bộ. Trên dưới đồng lòng, toàn quân thành một khối vững chắc thống nhất ý chí và hành động, vì mục đích chung của cách mạng, của quân đội, của đơn vị và sự tiến bộ của mỗi người.
Năm là, kỷ luật tự giác, nghiêm minh
Kỷ luật tự giác nghiêm minh là truyền thống tốt đẹp, một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Nó được bắt nguồn từ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, từ sự nhất trí về đường lối, nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ và yêu cầu xây dựng, phấn đấu của quân đội. Truyền thống đó được thể hiện ở tính tự giác cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mỗi quân nhân; trong chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trong chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Quân đội ta đã rèn luyện, xây dựng được nếp sống có kỷ luật, trở thành thói quen khi thực hiện nhiệm vụ và ý thức đấu tranh kiên quyết để chống mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật. Điều đó đã trở thành lối sống cao đẹp của Quân đội ta.
Sáu là, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công
Từ khi ra đời, với “gậy tầm vông, súng kíp”, Quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Đó là tinh thần chắt chiu, cần kiệm, thực hiện “mỗi viên đạn một quân thù”, “cướp súng giặc, giết giặc”, coi vũ khí trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật là tài sản của Nhà nước, là mồ hôi, xương máu của nhân dân giao cho quân đội quản lý, sử dụng để đề cao trách nhiệm, giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; tích cực lao động, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế nâng cao đời sống; lao động sáng tạo, có kỹ thuật, có kỷ luật, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Ngày nay, truyền thống đó càng được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bảy là, lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan
Lối sống trong sạch, lành mạnh có văn hóa của Quân đội ta là sự kế thừa những đức tính cao đẹp của dân tộc; xuất phát từ bản chất, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, sự phấn đấu rèn luyện gian khổ của Quân đội ta. Lối sống đó được thể hiện trong sinh hoạt, học tập, lao động và chiến đấu. Một nếp sống với tinh thần tự giác cao, khẩn trương, chính xác, linh hoạt, có kỷ luật, có tổ chức, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kỷ luật của quân đội và pháp luật của Nhà nước; luôn sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, biết quý trọng đồng tiền, công sức lao động và biết thương yêu người nghèo khổ; sống có văn hóa, biết tự trọng, phân biệt rõ đúng sai, tôn trọng bảo vệ lẽ phải, dũng cảm đấu tranh với những thói hư tật xấu; lạc quan, tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu chiến đấu và thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Tám là, luôn luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ, nhạy cảm, tinh tế trong cuộc sống
Học tập, rèn luyện vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm được hình thành và phát triển trên tinh thần ham học, cầu tiến bộ - một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, trở thành truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta; nó thấm sâu vào mỗi quân nhân, trở thành cách nghĩ và hành động trong cuộc sống của mỗi người. Trong thời chiến cũng như thời bình, lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn, Quân đội ta luôn chủ động khắc phục mọi thiếu thốn, sử dụng mọi thời gian, tranh thủ mọi điều kiện để học tập, rèn luyện với tinh thần bền bỉ, kiên trì, cầu tiến bộ; nhạy cảm về chính trị, tinh tế tiếp thu cái mới và cái tiến bộ, bài trừ và phê phán cái lạc hậu, cái xấu để không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh chiến đấu, năng lực công tác, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” thì tinh thần ham học, cầu tiến bộ, nhạy cảm, tinh tế trong cuộc sống càng phải được phát huy hơn nữa.
Chín là, đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình
Đoàn kết thủy chung son sắt, chí nghĩa, chí tình với bầu bạn quốc tế đã trở thành truyền thống quý báu của Đảng, của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là truyền thống rất vẻ vang của Quân đội ta. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn tăng cường củng cố tình đoàn kết với các nước láng giềng, khu vực và nhiều nước trên thế giới, góp phần xứng đáng xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc, chống áp bức, bóc lột, cường quyền vì mục tiêu hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, Quân đội ta hơn lúc nào hết cần phải phát huy bản chất cách mạng, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên trì xây dựng, phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với quân đội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên thế giới.
Phần thứ hai
25 NĂM THỰC HIỆN NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN
(22/12/1989-22/12/2014)
Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hoà bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô.
Nền quốc phòng toàn dân là sự cụ thể hoá chính sách quốc phòng của Việt Nam, thể hiện ở cơ cấu tổ chức, hoạt động của các ngành, các cấp và của toàn dân theo một ý định, chiến lược thống nhất, nhằm tạo ra sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc. Mục đích của nền quốc phòng toàn dân là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực, bảo vệ chế độ, bảo vệ mọi thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan gây bạo loạn, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, giữ vững môi trường hoà bình ổn định để công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, đồng thời sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới là nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh quốc phòng của đất nước, ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh. Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng theo phương hướng: toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng cả lực lượng và thế trận; xây dựng tiềm lực mọi mặt, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/T.Ư quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22/12 thực sự trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hằng năm, toàn dân và toàn quân ta đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, như: Mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân - dân, ngày hội văn hóa quân - dân, giáo dục truyền thống, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, thăm hỏi các đơn vị quân đội nhất là ở nơi biên giới và hải đảo; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, hội thao quân sự trong các lực lượng vũ trang; xây dựng nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách; tham gia xây dựng, tu sửa, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ; tổ chức dâng hương tại nghĩa trang, nhà tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ...
Nhân dịp này, các cấp, các ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương đã rất chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả cao, gắn kết xây dựng và phát triển tiềm lực quốc phòng, an ninh qua các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong toàn dân, động viên các tầng lớp nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; vận động thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc…
25 năm qua, ngày 22/12 trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cổ vũ, động viên mỗi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong tình hình mới.
Nhìn lại 25 năm thực hiện Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.
Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Ðây là thành tựu cơ bản, phản ánh sâu sắc tính toàn dân, toàn diện và sức mạnh tổng hợp của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong 25 năm thực hiện Ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Tính chất toàn dân, toàn diện biểu hiện ở chỗ, nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta còn có Ngày Biên phòng toàn dân (3/3), Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8)… Nhờ đó, đã phát triển mạnh mẽ các phong trào toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng; toàn dân tham gia xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; toàn dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội… Ðây là cơ sở quan trọng làm cho sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân gắn bó chặt chẽ với nhau, được củng cố, tăng cường cả về thế trận và lực lượng, nhất là trên các hướng, các địa bàn chiến lược, trọng yếu, nơi biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa.
Kể từ sau khi có Chỉ thị số 62/CT-TƯ ngày 12 tháng 2 năm 2001 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới, nhất là thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 3 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng - an ninh và đến ngày 19 tháng 6 năm 2013 Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 2 năm 2014 về Qui định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Đây là những văn bản quan trọng, thiết thực nhất về giáo dục quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường hơn nữa công tác giáo dục quốc phòng - an ninh. Từ đó, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh được triển khai, thực hiện tích cực, toàn diện ở các cấp, các ngành và toàn dân; Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh ở các cấp từ Trung ương đến xã, phường được thành lập theo đúng quy định; hoạt động theo đúng quy chế và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ các cấp thuộc các đối tượng được đẩy mạnh và tăng cường; hệ thống chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu từng bước được ban hành kịp thời và đảm bảo chất lượng; hàng năm, số lượng cán bộ các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh ngày càng được mở rộng, chất lượng không ngừng được nâng cao. Giáo dục quốc phòng - an ninh đã trở thành môn học trong hệ thống giáo dục quốc dân và là môn học chính khóa của học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng và đại học. Từ năm 2005 đến nay, quân đội đã tổ chức huấn luyện quân sự, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 20.545.905 học sinh và sinh viên; 4.388.535 dân quân tự vệ và dự bị động viên; mở 683 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 43.419 chức sắc tôn giáo và 215 lớp cho 29.408 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc… Thông qua công tác huấn luyện quân sự, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đã góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm chuyển biến một bước căn bản về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Ðây là thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong 25 năm thực hiện Ngày Hội Quốc phòng toàn dân và sau gần 30 năm đổi mới đất nước. Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đã đánh giá thành tựu toàn diện của nhân dân ta trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) cũng chỉ rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), chúng ta đã thu được kết quả quan trọng, đó là: giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiềm lực kinh tế, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước được nâng cao; nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố; tiềm lực quốc phòng - an ninh được tăng cường; sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên một bước.
Thực tiễn của gần 30 năm đổi mới cho thấy, không thể có thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới đất nước nếu không kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, trong mối quan hệ biện chứng. Bảo vệ độc lập dân tộc, an ninh quốc gia gắn liền với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải kiên định mục tiêu, con đường đã chọn; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðó là quan điểm, là vấn đề có tính nguyên tắc quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội, bảo vệ và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ Ðảng và tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Ðó là những thành công nổi bật của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp đổi mới. Xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh có ý nghĩa quyết định giữ vững ổn định chính trị, độc lập chủ quyền và môi trường hòa bình của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho công cuộc đổi mới giành thắng lợi.
Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình đó để phá hoại cách mạng và công cuộc đổi mới của nhân dân ta, Ðảng ta đã nắm bắt kịp thời và phân tích đúng đắn tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khóa VI), tháng 3 năm 1990, Ðảng đã nhận định: "Các thế lực đế quốc và phản động đang triệt để khai thác những khó khăn của các nước xã hội chủ nghĩa để tăng cường can thiệp, phá hoại, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa", "cuộc đấu tranh để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội đang diễn ra quyết liệt".
Từ nhận định, đánh giá một cách khoa học, đúng đắn tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Ðảng ta đã chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ và quan điểm chỉ đạo sự nghiệp củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thực hiện có kết quả việc điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh. Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Ðảng ta đã khẳng định chủ trương: "Củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại và xâm lược của kẻ thù là nhiệm vụ quan trọng của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Ðẩy mạnh xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong thế trận quốc phòng toàn dân, có khả năng ngăn chặn, đập tan các âm mưu và hành động phản cách mạng tại địa phương và tích cực chiến đấu bảo vệ địa phương trong mọi tình huống. Xây dựng các công trình quốc phòng trọng điểm cần thiết. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước và trên từng địa phương; xây dựng, củng cố vững chắc các khu căn cứ hậu phương chiến lược"; "Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới là một nhiệm vụ trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Phát triển quan điểm chỉ đạo về quốc phòng, an ninh, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Ðảng đã nêu rõ: "Trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã không một chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn luôn coi trọng quốc phòng, an ninh, coi đó là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ". Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X và XI tiếp tục khẳng định việc tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI chủ trương: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu”.
Nắm vững quan điểm chỉ đạo của Ðảng, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang đã phối hợp triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của công cuộc đổi mới trong gần 30 năm qua. Sự nghiệp quốc phòng đã có những đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng. Thành tựu nổi bật nhất là Ðảng ta đã đề ra và không ngừng bổ sung, phát triển đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân độc lập tự chủ, sáng tạo, tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính; khơi dậy và phát huy được tiềm năng và sức mạnh của toàn dân tộc, đưa nước ta từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước đi lên; luôn vững vàng, tỉnh táo, nhạy bén trước biến động của tình hình; luôn nắm vững quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng, về chiến tranh nhân dân vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta; phân tích đánh giá đúng tình hình, kịp thời đổi mới tư duy về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; xác lập đúng đắn các quan hệ, đường lối, chủ trương, chính sách và đề ra nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong điều kiện mới. Do vậy, đã từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các địa phương, của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng; chỉ đạo có hiệu quả kết hợp quốc phòng với an ninh, quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại.
Ba là, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh và các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra
Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và lực lượng vũ trang luôn nhận thức sâu sắc rằng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân. Tiềm lực quốc phòng dựa trên nền tảng của tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực quân sự, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ mà tiềm lực quân sự là tiêu biểu và là kết quả tổng hợp của các tiềm lực đó; được xây dựng, tổ chức quản lý vì lợi ích phòng thủ quốc gia. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường không chỉ bằng sức mạnh quân sự đơn thuần, sức mạnh của riêng các lực lượng vũ trang, của Quân đội nhân dân, mà còn bởi sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân gắn với sức mạnh của nền an ninh nhân dân; được tạo điều kiện và hợp lực bởi sức mạnh của chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của tất cả các lực lượng và tiềm lực trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức chăm lo xây dựng đất nước vững mạnh trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, đối ngoại… nhằm tạo ra thế và lực mới, làm cho đất nước có đủ sức mạnh cần thiết để răn đe, sẵn sàng đối phó hiệu quả với các nguy cơ xâm lược từ bên ngoài; hoặc có đủ sức mạnh để đánh bại các cuộc xung đột vũ trang, xâm lấn lãnh thổ, xâm hại độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc; đánh bại các cuộc bạo loạn lật đổ có vũ trang, bạo loạn ly khai dân tộc, các hình thức khủng bố, sẵn sàng đánh bại những cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch nếu chúng gây ra.
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn hạn chế, trình độ khoa học - kỹ thuật - công nghệ còn thấp so với trình độ tiên tiến của thế giới; và, cho dù trong thời gian tới, tiềm lực mọi mặt được tăng cường, thì trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chúng ta vẫn phải đối phó với những lực lượng lớn, vũ khí công nghệ hiện đại, có âm mưu, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Do đó, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta vẫn phải là sức mạnh tổng hợp của quốc gia, của dân tộc, lấy sức mạnh quân sự làm nòng cốt. Sức mạnh đó được thể hiện ở tính ưu việt và sự vững bền của chế độ, khả năng đứng vững và phát triển của nền kinh tế, của xã hội trước mọi thử thách và khả năng ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra trong điều kiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác và cạnh tranh với các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Cơ sở của sức mạnh quốc phòng ngày nay trước hết và quan trọng nhất là sức mạnh chính trị - tinh thần, là lòng dân, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với dân, giữa quân và dân, là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và sự đoàn kết thống nhất của Ðảng. Vì thế, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thường xuyên chăm lo đến lợi ích vật chất và tinh thần của quần chúng nhân dân, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội; ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy Ðảng và Nhà nước; tăng cường công tác tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng nhận rõ âm mưu, bản chất phản động của các thế lực thù địch; kịp thời đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, những biểu hiện dao động, suy thoái lòng tin vào sự nghiệp đổi mới, vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào chủ nghĩa xã hội, mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Trên cơ sở đó, khôi phục và củng cố lòng tin của nhân dân với chế độ, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Ðảng và quần chúng, giữa quân và dân, sự đoàn kết giữa các dân tộc và các tầng lớp nhân dân.
Thực tiễn 25 năm qua cho thấy, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Song, nhờ có sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh của đất nước được tăng cường một cách toàn diện, nên đã ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống chiến tranh, nếu xảy ra, cả chiến tranh thông thường, cũng như chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao với mọi quy mô, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Bốn là, hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc
Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã đánh giá: “Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố”. Đây là thành tựu rất quan trọng sau 25 năm thực hiện Ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã tích cực đẩy mạnh, triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước. Kết quả là: Tiềm lực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự và an ninh của khu vực phòng thủ được tăng cường, góp phần hình thành một thế trận tổng hợp, gắn kết, tích hợp cả thực lực quốc phòng, tiềm lực quốc phòng và tiềm năng quốc phòng tạo ra thế trận liên hoàn để bảo vệ Tổ quốc; khả năng bảo vệ địa bàn, ứng phó với các tình huống quốc phòng - an ninh được nâng cao; việc vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành hoạt động khu vực phòng thủ từng bước được hoàn thiện. Cơ quan quân sự địa phương đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ đi vào chiều sâu, vững chắc. Kết quả đó thiết thực góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” trên địa bàn quân khu, các tỉnh, thành phố; đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Chúng ta đã thực hiện tốt việc phân vùng chiến lược về quốc phòng, an ninh gắn với vùng kinh tế chiến lược theo ý định xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Trên mỗi địa bàn chiến lược, mỗi hướng chiến lược đã tổ chức hình thành thế bố trí chiến lược quốc phòng, an ninh gắn với phân vùng kinh tế trên địa bàn chiến lược tạo thành hậu phương của địa bàn. Bảo đảm trong thời bình, chúng ta có thể xây dựng và củng cố lực lượng quốc phòng, an ninh đủ mạnh để làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; khi có chiến tranh xảy ra, chúng ta có thể phát huy mọi khả năng vốn có của các lực lượng, phương tiện, thực hành cơ động chiến lược kịp thời và linh hoạt, bảo đảm chỉ huy và hiệp đồng tác chiến thống nhất, thông suốt, đồng thời nâng cao khả năng độc lập tác chiến trong địa bàn, kể cả khi bị địch bao vây, chia cắt lực lượng ta.
Chúng ta đã xây dựng hậu phương chiến lược vững mạnh toàn diện và gắn kết chặt chẽ với xây dựng hậu phương các tỉnh, thành phố, huyện (quận, thị xã) tạo thành thế trận hậu phương liên hoàn vững chắc trong cả nước. Xây dựng thế trận phòng thủ trên các hướng, khu vực khác nhau, nhất là trên hướng, khu vực trọng điểm, gắn kết chặt chẽ với khu vực phòng thủ của địa phương, của các binh đoàn chủ lực cơ động, các quân binh chủng. Tổ chức bố trí, triển khai các lực lượng vũ trang và sở chỉ huy các cấp, các lực lượng một cách hợp lý, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu; bảo đảm có lực lượng chiến đấu tại chỗ rộng khắp, có lực lượng cơ động chiến đấu thích hợp và có lực lượng dự bị hùng hậu để sẵn sàng động viên, bổ sung khi cần thiết; bảo đảm vừa tự lực, độc lập tác chiến, vừa hỗ trợ, chi viện lẫn nhau trong quá trình chiến đấu và có thể vừa tham gia chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu. Tổ chức hệ thống phòng thủ dân sự ở địa phương và cả nước chu đáo, chặt chẽ ngay cả trong thời bình và thời chiến để bảo vệ nhân dân, duy trì sản xuất và đời sống nhân dân; bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự; có các biện pháp phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả chiến tranh nếu xảy ra.
Chúng ta đã kết hợp chặt chẽ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tận dụng ưu thế địa hình tự nhiên sẵn có để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống đường giao thông cơ động lực lượng, phương tiện đường bộ, đường sông, đường không và đường biển rộng khắp; xây dựng mạng thông tin liên lạc ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tác chiến mới; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các công trình quốc phòng như sân bay, bến cảng, cầu cống, hệ thống lưới điện quốc gia, hệ thống hầm, hào và công sự, trận địa chiến đấu nhằm phòng, tránh có hiệu quả các cuộc tiến công, nhất là tiến công hỏa lực bằng đường không của địch.
Đối với việc xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân hiện nay, chúng ta đã kiện toàn tổ chức, biên chế, đổi mới xây dựng các lực lượng an ninh và cảnh sát; làm cho lực lượng này đủ mạnh để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Tăng cường tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động chống khủng bố, chống bạo loạn lật đổ. Những lực lượng này đã được trang bị, huấn luyện phù hợp, chỉ huy thống nhất và bố trí trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, nhất là trên biển Đông, biên giới Việt Nam và các nước láng giềng. Tích cực xây dựng các phương án, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và tổ chức luyện tập thường xuyên theo phương án, tình huống đã xác định cho các lực lượng tham gia. Tập trung xây dựng và tổ chức luyện tập theo các phương án: phòng, chống, xử lý hoạt động gây rối an ninh trật tự ở từng địa bàn; hoạt động phá hoại và gây bạo loạn chính trị, xung đột vũ trang; hoạt động gián điệp, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; các phương án khi xảy ra lấn chiếm, tranh chấp chủ quyền, biển đảo, tài nguyên thiên nhiên và xung đột vũ trang ở biên giới; phương án đối phó với chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Khi xử lý các tình huống xảy ra chúng ta luôn luôn thận trọng, tỉnh táo; phân tích, nhận định, đánh giá đúng tình hình, không chủ quan, nóng vội; xử lý kiên quyết, kịp thời, khẩn trương, không để lan rộng, kéo dài và không để các thế lực thù địch tạo cớ can thiệp. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, khi xử lý các tình huống gây rối tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, điển hình như vụ gây rối, bạo loạn ở Tây Nguyên (tháng 4/2004, 4/2008), Sóc Trăng (02/2009), Mường Nhé (5/2011), vụ biểu tình phản đối Trung Quốc ở các tỉnh Bình Dương và Hà Tĩnh (5/2014), chúng ta đã sử dụng các biện pháp chính trị, tư tưởng là chủ yếu; huy động các thành phần, lực lượng của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp và tham mưu của cơ quan công an, quân sự địa phương, kết hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ hỗ trợ nhân dân đấu tranh.
Đồng thời, đã chú trọng hoàn thiện cơ chế, khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, nhất là Quân đội và Công an theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các tình huống về quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt; đẩy mạnh đấu tranh quốc phòng trong thời bình, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và chủ động đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược nếu xảy ra đối với nước ta.
Cùng với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, chúng ta đã ra sức xây dựng và củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc. Đây là nội dung cơ bản, là vấn đề "mấu chốt" của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Nhận thức sâu sắc giá trị, ý nghĩa của “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta khẳng định: “xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh của toàn dân tộc”. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã tích cực kế thừa và phát huy những giá trị dân chủ truyền thống của dân tộc, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân được thực hiện và hiện thực hóa, đồng thời thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tích cực phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức. Chủ động phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong điều kiện lịch sử mới… Kết quả là: Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân được củng cố; lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý xã hội của Nhà nước, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, đối với sự nghiệp đổi mới, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không ngừng được nâng cao. Người dân luôn quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, trách nhiệm và ý thức công dân ngày một nâng cao không chỉ trong làm giàu, xây dựng, phát triển kinh tế, mà còn cả trong thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh ở địa phương, cơ sở. Mối quan hệ quân dân được tăng cường trên cơ sở sự nhất trí về chính trị - tinh thần, sự thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự vững chắc của "thế trận lòng dân" là bức "thành đồng" chắc chắn, bảo đảm cho đất nước ta có đủ sức đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không để xảy ra chiến tranh và đó cũng là nhân tố bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới trong suốt gần 30 mươi năm qua.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong những năm qua là Đảng, Nhà nước ta đã có đường lối, chủ trương đúng đắn và chính sách “hợp lòng dân”. Đảng ta khẳng định: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”. Thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo; vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ; đã huy động các nguồn lực của đất nước, của nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo xóa đói, giảm nghèo,... xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đã ưu tiên thực hiện tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết những khó khăn, bức xúc đang đặt ra ở các vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp nhân dân luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền địa phương, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ các dân tộc và đồng bào có đạo, kích động tâm lý ly khai và chống đối chế độ nhằm đẩy nhân dân đối đầu với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương của các thế lực thù địch.
Năm là, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Sức mạnh của lực lượng vũ trang biểu hiện cụ thể ở việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn của cách mạng. Trong 25 năm thực hiện Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, thành tựu về giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng gắn liền với việc Ðảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, các tầng lớp nhân dân đã tích cực chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Qua đó, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân đội nhân dân đã được nâng lên một bước, đã kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, bạo loạn chính trị, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vai trò của lực lượng vũ trang được biểu hiện không chỉ trong việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng; mà còn trực tiếp tham gia có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.
Sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại có chuyển biến quan trọng. Các cấp luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đổi mới nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, tập trung giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống tốt đẹp của Quân đội. Nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội được nâng cao, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thành sinh hoạt thường xuyên, tự giác của các tổ chức và từng cá nhân. Đặc biệt, Quân đội đã đấu tranh có hiệu quả trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, tích cực, chủ động, phản bác các quan điểm sai trái, phản động; vô hiệu hóa âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội, hòng gây mất ổn định nội bộ, chia rẽ Quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân của các thế lực thù địch. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có chuyển biến tiến bộ, nội bộ đoàn kết thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới.
Quân đội đã có bước điều chỉnh về tổ chức, cả lực lượng thường trực và lực lượng dự bị theo hướng: tinh, gọn, mạnh, có khả năng cơ động cao, tạo sự cân đối hợp lý giữa các thành phần lực lượng, các quân chủng, binh chủng; giải quyết đúng đắn, hợp lý mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa con người và vũ khí. Trang bị vũ khí của Quân đội được đầu tư đúng mức, có bước phát triển quan trọng, kết hợp chặt chẽ giữa cải tiến vũ khí, trang bị hiện có với đầu tư mua sắm mới, ưu tiên hiện đại hóa Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin - Liên lạc, Tác chiến điện tử và Trinh sát kỹ thuật bước đầu có hiệu quả.
Công tác huấn luyện của các đơn vị đã được coi trọng và tiếp tục đổi mới toàn diện. Trong đó, đã bám sát và thực hiện tốt phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện; chú trọng huấn luyện toàn diện, đồng bộ cho mọi đối tượng, bao gồm cả chỉ huy, cơ quan, chiến sĩ và phân đội. Các đơn vị quân đội đã tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, hành quân xa, mang vác nặng qua các địa hình, luyện tập xử trí các tình huống trong cơ động phòng tránh, đánh trả đòn hỏa lực ban đầu của địch; huấn luyện sát thực tế chiến đấu, sát nhiệm vụ, sát phương án, tình huống, địa bàn hoạt động của từng đơn vị, phù hợp với khả năng trang bị và nghệ thuật quân sự của ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế, làm chủ và khai thác tốt các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại mới được trang bị. Coi trọng bồi dưỡng cán bộ, tăng cường huấn luyện, diễn tập hiệp đồng tác chiến quân chủng, binh chủng trên các địa bàn, diễn tập khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới, nhất là tác chiến biển, đảo…
Công tác giáo dục đào tạo trong các nhà trường quân đội đã có bước phát triển, quy mô mở rộng, chất lượng được nâng cao, đáp ứng nguồn nhân lực cho Quân đội. Hệ thống nhà trường quân đội thường xuyên được kiện toàn; chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy thường xuyên được đổi mới; chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được quan tâm đầu tư. Công tác nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới theo hướng cập nhật thực tiễn, nhất là các loại hình chiến tranh, xung đột vũ trang mới và các hình thức tác chiến mới xuất hiện. Đồng thời, chú trọng kết hợp phát triển những kinh nghiệm chiến đấu đã được tổng kết với tăng cường nghiên cứu nghệ thuật tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm không ngừng phát triển nền nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Công nghiệp quốc phòng đã đạt được một số kết quả quan trọng; trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Đầu tư cho công nghiệp quốc phòng được chú trọng, đúng hướng, sử dụng ngân sách có hiệu quả. Khả năng sản xuất vũ khí, trang bị được nâng cao. Đã sản xuất được một số sản phẩm mới, có sản phẩm đạt trình độ tiên tiến, nhất là ngành đóng tàu quân sự, sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ, khí tài phòng hóa, thông tin liên lạc, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Công tác bảo đảm hậu cần trong các đơn vị quân đội được quan tâm chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, đời sống bộ đội được cải thiện rõ rệt, thế trận hậu cần từng bước được bổ sung, hoàn chỉnh theo phương án, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Công tác kỹ thuật được triển khai toàn diện, duy trì bảo đảm tốt vũ khí trang bị hiện có, từng bước khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, hư hỏng, xuống cấp vũ khí trang bị. Thực hiện xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo Chỉ thị 917/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi vào chiều sâu. Các đơn vị quân đội đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng chiến đấu của Quân đội.
Cùng với xây dựng quân thường trực vững mạnh, chúng ta đã quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Quán triệt, thực hiện Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên (1996), những năm qua, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã duy trì thực hiện có nền nếp chế độ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Đến nay, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đăng ký và quản lý được hàng triệu quân nhân dự bị, trong đó có hàng vạn sĩ quan dự bị, hàng triệu phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân; sắp xếp đủ đầu mối tổ chức các đơn vị dự bị động viên; chất lượng các đơn vị dự bị động viên từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, lấy việc nâng cao chất lượng chính trị làm chính, có số lượng phù hợp theo quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ (2004) và Luật Dân quân tự vệ (2009). Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã chỉ đạo làm tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ; tỷ lệ dân quân tự vệ so với dân số toàn quốc ngày một tăng lên và chất lượng không ngừng được nâng cao. Tổ chức, biên chế lực lượng phù hợp với tình hình thực tiễn và tính chất hoạt động của dân quân tự vệ; có lực lượng cơ động, chiến đấu tại chỗ và lực lượng binh chủng, lực lượng dân quân tự vệ hoạt động trên biển theo sự chỉ đạo của cơ quan quân sự địa phương. Coi trọng việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban chỉ huy quân sự đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Đến nay, có 56 bộ, ngành Trung ương đã tổ chức Ban chỉ huy quân sự; hàng nghìn Ban chỉ huy quân sự đơn vị thành viên thuộc các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh, cấp huyện được kiện toàn. Kết hợp chặt chẽ công tác quy hoạch cán bộ cấp xã với củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ xã đội; toàn quốc đã bổ nhiệm đủ 100% cán bộ xã đội trưởng và chính trị viên. Công tác đào tạo cán bộ quân sự cấp xã được chú trọng; đến nay, toàn quốc đã đào tạo được 19.073 cán bộ, đây là khâu đột phá trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, được Bộ Nội vụ, các bộ, ngành Trung ương, các quân khu, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp đánh giá cao. Công tác huấn luyện quân sự, chính trị cho dân quân tự vệ có nhiều đổi mới, chất lượng không ngừng nâng cao; hoạt động của dân quân tự vệ thực hiện theo đúng nhiệm vụ quy định tại Pháp lệnh Dân quân tự vệ.
Những tựu cơ bản đạt được sau 25 năm thực hiện Ngày Hội Quốc phòng toàn dân đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Phần thứ ba
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG, ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN, XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1. Tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại
a) Tình hình thế giới
Trên thế giới, trong những năm tới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế của các quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu mới, tạo sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tác động sâu, rộng đến kinh tế thế giới, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.
Tình hình chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, bạo loạn, mất ổn định chính trị, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiêu khu vực.
Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn. Các nước lớn vừa hợp tác thoả hiệp vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh vào cục diện thế giới và các khu vực. Các nước vừa và nhỏ đề cao tinh thần độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tăng cường tham gia vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, hợp tác và phát triển, vì dân chủ và tiến bộ xã hội.
Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm, còn nhiều khó khăn, thách thức; tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực sẽ có nhiều thay đổi. Nhiều nước trên thế giới cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các hiệp định kinh tế song phương, đa phương mới.
Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các yếu tố đe doạ an ninh truyền thống, phi truyền thống đang gia tăng.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là khu vực phát triển năng động và có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới. Đây cũng là khu vực cạnh tranh, tranh chấp quyết liệt giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực tiếp tục gay gắt. ASEAN trở thành cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực, nhưng chịu sự tác động, lôi kéo của các nước lớn và sự khác biệt về lợi ích làm cho đoàn kết nội khối bị thách thức.
b) Tình hình trong nước
Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới (1986-2014) làm tăng thêm thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước. Sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
5 năm tới là thời kỳ Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và của thành viên WTO, hội nhập ngày càng sâu, rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với cả thời cơ và thách thức đan xen. Kinh tế từng bước thoát khỏi trạng thái trì trệ, lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp; kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc nợ công, nợ xấu, thâm hụt ngân sách còn lớn.
Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã dự báo vẫn tồn tại và có mặt trầm trọng hơn. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá, thực hiện “diễn biến hoà bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo sẽ ngày càng gay gắt, diễn biến phức tạp. Nguy cơ “tụt hậu xa hơn về kinh tế”, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nặng nề; khoảng cách giàu - nghèo, phân hoá xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội xuống cấp, làm ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Tình hình thế giới và trong nước nêu trên tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đan xen nhau; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, ra sức phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đẩy lùi nguy cơ, kiên trì công cuộc đổi mới, củng cố quốc phòng; tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Trong bối cảnh tình hình mới, xây dựng và phát triển nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, cần nhận thức đúng và thực hiện tốt những định hướng sau:
Một là, khắc phục các hạn chế trong nhận thức về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc nhận thức và quán triệt về tư tưởng, mục đích, mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, quản lý của Nhà nước đến các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và nhân dân còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Vì vậy, hiện nay phải nhận thức đúng về những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã đề ra. Nắm vững và vận dụng sáng tạo bài học của cha ông ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nghĩa là, làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất[1].
Hai là, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, thực hiện nghiêm túc chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; thực hiện phương châm đi sâu, đi sát cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và nhân dân là yếu tố chủ yếu có tính chất quyết định trong xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Áp dụng phương thức “chữa giọi cửa nhà lúc trời chưa mưa” của ông, cha ta trong chỉnh đốn Đảng, phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, từ bên trên.
Ba là, xây dựng “thế trận lòng dân” của nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Quán triệt sâu sắc tư tưởng, phương hướng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại. Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, phổ cập giáo dục toàn dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Làm cho toàn dân hiểu rõ tiềm lực chính trị - tinh thần là thành tố cơ bản của tiềm lực và nền quốc phòng toàn dân, là sự kết tinh truyền thống - văn hóa giữ nước của dân tộc và hệ thống chính trị nước ta; là nhân tố quyết định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Biểu hiện tập trung nhất ở lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Làm cho toàn dân và các lực lượng vũ trang không chỉ thấy rõ mà còn chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; thực sự là chủ và làm chủ trận địa chính trị, tư tưởng ở cơ sở.
Bốn là, tăng cường tiềm lực chính trị, tư tưởng đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện nước ta tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước không chỉ có chính sách ưu tiên mà còn phải kiên quyết chỉ đạo thực hiện bằng được các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo, xoá đói giảm nghèo để từng bước giảm bớt phân hóa giàu nghèo, chênh lệch giữa các vùng, miền… Phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém của cán bộ khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí và không hoàn thành các chính sách ưu tiên mà Đảng, Nhà nước đã đề ra đối với vùng đồng bào còn khó khăn. Tăng cường thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, hướng đến nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao niềm tin yêu của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong tình hình mới, xây dựng và phát triển nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, cần có nhận thức mới và đầy đủ hơn về xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng của nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Trong đó:
Về tính tất yếu xây dựng: Xuất phát từ vị trí, vai trò của sức mạnh chính trị, tư tưởng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, nhất là trước những biến động mới của tình hình, yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới đất nước, trong khi đó tiềm lực chính trị, tư tưởng của nền quốc phòng toàn dân, bên cạnh những mặt mạnh, vẫn còn những hạn chế, bất cập so với yêu cầu đổi mới đất nước trong thời kỳ mới.
Về mục tiêu xây dựng: Xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng vững mạnh, nâng cao sức đề kháng trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị tư tưởng từ bên trong; cùng với các tiềm lực khác của nền quốc phòng toàn dân, đảm bảo cho đất nước luôn ổn định, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về nội dung xây dựng: Cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng trong quá trình đổi mới đất nước, đảm bảo giữ vững định hướng chính trị của nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện nền kinh tế thị trường ngày càng đi vào chiều sâu và quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đi đôi với đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tình trạng quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Đảng và Nhà nước; củng cố và tăng cường ý thức quốc phòng của mỗi người dân Việt Nam cả trong nước và đồng bào ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; kết hợp xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng với xây dựng các tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, quân sự của nền quốc phòng toàn dân.
Về phương thức xây dựng: Cần quan tâm đến các hình thức, phương pháp như: thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng; thông qua các phong trào cách mạng của quần chúng; thông qua việc tự học tập, bồi dưỡng của mỗi người trên các cương vị và lĩnh vực, địa bàn công tác, học tập, sinh sống; nâng cao khả năng "tự bảo vệ" trong mỗi tổ chức, mỗi con người, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi lĩnh vực hoạt động để xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng của nền quốc phòng toàn dân.
Về lực lượng xây dựng: Lực lượng của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ) là lực lượng nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước trên cơ sở phát huy sức mạnh của toàn dân thông qua các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, vai trò và ý thức, trách nhiệm của các tổ chức và người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng.
Về những điều kiện, nhân tố đảm bảo cho xây dựng: Cần nắm vững lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng trong tình hình mới; tiếp tục đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm của dân tộc và kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa trong xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng; nghiên cứu nắm chắc sự vận động, biến đổi của tình hình thế giới, khu vực, trong nước sẽ tác động đến xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng; xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại làm cơ sở xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng; phát huy vai trò của nhân tố chủ quan của các chủ thể trong xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng.
Thứ hai, phát triển nhận thức mới và cụ thể hóa hơn nội dung, yêu cầu xây dựng “thế trận lòng dân” của nền quốc phòng trong tình hình mới. Trong đó: Xây dựng “thế trận lòng dân” là yêu cầu bức thiết, là nội dung cơ bản, là vấn đề mấu chốt của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân về chính trị, tư tưởng trong tình hình mới. Xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải có nội dung và phương thức xây dựng mới phù hợp; tiếp tục gắn kết, khơi dậy, quy tụ và phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa yêu nước thời đại Hồ Chí Minh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời bình. Đảng, Nhà nước ta cần có đường lối, chủ trương đúng đắn và chính sách “hợp lòng dân”, thực hiện “an dân”, theo phương châm “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”; thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và với chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ ba, coi trọng việc khắc phục tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân đối với củng cố, tăng cường tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong cả thời bình và thời chiến. Điều đó xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Chúng ta vừa phải sẵn sàng đấu tranh bằng phương thức vũ trang chống lại âm mưu, thủ đoạn bạo lực vũ trang, sẵn sàng tiến hành chiến tranh xâm lược bằng vũ trang khi có thời cơ của các thế lực thù địch, vừa phải đấu tranh bằng phương thức phi vũ trang để chống lại chiến lược “diễn biến hoà bình” và quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong do tác động của chiến lược “diễn biến hoà bình” và những tiêu cực nảy sinh do sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế.
Thứ tư, đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, các tầng lớp nhân dân. Trong đó: Đổi mới nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò của việc giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng. Đổi mới và nâng cao hiệu quả nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng. Nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới cần giáo dục toàn diện, trong đó cần quan tâm hơn đến những vấn đề như: Những điều kiện và nhân tố mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta bằng “diễn biến hòa bình”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong; vấn đề “đối tác” và “đối tượng” trong điều kiện mới; những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương Tám khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Hình thức, biện pháp giáo dục quốc phòng - an ninh phải phong phú, linh hoạt phù hợp với trình độ nhận thức, môi trường, điều kiện công tác, học tập, sinh sống của các đối tượng; quan tâm giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng là cán bộ các cấp, thanh niên, học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp, người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; kết hợp giữa giáo dục, bồi dưỡng với tự giáo dục, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn trên từng cương vị, môi trường công tác và sinh sống.
Thứ năm, phát triển nhận thức về xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng và động viên chính trị, tư tưởng của công cuộc đổi mới đất nước. Trong đó: Việc gắn kết xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân với xây dựng và động viên chính trị, tư tưởng của công cuộc đổi mới đất nước phải được thể hiện cả trong nhận thức và cả trong tổ chức hoạt động thực tiễn. Theo đó, phải nhận thức rõ và tổ chức tốt hoạt động thực tiễn trên các vấn đề cơ bản như: Mục đích, chủ thể, nội dung, hình thức, biện pháp, lực lượng, cơ chế, những điều kiện đảm bảo cho việc gắn kết xây dựng tiềm lực chính trị, tư tưởng của nền quốc phòng toàn dân với xây dựng và động viên chính trị, tư tưởng của công cuộc đổi mới đất nước. Con đường cơ bản để gắn kết xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân với xây dựng và động viên chính trị, tư tưởng của công cuộc đổi mới đất nước là thông qua các phong trào hành động cách mạng của quần chúng trong công cuộc đổi mới đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân.
3. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới, cần thực hiện tốt những định hướng sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, vì nhận thức không đúng thì sẽ không hoạch định được chủ trương xây dựng quân đội đúng; theo đó thì các chủ thể có vai trò tổ chức thực hiện sẽ không có định hướng đúng. Vì vậy, trong thời gian tới, để hiện thực hóa chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cần tiếp tục đổi mới, phát triển tư duy xây dựng quân đội, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ này.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực tiễn xây dựng quân đội cách mạng cho thấy, nếu xa rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quân đội sẽ mất phương hướng chính trị trong xây dựng và chiến đấu. Vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đề cao tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy và chỉ huy đơn vị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ba là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo và quản lý nhằm vừa tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; vừa bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần tiếp tục nghiên cứu phân định rõ sự khác biệt giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với vai trò quản lý của Nhà nước đối với quân đội; làm rõ nội dung lãnh đạo của Đảng và nội dung quản lý của Nhà nước đối với quân đội; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng quân đội. Chỉ có như vậy mới khắc phục sự lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ và phương pháp công tác của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và nâng cao sức mạnh toàn diện của quân đội, trong đó xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng là vấn đề cốt yếu nhất.
Bốn là, xây dựng hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp trong quân đội trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Các tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo ở các cấp trong quân đội. Do đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của quân đội mà chủ thể lãnh đạo là hệ thống tổ chức đảng từ Quân ủy Trung ương đến chi bộ ở cơ sở. Thông qua hệ thống tổ chức đảng trong quân đội mà Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với Quân đội. Các cấp ủy, tổ chức đảng chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt đối với đơn vị thuộc quyền theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định cho từng cấp. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quân đội trong sạch, vững mạnh không chỉ là cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, mà còn là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng.
Năm là, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đã và đang làm tổn hại danh dự, uy tín và làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; gây bức xúc, bất bình trong xã hội; làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách không chỉ có ý nghĩa đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà sẽ tác động trực tiếp đến xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng.
Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị; triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; sớm hoàn thiện Quy chế giáo dục chính trị đi đôi với tích cực đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, bảo đảm sát với yêu cầu xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng trong tình hình mới; đẩy mạnh giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội; đặc biệt, chú trọng giáo dục bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; giáo dục đạo đức, lối sống và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội… Thông qua giáo dục chính trị, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; nắm vững thời cơ và thách thức; phân biệt rõ “đối tượng”, “đối tác”; không mơ hồ, mất cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Bảy là, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt, có năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn, có quan hệ chặt chẽ với nhân dân.Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có kiến thức, phương pháp, tác phong công tác tốt, năng lực hoạt động thực tiễn, tự lực, chủ động, sáng tạo; có khả năng xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn; có sức khỏe, độ tuổi phù hợp; có số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng sự phát triển về nhiệm vụ, tổ chức biên chế, trang bị vũ khí của quân đội trong thời kỳ mới, sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng.
Tám là, tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách quân đội và hậu phương quân đội. Trong điều kiện thời bình, để mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng yên tâm gắn bó xây dựng quân đội lâu dài; đồng thời, tạo động lực tiếp tục thu hút, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quân đội thì vấn đề đặt ra trực tiếp hiện nay là nghiên cứu đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Trong bối cảnh hiện nay, cần có những biện pháp cụ thể, tích cực, khả thi nhằm tuyên truyền, giáo dục thống nhất nhận thức cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là với đội ngũ cán bộ, đảng viên về sự cần thiết và ý nghĩa của chế độ, chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Thực hiện chế độ, chính sách, nhất là chế độ, chính sách đãi ngộ đối với quân đội và hậu phương quân đội là trách nhiệm của xã hội.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới, cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Đây là đặc trưng bản chất, ưu thế vượt trội trong sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta - một quân đội kiểu mới mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thực hiện nội dung này, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau đây.
Một là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội theo tinh thần Nghị quyết số 51/NQ-TW của Bộ Chính trị, khóa IX để tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Trong đó: Hoàn thiện hệ thống chức danh chính ủy, phó chính ủy, chính trị viên, chính trị viên phó thống nhất ở các loại hình đơn vị trong toàn quân; xác định rõ vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn mối quan hệ công tác của phó chính ủy, chính trị viên phó. Xác định đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cơ quan chính trị các cấp trong quân đội. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Điều lệnh quản lý bộ đội, Điều lệ công tác tham mưu, tác chiến và các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan Bộ Quốc phòng đảm bảo tính thống nhất, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong đó: Quân ủy Trung ương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Tổng cục Chính trị chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng từ Quân ủy Trung ương đến chi bộ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình xây dựng quân đội và từng đơn vị vững mạnh toàn diện. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên xứng đáng là lực lượng nòng cốt, trực tiếp xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng. Ngăn chặn có hiệu quả, xử lý kiên quyết mọi cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng, lãnh phí, chạy chức, chạy quyền, cơ hội, thực dụng, sống buông thả, vi phạm tư cách đảng viên nhằm giữ nghiêm kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội.
Ba là, kiện toàn bộ máy công tác đảng, công tác chính trị, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội đáp yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội trong thời kỳ mới. Trong đó: Kiện toàn về biên chế, tổ chức cơ quan chính trị các cấp theo Nghị quyết số 51/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan chính trị các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, đảm bảo ngân sách cho hoạt động của cơ quan chính trị và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của các đơn vị trong quân đội.
Bốn là, nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội trong thời kỳ mới. Trong đó: Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng giữ địa vị thống trị trong đời sống tinh thần của quân đội. Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong quân đội góp phần củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, tạo khả năng “miễn dịch” của cán bộ, chiến sĩ trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ, các hoàn cảnh, góp phần xây dựng, củng cố ý chí, quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Năm là, tăng cường dân chủ, kỷ luật trong Quân đội. Trong đó: Duy trì nghiêm việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của quân đội, quy định của các tổ chức chính trị - xã hội trong quân đội. Đấu tranh, khắc phục có hiệu quả tình trạng vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, hiện tượng quan liêu, quân phiệt; tự tử, tự sát; bắn giết đồng đội; đào bỏ ngũ, buôn lậu, gian lận thương mại; buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy.
Sáu là, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trong đó: Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách thu hút tài năng phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam từ khâu tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ tài năng hiện đang phục vụ trong quân đội, đồng thời có chính sách động viên, khuyến khích, lôi cuốn, trọng dụng tài năng của đất nước tham gia phục vụ quân đội. Bổ sung, hoàn thiện chính sách về đề bạt quân hàm, tiền lương, phụ cấp, nhà ở, khám chữa bệnh đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ quân đội; chế độ chính sách bảo hiểm y tế đối với thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, chiến sĩ thực hiện luật nghĩa vụ quân sự. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ quân đội, đặc biệt ở những đơn vị đóng quân ở hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, những nơi trình độ phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội còn thấp, cuộc sống của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội còn khó khăn. Bổ sung, hoàn thiện chính sách nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, chính sách đối với người có công. Bổ sung, sửa đổi chính sách khen thưởng trong quân đội cả về giá trị vật chất và tinh thần, tương xứng với những cống hiến, hy sinh, đóng góp công sức, xương máu cho sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng với chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới. Để xây dựng quân đội cách mạng với xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại thật sự hiệu quả, cần phải thực hiện hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, môi trường và cơ chế, chủ trương và chính sách.
Một là, giáo dục nâng cao nhận thức cho các lực lượng, các tổ chức và cán bộ, chiến sĩ về yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng gắn với xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó: Giáo dục cho các đối tượng, các chủ thể xây dựng quân đội nhận thức rõ các mặt xây dựng đó không thể tách rời nhau cả trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn. Mỗi chủ thể với chức năng, nhiệm vụ của mình, có vai trò cụ thể riêng trong bảo đảm sự gắn kết giữa các nội dung xây dựng: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Nhà nước có vai trò quan trọng nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương xây dựng quân đội của Đảng thành chính sách, luật pháp và những điều kiện bảo đảm cho yêu cầu xây dựng quân đội, cho sự gắn kết giữa các nội dung xây dựng quân đội; Quân đội có vai trò quyết định trực tiếp: Là lực lượng trực tiếp quán triệt và tổ chức thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong xây dựng quân đội, đồng thời là lực lượng trực tiếp tiếp nhận và “chuyển hoá” mọi cơ chế, chính sách, những điều kiện bảo đảm của cả xã hội vào trong quá trình xây dựng quân đội. Sự thống nhất nhận thức của các chủ thể là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp kết hợp xây dựng quân đội cách mạng với xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Hai là, xây dựng chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp kết hợp xây dựng quân đội cách mạng với xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó: Chuẩn xác hoá chương trình, nội dung, biện pháp xây dựng quân đội cách mạng, làm cơ sở xây dựng chương trình, nội dung, biện pháp xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tập trung thực hiện tốt việc xác định yêu cầu, chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng quân đội cách mạng, xây dựng Quân đội ta về chính trị trong tình hình mới. Những vấn đề về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội; về hệ tư tưởng của quân đội, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về truyền thống tốt đẹp, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội ta; về chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta; về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với quân đội; về lòng trung thành, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội... phải được trở thành những nội dung chính yếu, cơ bản, quyết định trong xây dựng quân đội cách mạng.
Rà soát lại hệ thống nội dung, chương trình giáo dục, huấn luyện trong tất cả các đối tượng giáo dục, huấn luyện của quân đội. Trên cơ sở đó, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình giáo dục, huấn luyện theo yêu cầu của sự gắn kết giữa xây dựng quân đội cách mạng với xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Những vấn đề nào không đáp ứng yêu cầu gắn kết giữa các nội dung xây dựng này, cần phải xem xét, điều chỉnh. Cần chú trọng hiện đại hoá nội dung, chương trình, hình thức, biện pháp, phương tiện giáo dục, huấn luyện trên tất cả các nội dung cách mạng, chính quy, tinh nhuệ.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách kết hợp xây dựng quân đội cách mạng với xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới. Trong đó: Cụ thể hoá yêu cầu, nội dung xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại thành điều lệ, điều lệnh của quân đội, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xác định rõ vấn đề trung tâm của cơ chế kết hợp các nội dung xây dựng quân đội cách mạng với các nội dung xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bốn là, nâng cao chất lượng bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng thời kỳ mới. Trong đó: Quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp hậu cần phù hợp với Chiến lược phát triển trang bị của quân đội trong những năm tới, để sản xuất được các trang bị mới theo hướng hiện đại, mang tính đặc thù quân sự phục vụ huấn luyện, học tập, công tác, cơ động, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch và các tình huống chiến lược khác. Ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt, các đơn vị đứng chân làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo và khu vực đặc biệt khó khăn. Chuẩn bị tốt mọi điều kiện để Quân đội nhân dân Việt Nam chủ động, tích cực tham gia một số hoạt động gìn giữ hòa bình và các hoạt động nhân đạo phù hợp với khả năng, điều kiện cho phép.
*
* *
70 năm chiến đấu, xây dựng, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Quân đội ta đã phấn đấu liên tục, không ngừng giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, truyền thống vẻ vang của quân đội, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm cho Quân đội thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
MỘT SỐ TƯ LIỆU, SỰ KIỆN
I. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Bản chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối. Nội dung bản Chỉ thị như sau:
1. Tên, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
2. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các các bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
3. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam chúng ta.
(Nguồn: Lịch sử QĐND Việt Nam, Nxb. QĐND, Hà Nội 1994, tr84-85)
II. Danh sách các đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12-1944 tại một khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích Cao - Bắc - Lạng do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội có 29 người là dân tộc thiểu số. Cụ thể, dân tộc Tày: 19; dân tộc Nùng: 8; dân tộc Mông: 1; dân tộc Dao: 1; còn lại 5 người dân tộc Kinh. Danh sách các đội viên đầu tiên gồm:
1. Trần Văn Kỳ. Bí danh: Hoàng Sâm, Trần Sơn Hùng. Dân tộc: Kinh. Quê quán: Lệ Sơn, Tuyên Hoá, Quảng Bình.
2. Dương Mạc Thạch. Bí danh: Xích Thắng. Dân tộc: Tày. Quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
3. Hoàng Văn Xiêm. Bí danh: Hoàng Văn Thái, Ngô Quốc Bình. Dân tộc: Kinh. Quê quán: An Khang, Tiền Hải, Thái Bình.
4. Hoàng Thế An. Bí danh: Thế Hậu. Dân tộc: Tày. Quê quán: Đào Ngạn, Hà Quảng, Cao Bằng.
5. Bế Bằng. Bí danh: Kim Anh. Dân tộc: Tày. Quê quán: Hồng Việt, Hoà An, Cao Bằng.
6. Nông Văn Bát. Bí danh: Đàm Quốc Chủng. Dân tộc: Tày. Quê quán: Bình Long, Hoà An, Cao Bằng.
7. Bế Văn Bồn. Bí danh: Bế Văn Sắt, Hồng Quân, Mậu. Dân tộc: Tày. Quê quán: Bình Long, Hoà An, Cao Bằng.
8. Tô Văn Cắm. Bí danh: Tiến Lực, Đinh Lực. Dân tộc: Tày. Quê quán: Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng.
9. Nguyễn Văn Càng. Bí danh: Thu Sơn. Dân tộc: Tày. Quê quán: Hồng Việt, Hoà An, Cao Bằng.
10. Nguyễn Văn Cơ. Bí danh: Đức Cường. Dân tộc: Kinh. Quê quán: Đề Thám, Hoà An, Cao Bằng.
11. Trần Văn Cù. Bí danh: Trương Đắc, Đồng. Dân tộc: Tày. Quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
12. Hoàng Văn Củn. Bí danh: Quyền, Thịnh. Dân tộc: Tày. Quê quán: Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.
13. Võ Văn Dảnh. Bí danh: Luận. Dân tộc: Kinh. Quê quán: Đức Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Bình.
14. Tô Vũ Dâu. Bí danh: Thịnh Nguyên. Dân tộc: Tày. Quê quán: Vinh Quang, Hoà An, Cao Bằng.
15. Dương Văn Dấu. Bí danh: Đại Long. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.
16. Chu Văn Đế. Bí danh: Nam. Dân tộc: Tày. Quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
17. Nông Văn Kiếm. Bí danh: Liên. Dân tộc: Tày. Quê quán: Tam Kim, Nguyên Bình, Thái Nguyên.
18. Đinh Văn Kính. Bí danh: Đinh Trung Lương. Dân tộc: Tày. Quê quán: Lê Lợi, Thạch An, Cao Bằng.
19. Hà Hưng Long. Dân tộc: Tày. Quê quán: Nam Tuấn, Hoà An, Cao Bằng.
20. Lộc Văn Lùng. Bí danh: Văn Tiên. Dân tộc: Tày. Quê quán: Mai Pha, Cao Lộc, Lạng Sơn.
21. Hoàng Văn Lường. Bí danh: Kính Phát. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
22. Hầu A Lý. Bí danh: Hồng Cô. Dân tộc: Mông. Quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
23. Long Văn Mần. Bí danh: Ngọc Trình. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Bình Long, Hoà An, Cao Bằng.
24. Bế Ích Nhân. Bí danh: Bế ích Vạn. Dân tộc: Tày. Quê quán: Vân Tùng, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
25. Lâm Cẩm Như. Bí danh: Lâm Kính. Dân tộc: Kinh. Quê quán: Đông Khê, Thạch An, Cao Bằng.
26. Hoàng Văn Nhủng. Bí danh: Xuân Trường. Dân tộc: Tày. Quê quán: Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.
27. Hoàng Văn Minh. Bí danh: Thái Sơn. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Thượng Ân, Ngân Sơn, Bắc Kạn.
28. Giáp Ngọc Páng. Bí danh: Nông Văn Bê, Thân. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Hoàng Trung, Hoà An, Cao Bằng.
29. Nguyễn Văn Phán. Bí danh: Kế Hoạch. Dân tộc: Tày. Quê quán: Hồng Việt, Hoà An, Cao Bằng.
30. Ma Văn Phiêu. Bí danh: Mạc Văn Phiêu, Bắc Hợp, Đường. Dân tộc: Tày. Quê quán: Minh Tâm, Nguyên Bình, Cao Bằng.
31. Đặng Tuần Quý. Dân tộc: Dao. Quê quán: Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng.
32. Lương Quý Sâm. Bí danh: Lương Văn Ích. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Nà Sác, Hà Quảng, Cao Bằng.
33. Hoàng Văn Súng. Bí danh: La Thanh. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng.
34. Mông Văn Vẩy. Bí danh: Mông Phúc Thơ. Dân tộc: Nùng. Quê quán: Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.
(Nguồn: Lịch sử các đội quân tiền thân QĐND Việt Nam,
Nxb. QĐND, Hà Nội 2004, tr387-381)
III. Mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam
Chúng tôi, Quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của tổ quốc:
1. Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
"Xin Thề"
2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác.
"Xin thề"
3. Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước Xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí " Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
"Xin thề"
4. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
"Xin thề"
5. Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.
"Xin thề"
6. Luôn luôn cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai.
"Xin thề"
7. Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí.
"Xin thề"
8. Ra sức giữ gìn vũ khí trang bị, quyết không để hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù. Luôn nêu cao tinh thần bảo vệ của công, không tham ô, lãng phí.
"Xin thề"
9. Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên:
· Kính trọng dân
· Giúp đỡ dân
· Bảo vệ dân
Và ba điều răn:
· Không lấy của dân
· Không dọa nạt dân
· Không quấy nhiễu dân
Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí.
"Xin thề"
10. Giữ vững phẩm chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân, luôn tự phê bình và phê bình, không làm điều gì hại tới danh dự của quân đội và quốc thể nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
"Xin thề
IV. Mười hai điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân
1. Không lấy cái kim sợi chỉ của nhân dân.
2. Mua bán phải công bằng, sòng phẳng.
3. Mượn cái gì của nhân dân phải hỏi, dùng xong phải trả, làm hỏng, làm mất phải đền.
4. Đóng quân nhà dân không được làm phiền nhiễu nhân dân, phải giữ gìn nhà cửa sạch sẽ.
5. Phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách dân tộc tôn trọng tự do, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của nhân dân.
6. Phải đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ.
7. Không doạ nạt, đánh mắng nhân dân.
8. Phải bảo vệ tính mạng, tài sản của tập thể và của Nhà nước.
9. Phải đoàn kết, tôn trọng và ủng hộ các cơ quan dân, chính, đảng, các lực lượng vũ trang địa phương.
10. Phải gương mẫu chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
11. Phải tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân thực hiện mọi đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
12. Phải giữ gìn bí mật và vận động nhân dân giữ bí mật của Nhà nước và quân đội.
V. Danh sách các đồng chí Đại tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng là cấp quân hàm sĩ quan quân đội cao cấp nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với cấp hiệu 4 ngôi sao vàng.
Theo quy định hiện hành, quân hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam do Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia ký quyết định phong cấp.
Đến nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có 12 quân nhân được phong quân hàm Đại tướng. Trong đó, có 2 quân nhân được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian là Võ Nguyên Giáp (1948) và Nguyễn Chí Thanh (1959).
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)
Năm thụ phong: 1948.
Quê quán: Quảng Bình. Bí danh: Văn, Sáu.
Chức vụ cao nhất: Phó Thủ tướng thường trực; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị.
Danh hiệu khác: Người anh cả của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Huân chương Sao vàng.
2. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967)
Năm thụ phong: 1959.
Quê quán: Thừa Thiên - Huế.
Bí danh: Sáu Vi, Trường Sơn.
Chức vụ cao nhất: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị (1951-1967).
Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng (truy tặng).
3. Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002)
Năm thụ phong: 1974.
Quê quán: Hà Nội.
Bí danh: Lê Hoài.
Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980-1987).
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị khóa III, IV, V, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1984-1986).
Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng.
4. Đại tướng Hoàng Văn Thái (Hoàng Văn Xiêm) (1915-1986)
Năm thụ phong: 1980.
Quê quán: Thái Bình. Bí danh: An, Mười Khang, Quốc Bình, Thành...
Chức vụ cao nhất: Tổng Tham mưu trưởng (1945-1953), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương các khóa III, IV và V.
Danh hiệu khác: Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên, Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007).
5. Đại tướng Chu Huy Mân (Chu Văn Điều) (1913-2006)
Năm thụ phong: 1982.
Quê quán: Nghệ An.
Bí danh: Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh.
Chức vụ cao nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981-1986).
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị (1976-1986).
Danh hiệu khác: Đại tướng có tuổi Đảng cao nhất (vào Đảng năm 1930), Huân chương Sao vàng.
6. Đại tướng Lê Trọng Tấn (Lê Trọng Tố) (1914-1986)
Năm thụ phong: 1984. Quê quán: Hà Nội. Bí danh: Đội Tố, Ba Long.
Chức vụ cao nhất: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng (1980-1986). Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương các khóa IV và V.
Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007).
7. Đại tướng Lê Đức Anh (năm sinh 1920)
Năm thụ phong: 1984. Quê quán: Thừa Thiên - Huế. Bí danh: Sáu Nam.
Chức vụ cao nhất: Chủ tịch nước (1992-1997).
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị (1982-1997).
Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng.
8. Đại tướng Nguyễn Quyết (Nguyễn Tiến Văn) (năm sinh 1922)
Năm thụ phong: 1990. Quê quán: Hưng Yên.
Chức vụ cao nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Bí thư Trung ương Đảng khóa VI.
Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng.
9. Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1998)
Năm thụ phong: 1990. Quê quán: Quảng Trị.
Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1991-1997). Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị (1991-1997).
Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007).
10. Đại tướng Phạm Văn Trà (Sinh năm 1935)
Năm thụ phong: 2003. Quê quán: Bắc Ninh.
Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1997-2006).
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị (1997-2006).
Danh hiệu khác: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
11. Đại tướng Lê Văn Dũng (Sinh năm 1945)
Năm thụ phong: 2007. Quê quán: Bến Tre.
Chức vụ cao nhất: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (2001-2011).
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Bí thư Trung ương Đảng (2001-2011).
12. Đại tướng Phùng Quang Thanh (Sinh năm 1949)
Năm thụ phong: 2007. Quê quán: Hà Nội.
Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2006-nay).
Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị (2006).
Danh hiệu khác: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
VI. Danh sách các đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ
1. Bộ trưởng Chu Văn Tấn (1945-1946).
2. Bộ trưởng Phan Anh (1946).
3. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp (1946-1947; 1948-1980).
4. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu (1947-1948).
5. Bộ trưởng Đại tướng Văn Tiến Dũng (1980-1986).
6. Bộ trưởng Lê Đức Anh (1987-1991).
7. Bộ trưởng Đoàn Khuê (1991-1997).
8. Bộ trưởng Phạm Văn Trà (1997-2006).
9. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh (2006-nay).
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử/BQP)
VII. Danh sách các đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ
1. Đại tướng Hoàng Văn Thái (1945-1953).
2. Đại tướng Văn Tiến Dũng (1953-1978).
3. Đại tướng Lê Trọng Tấn (1978-1986).
4. Đại tướng Lê Đức Anh (1986-1987).
5. Đại tướng Đoàn Khuê (1987-1991).
6. Thượng tướng Đào Đình Luyện (1991-1995).
7. Đại tướng Phạm Văn Trà (1995-1997).
8. Trung tướng Đào Trọng Lịch (1997-1998).
9. Đại tướng Lê Văn Dũng (1998-2001).
10. Đại tướng Phùng Quang Thanh (2001-2006).
11. Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên (2006-2010).
12. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (2010-nay).
VIII. Danh sách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ
1. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1950-1961).
2. Thượng tướng Song Hào (1961-1976).
3. Đại tướng Chu Huy Mân (1977-1987).
4. Đại tướng Nguyễn Quyết (1987-1991).
5. Thượng tướng Lê Khả Phiêu (1991-1998).
6. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân (1998-2001).
7. Đại tướng Lê Văn Dũng (2001-2011).
8. Thượng tướng Ngô Xuân Lịch (2011-nay).
IX. Các chiến dịch tiêu biểu của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
A. Một số chiến dịch tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:
1. Chiến dịch Việt Bắc (7/10 - 20/12/1947).
2. Chiến dịch Bắc Quảng Nam (15/7 - 26/9/1952).
3. Chiến dịch Sông Thao (19/5 - 18/7/1949).
4. Chiến dịch Sông Lô (29/4 - 31/5/1949).
5. Chiến dịch Lê Lợi (25/11/1949 - 30/1/1950).
6. Chiến dịch Cầu Kè (7 - 26/12/1949).
7. Chiến dịch Lê Hồng Phong I (7/2 - 15/3/1950).
8. Chiến dịch Cao Bắc Lạng (15/3 - 30/4/1949).
9. Chiến dịch Biên giới (16/9 - 14/10/1950).
10. Chiến dịch Bến Cát II (7/10 - 15/11/1950).
11. Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950 - 18/1/1951).
12. Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (23/3 - 7/4/1951).
13. Chiến dịch Quang Trung (28/5 - 20/6/1951).
14. Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952).
15. Chiến dịch Tây Bắc (14/10 - 10/12/1952).
16. Chiến dịch Thượng Lào (13/4 - 18/5/1953).
17. Chiến dịch Lai Châu (10 - 20/12/1953).
18. Chiến dịch Trung Lào (21/12/1953 - 4/1954).
19. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (26/1 - 17/2/1954).
20. Chiến dịch Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia (30/1 - 4/1954).
21. Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954).
B. Một số chiến dịch tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước:
1. Chiến dịch Bình Giã (2/12/1964 - 3/1/1965).
2. Chiến dịch Ba Gia (28/5 - 20/7/1965).
3. Chiến dịch Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965).
4. Chiến dịch Plây Me (29/10 - 26/11/1965).
5. Chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng (12 - 17/11/1965).
6. Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xiti (22/2 - 15/4/1967).
7. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (20/1 - 15/7/1968).
8. Chiến dịch Đông Bắc Campuchia (29/4 - 30/6/1970).
9. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (30/1 - 23/3/1971).
10. Chiến dịch Trị Thiên (30/3 - 27/6/1972).
11. Chiến dịch Nguyễn Huệ (1/4/1972 - 19/1/1973).
12. Chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ 1 (6/4 - 22/10/1972).
13. Chiến dịch đồng bằng sông Cửu Long (10/6 - 10/9/1972).
14. Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (26/6/1972 - 31/1/1973).
15. Chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ 2 (18 - 29/12/1972).
16. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975).
17. Chiến dịch Tây Nguyên (4/3 - 3/4/1975).
18. Chiến dịch Trị Thiên - Huế (5 - 26/3/1975).
19. Chiến dịch Đà Nẵng (28 -29/3/1975).
20. Chiến dịch Xuân Lộc (9 - 20/4/1975).
21. Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30/4/1975).
(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb. QĐND, Hà Nội 2004)
X. Phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng
70 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã bốn lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta) vào các năm 1974, 1979, 1984 và năm 1999. Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Huân chương Sao vàng quốc gia (Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Lào) ngày 18 tháng 12 năm 1984. Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia tặng thưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Huân chương Ăng-co (Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Campuchia) ngày 19 tháng 12 năm 1984.
Toàn quân có 47 tập thể và 14 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Sao vàng; 146 tập thể và 37 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 2.108 tập thể và 1.912 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 61 tập thể và 39 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động; 1.158 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập; 823.385 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương, Huy chương khác.
Trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, đã có hàng trăm đơn vị, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Tự do, Huân chương Anh dũng, Huân chương Lao động, Huân chương Hữu nghị và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng-co, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc vì đã lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ chiến đấu và công tác giúp bạn.
|