Xác định tầm quan trọng của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, các thầy cô không chỉ hoàn thiện việc dạy kiến thức mà còn phải hướng đến việc tăng cường tổ chức cho học sinh trải nghiệm, hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Mỗi giáo viên phải tập trung cao độ, lĩnh hội, tích lũy các kiến thức, kĩ năng cần thiết để triển khai bộ sách đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chương trình tổng thể Ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 nêu rõ “Giáo dục toán học hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học với các thành tố cốt lõi: năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình học toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học, năng lực sử dụng các công cụ và phương tiện học toán; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn, giáo dục toán học tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn’’. Về phương pháp dạy học Toán, việc thực hiện dạy học phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh (đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó); Quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân học sinh; Tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạ o, trong đó học sinh được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề; Linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học truyền thống; Kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn. Về đánh giá kết quả giáo dục môn Toán, mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của học sinh trên cơ sở yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp học để điều chỉnh các hoạt động dạy học, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục môn Toán nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp với đánh giá của giáo viên các môn học khác, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp hoặc đánh giá của cha mẹ học sinh, đi liền với tiến trình hoạt động học tập của học sinh, bảo đảm mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập của học sinh. Việc đánh giá định kì là đánh giá kết quả giáo dục sau một giai đoạn học tập. Khuyến khích vận dụng kết hợp nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn,...); đồng thời hướng dẫn giáo viên lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp với từng thành phần năng lực toán học. Sử dụng đủ và hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đối với môn Toán. Coi trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thống, tăng cường thiết bị dạy học tự làm đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học. Khi có điều kiện, giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm thông tin, tư liệu trên Internet hoặc chương trình truyền hình có uy tín về giáo dục để mở rộng vốn hiểu biết và năng lực tự học.
Những đổi mới trong việc dạy môn Mĩ thuật theo CT GDPT 2018, chương trình được mở rộng về phạm vi đối tượng giáo dục, lần đầu tiên được thực hiện dạy – học ở cấp trung học phổ thông. Chương trình giáo dục cũ không giảng dạy môn mỹ thuật dành cho cấp Trung học phổ thông, điều này khiến cho học sinh cấp trung học phổ thông không có định hướng nghề nghiệp và rèn luyện kỹ năng liên quan đến nghệ thuật. Vì thế trong chương trình mới được xây dựng môn học này nhằm mục đích hướng nghiệp cho học sinh cấp 3. Bên cạnh đó, chương trình tập trung mục tiêu phát triển năng lực thẩm mỹ, cụ thể ở các năng lực thành phần đặc thù của môn học như: Quan sát và nhận thức thẩm mỹ, Sáng tạo và ứng dụng thẩm mỹ, Phân tích và đánh giá thẩm mỹ. Tiếp đó, chương trình tiếp cận nội dung dựa trên kiến thức cốt lõi của nghệ thuật thị giác; vừa đảm bảo dạy học tích hợp, vừa đảm bảo dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp; vừa là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa là môn học tự chọn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình xây dựng theo hướng mở, tạo điều kiện để tác giả sách giáo khoa và các cơ sở giáo dục cũng như giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo và tránh quá tải. Và chương trình chú trọng đổi mới phương pháp, vận dụng đa dạng hình thức, không gian học tập, các chất liệu, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng trong thực hành, sáng tạo. Thông qua lồng ghép thảo luận nghệ thuật và thực hành nghệ thuật, học sinh đồng thời vừa là “người sáng tạo nghệ thuật” vừa là “người thưởng thức nghệ thuật”.
Mong muốn thầy cô dạy học phát triển năng lực và tư duy sáng tạo của trẻ, tác giả bộ sách cũng khéo léo đưa vào buổi tập huấn những câu hỏi thú vị để thầy cô được trao đổi, thảo luận, từ đó hiểu một cách sâu sắc về nội dung đổi mới của bộ sách nhằm xây dựng các hoạt động dạy học phù hợp, giúp học sinh tiếp thu tốt hơn. Với mục tiêu cụ thể là “Mang cuộc sống vào trong bài học - Vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức từ bài học để ứng dụng vào trong cuộc sống”, cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Khương Mai thể hiện quyết tâm truyền tải thật tốt nội dung sách giáo khoa mới vào giảng dạy, ứng dụng tốt CNTT hướng tới chuyển đổi công nghệ số, sử dụng các phương pháp dạy học nhằm phát huy năng lực học sinh, coi người học là trung tâm để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Qua buổi tập huấn hôm nay, cán bộ quản lí, giáo viên đã nắm bắt được tổng quan về mục tiêu, nội dung, cấu trúc, yêu cầu cần đạt, phương pháp, cách khai thác sử dụng SGK Toán lớp 4 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) và Mĩ thuật (bộ Chân trời sáng tạo) để vận dụng linh hoạt vào thực tế giảng dạy tại trường trong năm học 2023 - 2024.