• Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020
*Cấp học Mầm non:
Năm học 2018-2019, giáo dục mầm non Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Quy mô mạng lưới trường lớp phát triển với 583/584 phường xã có trường mầm non công lập. Tổng số trường mầm non là 1.145 trường, trong đó công lập 776 trường; dân lập, tư thục 369 trường (tăng 43 trường so với cùng kỳ năm trước, công lập tăng 11 trường, ngoài công lập tăng 32 trường). Có 7 trường mầm non chất lượng cao. Tổng số nhóm, lớp mầm non là 23.079 nhóm, lớp tăng 788 nhóm, lớp so với cùng kỳ năm trước. Tổng số trẻ ra lớp là 584.200 trẻ, trong đó trẻ mẫu giáo đạt 99,3%; trẻ 5 tuổi đạt 100%. Đã huy động được 78% trẻ khuyết tật học hòa nhập, can thiệp sớm. 100% xã, phường đạt và duy trì tốt kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị của cấp học mầm non
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ tiếp tục được quan tâm chú trọng. 100% trường MN thực hiện xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trong năm học trẻ an toàn, không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Các trường MN rà soát yếu tố nguy cơ gây mất an toàn, xây dựng thiết kế khung cảnh sư phạm thân thiện sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn, tận dụng diện tích tạo sân vườn sinh thái, 50% diện tích sân vườn là sân cỏ, quy hoạch cây xanh bóng mát, cây ăn quả, vườn rau, cung cấp phần lớn rau an toàn cho trẻ trong bữa ăn.
Năm 2018, cấp học có 51/34 trường MN đạt CQG được công nhận mới, đạt 150% kế hoạch, công nhận lại 37/38 trường. Tính đến nay, tổng số trường MN công lập đạt CQG là 438 trường, đạt 56,3%, toàn cấp học MN gồm cả trường ngoài công lập là 458 trường, đạt 40%, trong đó có 32 trường CQG mức độ 2.
Năm học vừa qua, Thành phố đã cấp ngân sách thực hiện công tác bồi dưỡng cho 100% đội ngũ CBQL, GV chuyên đề “Tiếp cận học qua chơi và đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục lĩnh vực phát triển ngôn ngữ”, “Tiếp cận học qua chơi và đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục lĩnh vực phát triển thẩm mỹ”. Hoàn thành tập huấn chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên MN mới cho đội ngũ. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CBQL đạt chuẩn đào tạo 100%, trong đó trên chuẩn 98,7%; 99,9% giáo viên đạt chuẩn đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt tỷ lệ 64% (tỷ lệ trên chuẩn giáo viên tăng 5% so với cùng kỳ năm trước).
Năm học 2019-2020, với chủ đề năm học là “Tăng cường quản lý nhà nước, chấp hành các quy định của pháp luật” và “Kỷ cương trong quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục”, cấp học mầm non đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua; Quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất hướng tới chuẩn hóa, hiện đại hóa; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; Xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL và giáo viên mầm non; Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; Quan tâm đến công tác xã hội hóa, hội nhập quốc tế và tăng cường công tác truyền thông về giáo dục mầm non.
Ghi nhận những kết quả mà bậc học mầm non đã đạt được trong năm học vừa qua, TS Chử Xuân Dũng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đề nghị, năm học 2019-2020, phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương rà soát mạng lưới trường lớp, nắm chắc số trẻ trong độ tuổi, không để tình trạng các lớp học bị quá tải. Các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm học phù hợp với tình hình đơn vị, địa phương, phù hợp với tình hình thực tế để có tính khả thi, tránh việc xây dựng kế hoạch chung chung, phòng GDĐT có trách nhiệm duyệt kế hoạch năm học của các nhà trường; Tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tổ chức rà soát tất cả các hoạt động, quy trình đảm bảo an toàn trong khâu quản lý chăm sóc trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng phải được đặt lên hàng đầu.
Đồng chí cũng đề xuất các địa phương tổ chức lắp camera cho các nhà trường, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra sự cố; Các cơ sở giáo dục mầm non có triển khai hoạt động dạy tiếng Anh cho trẻ lưu ý đến chất lượng chương trình.
CBGV cần giữ gìn hình ảnh của mình trong việc chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, trong việc giao tiếp ứng xử với người dân, cha mẹ học sinh; Các nhà trường giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan sư phạm, quan tâm xây dựng Ban chỉ đạo truyền thông của đơn vị mình để thông tin một cách đầy đủ chính xác, minh bạch giúp cha mẹ học sinh hiểu hơn về các hoạt động của nhà trường. Chia sẻ, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục để toàn xã hội được biết.
* Cấp Tiểu học:
Năm học 2018 – 2019, Hà Nội có 764 trường tiểu học với gần 738,5 nghìn học sinh. Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy – học tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập và đạt các tiêu chí về năng lực và phẩm chất đều đạt cao. Chủ động, tích cực trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Số học sinh được học 2 buổi/ngày tiếp tục tăng (đạt 94,74%). Công tác bán trú được quan tâm góp phần đảm bảo sức khỏe, sự yên tâm của cha mẹ học sinh về con em mình. Chú trọng công tác giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị
Các trường tiểu học của Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện Đề án Sữa học đường. 100% trường tiểu học công lập trên địa bàn thành phố và hầu hết các trường ngoài công lập đã tham gia đề án. Tỷ lệ học sinh tiểu học đăng ký tham gia chương trình này tính đến tháng 5/2019 là 92%.
Năm học mới 2019 – 2020, nhiệm vụ chung của cấp tiểu học là duy trì vững chắc và củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cao chất lượng xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển quy mô trường, lớp, học sinh và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, công tác bán trú; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, truyền thông và phần mềm điện tử trong công tác quản lý, dạy – học và đánh giá học sinh.
Cụ thể, trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT và căn cứ khung thời gian năm học, các phòng GDĐT, các trường tiểu học chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương: Đối với trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày thì thời lượng tối đa là 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/tuần; đối với trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày thì tiếp tục thực hiện theo công văn 8750 của Sở GDĐT Hà Nội ngày 3/9/2009, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch học 2 buổi/ngày trên cơ sở đảm bảo thời lượng tối thiểu có 1 tiết/ngày học sinh tự học có hướng dẫn; Đối với các lớp dạy học trên 5 buổi/tuần thì căn cứ vào hướng dẫn học 2 buổi/ngày của Sở, các trường chủ động lập kế hoạch dạy học cho các khối, lớp, đảm bảo phù hợp thực tế.
Ngành GDĐT Hà Nội cũng đã đề ra những nhiệm vụ mà cấp tiểu học cần làm để chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT đối với cấp Tiểu học.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Chử Xuân Dũng -Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các trường tiểu học trong toàn thành phố thực hiện nghiêm chủ đề công tác năm của Thành phố: "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Năm học 2019 – 2020 cũng là năm học kỷ niệm 65 năm thành lập ngành GDĐT Thủ đô vì vậy các trường cần xây dựng kế hoạch với những hoạt động thiết thực, trong đó tập trung vào một số điểm như: Nghiêm túc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị dạy và học. Phân tuyến tuyển sinh hợp lý, nghiêm túc hạn chế tuyển sinh trái tuyến; Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cụ thể là rà soát toàn diện, đầy đủ các hoạt động hiện có tại cơ sở giáo dục, đảm bảo quy trình hoạt động chặt chẽ để đảm bảo an toàn trường học, đồng thời từng cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học cho đơn vị mình, phát huy tối đa nguồn nhân lực và lợi thế của trường. Đặc biệt, quản lý tốt công tác dạy thêm học thêm (cấp tiểu học không có dạy thêm học thêm. Hiệu trưởng trường nào để dạy thêm học thêm không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm về công tác quản lý).
Giám đốc Chử Xuân Dũng cũng lưu ý các trường Tiểu học quan tâm đến việc phân công giáo viên dạy lớp 1. Đây là lớp đầu tiên của cấp tiểu học và có vai trò quan trọng trong hành trình học tập của học sinh nên các trường cần phải bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết, trách nhiệm.
* Cấp THCS:
Trên địa bàn thành phố hiện có 628 trường THCS với hơn 450.000 học sinh và 22.000 giáo viên. Theo đánh giá của Sở GDĐT Hà Nội năm học 2018-2019, các trường THCS trên địa bàn thành phố đã có nhiều cố gắng triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đạt kết quả toàn diện. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá đạt 99%, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi và khá đạt gần 78%. Việc dạy học 2 buổi/ngày được triển khai ở những trường có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ. Theo đó, toàn thành phố có 168 trường THCS có 100% số lớp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ 27%. Ngoài ra còn nhiều trường có một số lớp dạy học 2 buổi/ngày. Tổng số học sinh được học 2 buổi/ngày của toàn thành phố đạt 32%, tăng 4% so với cùng kỳ năm học trước. Trong năm học 2018-2019, học sinh các trường THCS của thành phố Hà Nội đã tham dự 4 kỳ thi cấp quốc tế, đạt 129 huy chương và giải thưởng.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị
Năm học 2019-2020, Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn thành phố tập trung tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đẩy mạnh việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Sở GDĐT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh; tổ chức dạy tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông” cho học sinh lớp 6 trên địa bàn thành phố; hoàn thành việc thí điểm và chuẩn bị các điều kiện để triển khai dạy học đại trà tài liệu này cho học sinh lớp 7, 8, 9 từ học kỳ II năm học 2019-2020.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, TS Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các quận, huyện làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Cụ thể, các Trưởng phòng GDĐT cần xác định vai trò, trách nhiệm của mình và làm tốt vai trò tham mưu với địa phương trong việc phát triển giáo dục. Quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa, dự báo, đáp ứng đổi mới chương trình SGK.
Về công tác quản lý giáo dục, phòng GDĐT cần tổ chức thành mạng lưới quản lý đến từng trường. Các phòng giao ban hàng tháng tới từng cấp học, tránh hình thức, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và tìm ra các giải pháp khắc phục. Ban giám hiệu các trường cần gương mẫu, trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của ngành, thực hiện quy chế dân chủ, ứng xử công khai, minh bạch, bao dung với giáo viên, nhân viên. Đồng thời, các nhà trường cũng cần làm tốt công tác truyền thông, chủ động thông tin truyền thông cho xã hội hiểu được việc làm của các nhà trường, các kết quả mà đơn vị mình làm được. Mỗi nhà trường cần có ý thức trong việc xây dựng hình ảnh của nhà giáo và nâng cao vị thế của nhà trường.
Giám đốc Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các trường nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với địa phương, có tính khả thi để nâng cao chất lượng. Phòng GDĐT thường xuyên kiểm tra các trường công lập và ngoài công lập. Trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cần huy động chất xám của Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn. Các trường cũng cần quản lý nghiêm việc dạy thêm, học thêm, tránh để xảy ra tình trạng biến tướng như giáo viên đưa học sinh của mình học thêm ở trung tâm do các cô dạy.
* Cấp THPT:
Năm học 2018 – 2019, giáo dục THPT Hà Nội có nhiều bước phát triển cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Số bài thi đạt điểm giỏi (điểm thi đạt từ 8,0 điểm trở lên) là 46.569/401.412 bài thi, chiếm tỷ lệ 11,6%. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố là 96,18% (không tính thí sinh tự do), trong đó THPT đạt 97,60%, GDTX đạt 83,68%; có 70 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, trong đó có 41 trường THPT công lập, công lập tự chủ và 29 trường THPT ngoài công lập.
Toàn cảnh hội nghị
Học sinh THPT của Hà Nội đã giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019 (với 11 giải Nhất); 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019 (trong đó có 03 đề tài đạt giải Nhất). Mới đây nhất, các em đã giành giải Nhất toàn đoàn khi tham gia Kỳ thi Olympic Quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA) 2019 được tổ chức tại Hungary với 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Đáng lưu ý, học sinh Nguyễn Mạnh Quân đã đạt HCV với số điểm tuyệt đối và cao nhất trong tất cả các thi sinh đến từ 46 quốc gia.
Năm học 2019 – 2020, cấp THPT tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lí giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục; nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cá nhân thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt chức năng giám sát của xã hội và kiểm tra của cấp trên. Một nhiệm vụ chung nữa của cấp THPT là tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực HS; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của HS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đồng thời, cấp học này sẽ đẩy mạnh triển khai “Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GDPT giai đoạn 2018-2025".
Trong năm học mới, các trường THPT cũng sẽ tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GDĐT về đổi mới chương trình SGK GDPT; tổ chức cho toàn thể CBQL, GV nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung của chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT năm 2018 phù hợp với kế hoạch của Sở GDĐT.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2010 cấp THPT được tổ chức tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng lưu ý các trường THPT cần tập trung nâng cao chất lượng đại trà các môn văn hoá. Cụ thể là phải xây dựng kế hoạch dạy học cho riêng trường mình. Hiệu trưởng tham gia hoạt động chỉ đạo, điều hành chuyên môn, quản lý chặt chẽ nghiêm túc về chuyên môn, có hướng giúp đỡ học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, đầu tư thêm các thiết bị dạy học để hỗ trợ giáo viên thực hiện hiệu quả các giờ dạy; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và học liệu điện tử cho học sinh; bồi dưỡng cho giáo viên thông qua sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh (thông qua việc giảng dạy hiệu quả các Bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh, giáo dục an toàn giao thông, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc ứng xử của cán bộ công chức).
Giám đốc Sở cũng đề nghị thực hiện tốt công tác quản lý, quản trị nhà trường. Các trường tổ chức rà soát nghiêm túc các hoạt động đang diễn ra tại trường xem hoạt động đó cần điều chỉnh, bổ sung các bước quản lý nào cho chặt chẽ, hiệu quả theo tinh thần hướng đến người học.