BGH, GV khối 2 dự chuyên đề Quận do cô giáo Nhật Ninh (TH Khương Đình) thực hiện
Chuyên đề Tiếng Việt Bài 24 (tiết 5): Viết đoạn văn tả đồ chơi
Qua tập huấn, BGH cùng giáo viên dạy lớp 2 đã nắm được những điểm mới, cấu trúc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 đã được đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022. Đồng thời, cán bộ quản lý, giáo viên đã nhiều đặt câu hỏi, tương tác và nhận sự hướng dẫn nhiệt tình từ chính những người biên soạn SGK, từ đó thống nhất nhận thức những vấn đề liên quan đến triển khai dạy học Tiếng Việt để giáo viên yên tâm, tự tin nắm chắc phương pháp, kĩ thuật dạy học bộ sách giáo khoanày.
Tiếng Việt 2 chú ý phát huy tính tích cực của HS trong học tập thông qua các hoạt động phù hợp với đặc điểm nhận thức và cách học của HS tiểu học. Những hoạt động này rất đa dạng, có tính chất và vai trò khác nhau trong quá trình học tập của HS, từ khởi động (giúp HS huy động những hiểu biết, trải nghiệm của các em để tiếp nhận bài học mới); đến luyện tập, vận dụng (giúp HS thực hành để phát triển các kĩ năng và vận dụng để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống của chính các em).
Sách Tiếng Việt lớp 2 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sông) tích hợp giữa các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe ở lớp 2 và kết nối với kĩ năng đọc, viết, nói và nghe mà HS đã đạt được ở lớp 1. Các nội dung học tập có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong từng bài học và giữa các bài học trong từng chủ điểm. Sự tích hợp trong Tiếng Việt 2 không chỉ thể hiện trên bình diện nội dung bài học mà còn thể hiện cả trên bình diện phương pháp và kĩ thuật dạy học. Nhiều hoạt động trong sách vừa có mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, vừa có mục tiêu phát triển một số năng lực chung như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Chẳng hạn, ở hoạt động đọc hiểu, HS có thể đóng vai để kể lại suy nghĩ, việc làm của nhân vật, để nói lại lời đối thoại của các nhân vật, để nêu nhận xét về nhân vật, sự việc. Trong nhiều bài học, HS còn được giao nhiệm vụ giải quyết một tình huống có thực (đơn giản) trong đời sống để các em tập vận dụng các kiến thức, kĩ năng mới được học vào giải quyết các vấn đề đặt ra với các em hàng ngày. Để giúp HS phát triển năng lực một cách phù hợp, yêu cầu dạy học phân hoá cũng được chú trọng trong Tiếng Việt 2. Nhiều nội dung thực hành, nhiều nhiệm vụ học tập tạo cơ hội cho HS có thể thực hiện bằng nhiều cách, hoàn thành ở nhiều mức độ, yêu cầu khác nhau tuỳ theo năng lực, sở trường của mỗi HS.