Sự kiện được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GDĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở GDĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Điểm cầu Hà Nội trong cuộc đối thoại Bộ trưởng GDĐT với 1 triệu nhà giáo
Bộ trưởng Bộ GDĐT chủ trì sự kiện. Tham gia sự kiện có lãnh đạo Bộ GDĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GDĐT; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các Phòng GDĐT địa phương.
Theo chương trình, sáng ngày 15/8, Bộ trưởng gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Cuộc gặp này ghi nhân có hơn 700.000 nhà giáo trên cả nước tham gia tại các điểm cẩu.
Phát biểu mở đầu cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự rất hồi hộp, căng thẳng Trải lòng trước buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ông hồi hộp vì "chưa làm điều này bao giờ" - đứng trước gần 1 triệu nhà giáo.
Bộ trưởng chia sẻ: "Có người khuyên tôi không nên tổ chức sự kiện này vì nhỡ không trả lời được hết ý kiến, mọi người sẽ thất vọng thì sao, hay "nhỡ miệng" thì sao. Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và tôi vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này".
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cuộc gặp không phải là việc đối thoại giữa cấp quản lý với người lao động, "mà gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu mở đầu
Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục đang có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể. Để làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được.
Cuộc gặp không thể trả lời hết các ý kiến trao đổi nhưng Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các cục, vụ phân tích các ý kiến gửi đến để có cách trả lời theo các nhóm vấn đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách.
Nhiều quan tâm về chính sách cho nhà giáo
Tại buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến liên quan đến chính sách nhà giáo được đề cập như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường…
Chia sẻ những khó khăn của đội ngũ giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên tỉnh Tiền Giang cho hay: Mỗi giáo viên khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đều quyết tâm đến với nghề và tận tâm cho công việc. Với những nhiệm vụ nặng nề khó khăn đội ngũ luôn cố gắng vượt qua, không ngừng trau dồi, học hỏi, để nâng cao trình độ, tổ chức các phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao hơn nhưng với mức lương hiện nay, đội ngũ giáo viên không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, mức lương hiện tại không đủ thu hút đội ngũ trẻ, gắn bó với nghề. Do đó, cô giáo Nguyễn Thị Duyên mong rằng, trong thời gian sớm nhất, Bộ GDĐT sẽ có những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh thu nhập cho đội ngũ giáo viên.
Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm công tác trong giáo dục mầm non tại tỉnh Hậu Giang, cô giáo Lý Thị Trinh Nguyên chia sẻ: Trong thời gian qua, có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến lương, phụ cấp cho nghề giáo với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các ngành nghề, thu nhập của giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Trong khi đó, lao động giáo viên mầm non mang nhiều tính chất đặc thù như thời gian lao động kéo dài, trung bình ngày làm việc từ 10-12 giờ. Công việc giáo viên mầm non là vừa nuôi, vừa dạy trẻ, chú ý, chăm sóc quan tâm từng trẻ, áp lực nặng nề. Do đó, những chính sách, ưu đãi về nghề giáo nói chung, giáo viên mầm non nói riêng cần sớm được thực hiện. Đây cũng là một trong những giải pháp tác động trực tiếp tránh được tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc như hiện nay.
Toàn cảnh cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ GDĐT với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành
Tại điểm cầu trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đề cập đến vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong các trường học cô giáo Trần Thị Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Đối tượng nhân viên làm trong ngành giáo dục tuy ít, nhưng mỗi vị trí đều đóng vai trò quan trọng trong nhà trường, nếu thiếu vị trí nào thì hoạt động đơn vị sẽ gặp không ít khó khăn. Thực trạng hiện nay, mức thu nhập của những nhân viên này còn quá thấp, gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống.
Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, giáo viên mầm non làm công việc nặng nhọc, chịu nhiều áp lực, tuy nhiên mức lương hiện nay chưa tương xứng. Mặc dù Đảng, Chính phủ đã quan tâm bằng các chính sách trong thời gian qua nhưng đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.
Bộ GDĐT cũng đã có những đề xuất Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành về việc tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó, lưu ý nhất đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên chiếm 70% công chức, viên chức thì chính sách điều chỉnh cần có tính toán nguồn lực, có những giải pháp căn cơ để thực hiện sớm điều này vì đây cũng là một trong những bù đắp cho đội ngũ giáo viên hiện nay.
Về chế độ của nhân viên trường học, Bộ trưởng cho rằng: Dù là một phần quan trọng trong cơ sở giáo dục, nhưng phải xác định nhân viên trường học thu nhập sẽ thấp hơn so với nhà giáo và không được hưởng một số phụ cấp, như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên bởi các đặc thù công việc khác nhau. Bộ GDĐT đang có kiến nghị tăng một số vị trí việc làm; thống nhất cần biện pháp kiến nghị để tăng lương, thu nhập cho nhóm này. Tuy nhiên, ngành Giáo dục không thể tự quyết vấn đề lương mà cần phải làm việc với các bộ ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cấp cao hơn.
Giáo viên nêu lên thực tế khó khăn trong công tác
Đối với những chính sách cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT nhận định: Chúng ta cần kiên trì kiến nghị. Ngoài ra, bản thân các trường học, các nhân viên trường học, các nhà giáo cũng cần có kiến nghị, lên tiếng nhiều hơn nữa để thuận lợi cho việc đề xuất, ban hành các chính sách mang tính đặc thù nghề nghiệp.
Trước ý kiến của một số giáo viên về việc hiện có quá nhiều cuộc thi các Bộ, ngành, địa phương tổ chức dẫn tới áp lực cho giáo viên, Bộ trưởng đã có những chia sẻ cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh các cơ sở giáo dục có quyền quyết định tham gia hay không các cuộc thi không bắt buộc, trên tinh thần không gây chồng chéo, áp lực cho nhà giáo.
Dự kiến điều chỉnh tích cực với môn học tích hợp
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những vấn đề nhận được nhiều trao đổi tại cuộc gặp gỡ; trong đó nhiều điểm tích cực của chương trình từ thực tế triển khai được giáo viên chia sẻ, những băn khoăn cũng đã được trao đổi và được Bộ trưởng giải đáp.
Cô Hoàng Hải Vân (Khánh Hòa) cho hay: Nội dung chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở. Đây là điều kiện và cơ hội thuận lợi để giáo viên có thể tìm tòi phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Đặc biệt là triển khai các hình thức hoạt động nhóm, giao nhiệm vụ giúp học sinh có thể tiếp cận được với công nghệ thông tin, được thể hiện nhiều hơn và phát huy được tính tích cực, chủ động. Đây là những phẩm chất cần thiết cho học sinh trong tương lai.
Những môn học, hoạt động mới, đặc biệt là hoạt động Trải nghiệm hướng nghiệp giúp cho không gian học tập của học sinh được mở rồng, không bó hẹp trong một phòng. Thông qua hoạt động trải nghiệm học sinh được tham quan những cơ sở, địa điểm làng nghề, di tích, thắng cảnh… của địa phương; cung cấp kiến thức thực tế, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải đáp chia sẻ của thầy cô
Bài kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng mở, phù hợp với các đối tượng, mức độ nhận thức bằng nhiều hình thức: trắc nghiệm, tự luận, dự án… giảm áp lực học tập, tăng cường học sinh phát huy năng lực, năng khiếu. Quy định về đánh giá xếp loại học sinh có nhiều ưu điểm, giảm áp lực cho học sinh.
Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả. Do đó, cô Hoàng Hải Vân mong Bộ trưởng có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp.
Các vấn đề như chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên bồi dưỡng dạy học tích hợp; lựa chọn sách giáo khoa dạy học; chuyển trường cho học sinh; phương án tuyển sinh lớp 10; thi tốt nghiệp THPT năm 2025…cũng được các giáo viên đề cập và trao đổi tại buổi gặp gỡ.
Lắng nghe, ghi nhận và trao đổi những vấn đề liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Triển khai Chương trình GDPT mới, việc dạy, học các môn tích hợp, liên môn chính là điểm mới của chương trình. Đây là các môn học nhằm phát triển năng lực của học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai cùng là điểm nghẽn, điểm khó nhất của chương trình. Các địa phương, vùng miền nhất là vùng sâu, vùng xa kể cả đã được bồi dưỡng, tập huấn thì vẫn còn nhiều khó khăn.
Đề có những điều chỉnh theo hướng tích cực, tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở và sẽ cân nhắc để việc điều chỉnh với các môn tích hợp không gây xáo trộn lớn, nhất là ảnh hưởng đến những giáo viên được đào tạo dạy môn tích hợp đã chuẩn bị trong thời gian qua.
Về phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ trưởng cho biết dự thảo phương án tổ chức đã được đăng tải, lấy ý kiến của giáo viên và người dân. Về cơ bản sẽ có những điều chỉnh về nội dung và cách thức tổ chức để phù hợp với chương trình 2018. Phương án sẽ được công bố theo kế hoạch vào quý IV năm nay.
Phát huy vai trò tư vấn tâm lý tại trường học
Một trong những vấn đề nhức nhối của toàn ngành giáo dục là bạo lực học đường và văn hóa trường học được các giáo viên trao đổi tại cuộc gặp gỡ với mong muốn đưa đến những giải pháp giải quyết, ngăn chặn triệt để.
Cô Bùi Thị Thanh Huệ (Thái Bình) chia sẻ: Hiện nay trong các nhà trường, một số học sinh chưa thực sự chăm ngoan do các điều kiện khách quan mang lại như hoàn cảnh gia đình, tiếp xúc nhiều trang mạng xã hội không lành mạnh, không làm chủ được cảm xúc dẫn đến xảy ra tình trạng bạo lực học đường.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bình Khiêm (Hà Nội) cho rằng: Vấn đề nổi cộm và kéo dài trong các trường học hiện nay mà được cả xã hội quan tâm là bạo lực học đường và lối sống của thanh thiếu niên trong thời đại kinh tế, xã hội phát triển.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa (Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội) phát biểu trao đổi ý kiến
Tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tâm lí học đường được đưa vào nhà trường và có vai trò quan trọng, cần thiết. Tại đây, các giáo viên được đào tạo về tâm lý học đường, bồi dưỡng kỹ năng xử lý những vấn đề của học sinh để xử lý tối đa, giảm thiểu tình trạng bạo lực diễn ra trong nhà trường, dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, thầy Nguyễn Văn Hòa đề nghị, cần có biên chế cho vị trí tham vấn tâm lý trong các trường học và các giáo viên phải được bồi dưỡng, tập huấn về tâm lý học đường. Điều này mới giải quyết được những vấn đề căn cơ, lâu dài cho tình trạng bạo lực học đường hiện nay.
Nhận định bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GDĐT đã giao cho các đơn vị chuyên môn, nghiên cứu, đánh giá để có những giải pháp ngăn chặn, giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, ngăn chặn bạo lực học đường diễn ra là trách nhiệm của toàn xã hội, trước tiên là tại các cơ sở giáo dục.
Phân tích từ các nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường thì tỉ lệ cao những học sinh mắc phải thường có những hoàn cảnh đặc biệt. Do đó cần có nhiều giải pháp, trong đó sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhà trường phải chủ động nắm bắt hoàn cảnh của học sinh để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn tâm lý trong nhà trường, nâng cao vai trò, tương tác của giáo viên chủ nhiệm, kỹ năng xử lý các vụ việc…
Nhà giáo là tài sản quý giá nhất của ngành; Bộ GDĐT sẽ làm mọi việc có thể nâng cao vị thế nhà giáo
Chia sẻ cuối buổi gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc tới vinh dự cũng như áp lực khi đảm nhận trọng trách Bộ trưởng và thuận lợi quan trọng khi có hơn 1 triệu đồng nghiệp, những nhà giáo bên cạnh.
Bộ GDĐT sẽ làm mọi việc có thể nâng cao vị thế nhà giáo
“Từ khi nhận nhiệm vụ vào đầu năm 2021, tôi đã mong muốn một ngày có thể gặp mặt rộng rãi toàn thể giáo viên trong ngành để cùng nhau chia sẻ, trao đổi về công việc của chúng ta. Vì tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo. Chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ quyết định chất lượng đổi mới của ngành giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.
Gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể nhà giáo đã ủng hộ cho cá nhân Bộ trưởng, ủng hộ cho lãnh đạo Bộ trong việc triển khai các chủ trương, đường lối, ủng hộ cho các quyết sách của lãnh độ Bộ trong suốt thời gian vừa qua; cảm ơn các nhà giáo đã vượt lên khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ để giáo dục đạt được những kết quả khả quan, Bộ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương các nhà giáo, các thầy cô vì những đóng góp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn vừa đảm bảo dạy học bình thường, vừa chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng khẳng định: Lãnh đạo Bộ GDĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.
“Có những việc đã làm đươc, chưa làm được, có thể không làm được nhưng trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi và các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý ở Bộ thì luôn luôn đau đáu. Tại các diễn đàn lớn nhỏ, hễ có cơ hội là chúng tôi bày tỏ các kiến nghị để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhà giáo”, Bộ trưởng nói.
Gửi tới giáo viên cả nước những mong mỏi, Bộ trưởng nhắc tới đầu tiên là “Chúng ta cần thực hiện thật tốt chương trình giáo dục 2018. Cần coi đây là cơ hội, là phương thức để chúng ta đổi mới toàn diện. Thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất”.
Nhấn mạnh “những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới”, Bộ trưởng cho rằng: Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. “Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”.
Bộ trưởng cũng nhắc tới sự thay đổi trong từng môn học để việc đổi mới đạt được chiều sâu, thực chất. Đồng thời nhấn mạnh tới sự thay đổi về quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn trước việc dạy học phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, sách giáo khoa là chỗ dựa dẫn tới bị khuôn hẹp, bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào sách giáo khoa. Nhưng sự thay đổi lớn lần này là chương trình là thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, sách giáo khoa là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của giáo viên.
Sự kiện là dịp để đội ngũ nhà giáo cả nước trao đổi tâm tư, nguyện vọng
Đề cập tới đội ngũ hiệu trưởng với vai trò là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới ở cơ sở giáo dục, Bộ trưởng cho rằng: Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. “Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Cho nên mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ góc độ truyền thông để phụ huynh, xã hội chia sẻ, thấu hiểu với ngành, Bộ trưởng mong rằng, 1,6 triệu nhà giáo cần nói được công việc mà mình đang làm, cần thể hiện được những gì đã cố gắng, nói thật rõ những gì đang vướng, những gì cần chia sẻ. “Với các xấu trong nội bộ chúng ta có thể lên tiếng để chống, với các tốt, cái được trong ngành chúng ta cần nói rõ. 1,6 triệu người nói sẽ có hiệu quả hơn là riêng Bộ trưởng nói”.
Về những việc Bộ GDĐT sẽ làm cho nhà giáo trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết: Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại cho chúng ta những chuyển biến tích cực về thể chế. Ngoài ra, cũng sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Bộ GDĐT cũng đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai. Đang có sử đổi trong Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp. Có rất nhiều việc đang làm để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo. Bao gồm cả chính sách thi đua khen thưởng. Đang làm mọi việc để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, phát triển hệ thống các trường sư phạm.
“Điều cuối cùng cũng là thông điệp tôi muốn nói với các thầy, các cô hôm nay. Đó là: Chúng ta cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta. Chúng ta cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.
Có một người nổi tiếng đã từng nói “thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, hiện giờ chúng ta đang muốn thay đổi thế giới, điều trước tiên là phải làm cho các thầy cô giáo hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trước hết từ ta, do chúng ta. Chúng ta cần bước ngay vào hành trình cùng làm cho chúng ta hạnh phúc; trường học với các học trò thân yêu và hạnh phúc của chúng ta đang chờ ở nơi đó”, Bộ trưởng chia sẻ.