• Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhiều việc làm đã mang lại niềm tin cho xã hội về giáo dục
• Nhà trường tổ chức Lễ tổng kết năm học 2018-2019 và Lễ ra trường cho học sinh khối 5 niên khóa 2014-2019
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức... Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội và một số đơn vị, sở, ngành.
9 nhóm giải pháp chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đây cũng là năm toàn ngành bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Năm học 2018 – 2019, các địa phương đã chủ động rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn, sáp nhập các trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ thành trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Do vậy, số lượng trường học cũng có sự thay đổi so với năm học trước. Cụ thể, cả nước có 15.384 trường mầm non, 13.959 trường tiểu học, 10.898 trường THCS, 2.836 trường THPT và 237 trường đại học. So với năm học 2017 – 2018, số trường tiểu học giảm 978 trường và THCS giảm 41 trường. Số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT đều giảm so với năm học 2017 – 2018, cụ thể cả nước có 322.390 giáo viên mầm non, 391.256 giáo viên tiểu học, 294.115 giáo viên THCS và 140.734 giáo viên THPT.
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở giáo dục phổ thông được nâng cao. Việc triển khai chương trình, SGK mới được tích cực thực hiện. Kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2019 đạt 94,06%. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh triển khai hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên.
Ngoài ra, ngành GDĐT cũng đã đạt được một số kết quả như: Khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, các hệ thống trực tuyến bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm được hoàn thành. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực, hiệu quả đánh giá đúng chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục.
Bộ GDĐT cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại như: Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số địa phương vẫn còn bất cập; tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống; còn để xảy ra sai phạm trong khâu chấm thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương.
Năm học 2019 – 2020, ngành GDĐT đề ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. 9 nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, đồng thời triển khai chương trình SGK giáo dục phổ thông mới; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận định cụ thể về kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, cũng như vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Một số giải pháp lớn được Thủ tướng nêu ra, trong đó có việc địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông. Địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học. Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy. Các cơ sở giáo dục Đại học phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục ĐH kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh…
Điểm cầu UBND Thành phố Hà Nội
Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý ngành giáo dục cần quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình – nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng đồng thời đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể cùng phối hợp để làm tốt công tác này.
Hà Nội: một số mô hình trường học được đánh giá cao
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nêu một số kết quả thành phố đã đạt được trong thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp trọng tâm Bộ GDĐT đã đề ra trong năm học 2018-2019.
Theo đó, thành phố quan tâm rà soát mạng lưới các trường học, tập trung xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của ngành. Năm học 2018-2019, Hà Nội đầu tư xây dựng 70 trường học mới, sửa chữa 387 trường với tổng kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng; tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện các trường học.
“Thành tích của học sinh Thủ đô đạt được qua các kỳ thi quốc gia, quốc tế được nâng cao về chất lượng, số lượng. Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với 197 giải và huy chương các loại ở trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Ngoài ra, thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp và kỳ thi THPT quốc gia; triển khai chương trình hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học; thực hiện tuyển sinh trực tuyến mầm non, tiểu học và THCS, đáp ứng tính minh bạch trong công tác tuyển sinh của thành phố; thực hiện tốt đề án “Sữa học đường”, với tỷ lệ học sinh tham gia đạt 87,7% (khu vực công lập đạt 92,5%); quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh…
Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành hướng dẫn để các địa phương thực hiện việc quy hoạch trường phổ thông theo Luật Quy hoạch mới; xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện tốt hướng nghiệp bậc phổ thông và có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Tại hội nghị, một số mô hình giáo dục mới tại Hà Nội như mô hình trường công lập tự chủ tài chính của trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và nêu ra tại Hội nghị.