Tham dự Lễ tập huấn có Tiến sĩ Ngô Vũ Thu Hằng giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các đồng chí trong BGH cùng toàn thể Cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Nghề dạy học là một trong những nghề đào tạo ra con người có đức, có tài, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khác với một số nghề, đối tượng giáo dục của nghề dạy học là những con người có thế giới nội tâm phong phú, đa dạng về tình cảm, trí tuệ và nhân cách. Sự độc đáo về đối tượng hoạt động đã làm cho nghề dạy học trở lên phức tạp nhưng cũng rất quang vinh. Đúng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội xã hội chủ nghĩa. Các nghề trong chế độ ta đều sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần… Nghề dạy học là nghề sáng tạo bậc nhất vì nó sáng tạo những con người sáng tạo”. Một giáo viên giỏi không chỉ là người có chuyên môn tốt mà còn thành thạo những kĩ năng nghiệp vụ sư phạm, trong đó việc thực hiện tốt Kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng.
Để có kỹ năng giao tiếp tốt, giáo viên phải xây dựng nhân cách mẫu mực trong giao tiếp sư phạm: Giáo viên hàng ngày tiếp xúc với học sinh, mọi hành vi, cử chỉ, cách nói năng của thầy cô đều trực tiếp tác động vào học sinh. Do vậy, nhân cách của giáo viên phải là nhân cách mẫu mực cho học sinh noi theo. Biểu hiện của nhân cách mẫu mực là: Sự mẫu mực về trang phục, hành vi cử chỉ, hành vi ngôn ngữ nói phải thống nhất; Thái độ phù hợp với các phản ứng hành vi; Sử dụng hành vi ngôn ngữ phong phú, phù hợp với tình huống, nội dung và đối tượng giao tiếp. Việc rèn luyện nhân cách mẫu mực tạo ra uy tín đảm bảo thành công trong giao tiếp sư phạm. Tiếp đến, giáo viên phải tôn trọng nhân cách trong giao tiếp: Trong giao tiếp coi học sinh là con người với đầy đủ các quyền được vui chơi, học tập, lao động, bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội. Tôn trọng nhân cách học sinh, có thể quan sát các biểu hiện: Biết lắng nghe học sinh trình bày ý muốn, nguyện vọng của mình, không nên ngắt lời học sinh; Biết thể hiện các phản ứng biểu cảm của mình một cách chân thành với học sinh; Không dùng từ ngữ, câu xúc phạm đến nhân cách học sinh;Tránh những hành vi bộc phát, ngẫu nhiên khi tiếp xúc với học sinh;Trang phục gọn gàng, sạch sẽ,... Tôn trọng nhân cách học sinh chính là tôn trọng nhân cách giáo viên. Đặc biệt, giáo viên phải luôn có thiện chí trong giao tiếp: Nhiệm vụ của giáo viên là truyền đạt tri thức cho học sinh, với thiện chí của mình giáo viên đem hết tài năng, trí lực ra hướng dẫn học sinh. Thiện ý của giáo viên rõ nét nhất trong đánh giá, nhận xét học sinh khi làm bài. Trong trường hợp đặc biệt, giáo viên “tạm ứng niềm tin” để học sinh phấn đấu vươn lên. Thiện ý còn thể hiện trong việc giao công việc của lớp cho HS. Đôi lúc giáo viên còn phải làm “trọng tài” phân xử việc mất sách giáo khoa, mất tiền,…những trường hợp này đòi hỏi giáo viên phải có hành vi ứng xử hướng thiện và hành thiện. Giúp học sinh nhận thức rằng khi giáo viên trách phạt, phê bình, phạt lao động… đều xuất phát từ thiện ý tốt của thầy cô vì sự trưởng thành nhân cách học sinh. Một nguyên tắc nữa là giáo viên phải đồng cảm trong giao tiếp: Nguyên tắc này được hiểu là giáo viên biết đặt vị trí mình vào vị trí học sinh trong quá trình giao tiếp sư phạm. Nhờ có sự đồng cảm, giáo viên mới có biện pháp giảng dạy, giáo dcó hiệu quả. Đồng cảm là cơ sở hình thành mọi hành vi ứng xử nhân hậu, độ lượng, khoan dung đối với học sinh. Ngược với sự đồng cảm là cách giải quyết cứng nhắc theo nội quy mà áp dụng. Để thực hiện hành vi ứng xử với học sinh theo nguyên tắc này giáo viên phải quan tâm, tìm hiểu, nắm vững hoàn cảnh gia đình các em. Các nguyên tắc giao tiếp sư phạm trên bao giờ cũng thống nhất, tác động qua lại biện chứng nhau. Những nguyên tắc này nhằm hoàn thiện nhân cách giáo viên góp phần xây dựng, phát triển nhân cách học sinh.
Trong hệ thống giáo dục, giáo dục tiểu học có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Điều II Luật Phổ cập giáo dục đã nêu: “Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân…”. Đây là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục, đào tạo những cơ sở ban đầu cơ bản và bền vững cho trẻ tiếp tục học lên bậc học trên, giúp trẻ hình thành những cơ sở ban đầu, những đường nét cơ bản của nhân cách. Do vậy, giáo dục ở bậc tiểu học có tính chất đặc biệt, có bản sắc riêng, với tính sư phạm đặc trưng. Chính vì vậy việc đào tạo giáo viên tiểu học cần chú trọng đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp dạy học đặc thù ở tiểu học. Thứ nhất, đối tượng lao động trực tiếp của giáo viên tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 11 - 12. Đây là lứa tuổi có quy luật phát triển tâm lý riêng và đang tiềm ẩn những khả năng phát triển rất lớn. Do đó, người thầy phải có tình thương yêu, lòng tin và sự tôn trọng đối với trẻ em, đối xử công bằng, dân chủ và tế nhị trong cách ứng xử, mềm dẻo, nhưng cần phải kiên quyết. Thứ hai, lao động của giáo viên tiểu học tạo ra sản phẩm đặc biệt. Đó là nhân cách của mỗi trẻ em ngồi trên ghế nhà trường để tương lai họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Mặt khác, khoa học về sư phạm cũng đã khẳng định: Con người chỉ sinh ra con người, còn giáo dục mới sản sinh ra nhân cách. Thứ ba, sản phẩm lao động của giáo viên tiểu học gắn với tương lai của dân tộc. Do đó, trách nhiệm của giáo viên tiểu học là rất lớn. Mỗi giáo viên không chỉ chú ý đến mục tiêu của bậc học mà còn phải biết được những yêu cầu của xã hội đối với học sinh trong tương lai là chủ nhân của xã hội và đất nước. Thứ tư, muốn dạy học đạt kết quả cao, giáo viên tiểu học phải nắm vững quy luật tâm lí của học sinh tiểu học, quy luật giáo dục trẻ em để hình thành nhân cách các em theo mục tiêu của cấp học. Vì thế, lao động sư phạm của giáo viên tiểu học là khoa học đòi hỏi phải có sự kế thừa có chọn lọc, đồng thời sử dụng các khoa học khác nhằm làm cho hoạt động của mình có căn cứ và mang tinh thần khoa học. Thứ năm, công tác dạy học và giáo dục ở bậc tiểu học đòi hỏi người giáo viên phải khéo léo trong đối xử sư phạm, vận dụng các phương pháp dạy học và giáo dục vào từng tình huống và con người cụ thể, đòi hỏi người giáo viên phải văn minh trong hoạt động giao tiếp, tác động khoa học đến toàn bộ tâm lí học sinh. Thứ sáu, mỗi học sinh tiểu học là một nhân cách đang được hình thành, khả năng phát triển còn bỏ ngỏ, trong khi sự phát triển lại diễn ra rất nhanh chóng. Vì thế, lao động của giáo viên tiểu học không cho phép rập khuôn máy móc, mà đòi hỏi phải có nội dung phong phú, đi kèm với cách thức tiến hành linh hoạt và sáng tạo.
Lao động của giáo viên tiểu học là một loại hình lao động đặc thù mang tính “khai sáng” trong giai đoạn khởi đầu của con người, từng bước góp phần cải biến con người tự nhiên thành con người xã hội.
Muốn trở thành một nhà sư phạm khéo léo, tinh tế trong ứng xử, thành công trong việc giáo dục học sinh, giáo viên cần phải có hiểu biết và tôn trọng các nguyên tắc ứng xử sư phạm sau:
Thứ nhất: Tìm để hiểu một cách toàn diện, sâu sắc về từng học sinh. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý, tính cách, sở thích, thói quen…của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng.
Thứ hai: Luôn giữ được sự bình tĩnh cần thiết trước mỗi tình huống sư phạm. Bình tĩnh để tìm hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo nguyên nhân của mỗi tình huống để có cách xử lý đúng đắn, hợp tình, hợp lý. “Hiểu người để dẫn đạo người”, đó là phương châm cao quý của lao động sư phạm.
Thứ ba: Luôn có ý thức tôn trọng học sinh, kể cả những khi học sinh có vi phạm, lỗi lầm với bản thân nhà giáo. Hãy biết tự kiềm chế để không bao giờ có những lời nói, cử chỉ xúc phạm học trò. Ở tuổi này, lòng tự tôn của các em rất cao, “chỉ một lời nói nhục mạ sẽ làm tan nát tâm hồn con trẻ” (Xukhômsinxki).
Thứ tư: Luôn đặt mình vào địa vị của học sinh, vào hoàn cảnh của các em, cố gắng nhớ lại bản thân mình khi ở tuổi như các em để hiểu và thấu cảm. Hãy rút ngắn “khoảng cách thế hệ”, gần gũi và cảm thông chân thành, bao dung và độ lượng.
Thứ năm: Luôn biết khích lệ, biểu dương các em kịp thời. Đối với học sinh, thầy cô giáo nên ca ngợi những ưu điểm của họ nhiều hơn là phê bình khuyết điểm. Học sinh nào cũng thích được thầy cô giáo biểu dương, vì thế, chúng ta không nên tiết kiệm lời khen của mình. Hãy khen ngợi những ưu điểm, sở trường của các em để các em cảm thấy giá trị của mình được nâng cao, có hứng thú học tập. Nhưng cũng cần chú ý, trong khi khen cũng không quên chỉ ra những thiếu sót của học sinh để các em khắc phục, không ngừng tiến bộ.
Thứ sáu: Luôn thể hiện niềm tin vào sự hướng thiện của các em. Ngay cả khi các em mắc sai lầm, cũng phải tìm ra những ưu điểm, những mặt tích cực chứ không nên phê phán nặng nề. Đó chính là chỗ dựa, là nguồn khích lệ cho học sinh có động lực phát triển. Góp ý với học sinh về những thiếu sót cụ thể, việc làm cụ thể, với một thái độ chân thành và giàu yêu thương. Tuyệt đối không nêu những nhận xét chung chung có tính chất quy chụp và xúc phạm học sinh.
Thứ bảy: Luôn thể hiện cho học sinh thấy tình cảm yêu thương của một người thấy với học trò. Theo quy luật phản hồi tâm lý, tình cảm của thầy trước sau cũng sẽ được đáp lại bằng tình cảm của trò. Dùng lòng nhân ái, đức vị tha giáo dục, cảm hóa học trò sẽ luôn đạt hiệu quả cao.Trong mỗi tình huống sư phạm, người giáo viên cần phải bình tĩnh xem lại bản thân mình. “Nhân vô thập toàn”, nên hãy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu nhận ra sự thiếu sót, sai lầm của mình, hãy dũng cảm thừa nhận. Chắc chắn làm như thế, học sinh chẳng những không coi thường thầy cô mà còn rất cảm phục. Việc vận dụng các quy tắc cơ bản nói trên vào việc xử lý các tình huống sư phạm là nghệ thuật của mỗi nhà giáo.