Sau thời gian thực hiện TT22 giáo viên đã quen dần với cách chọn câu từ, lời lẽ để nhận xét phù hợp với sức học của từng học sinh. Trong một tiết học số lượng học sinh được nhận xét nhiều hơn, đồng thời giáo viên cũng hướng dẫn học sinh tự nhận xét lẫn nhau. Từ khi thực hiện TT22 những học sinh có sức học chậm không bị áp lực, tự ti, một mặt nào đó các em được khích lệ và động viên, giúp các em có hướng phấn đấu, vươn lên trong học tập thông qua lời nhận xét động viên của giáo viên. Đánh giá theo TT22, không có sự phân biệt học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu, học sinh không bị mặc cảm, áp lực về điểm số. Giaos viên kịp thời phát hiện tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những hạn chế để hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập. Tâm lý lo lắng của phụ huynh không còn nữa và đã quen dần với cách giáo viên nhận xét vào bài làm của con em mình. Sự phối hợp của phụ huynh với giáo viên đã giúp cho học sinh học tập ngày càng tiến bộ hơn.
Một điểm mới trong TT22/BGD khi thực hiện, giáo viên đánh giá học sinh thường xuyên qua từng bài học, tiết học, mỗi hoạt động, bài kiểm tra, vở viết hàng ngày của học sinh. Lời nhận xét thường xuyên, giáo viên ghi vào vở, đặc biệt quan tâm nhận xét các học sinh chưa đạt và trong lời nhận xét ấy, giáo viên đã ghi rõ những mặt được và chưa được của học sinh, ghi ra những biện pháp khắc phục, những hạn chế của học sinh. Giáo viên có những lời khen, lời động viên kịp thời giúp học sinh tiến bộ. Giáo viên nhận xét bằng lời nói ngay tại các bài học, tiết học. Việc thực hiện ghi hồ sơ sổ sách: Giáo viên thực hiện sổ theo dõi chất lượng qua mạng điện tử và có cập nhật thường xuyên; giáo viên nhận xét hàng tháng, giữa kì và cuối mỗi học kì, gửi về cho PHHS qua phần mềm Pino (Sổ liên lạc điện tử dành cho PHHS); Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục giáo viên cập nhật vào giữa và cuối mỗi học kì, được lưu giữ tại bộ phận chuyên môn nhà trường và văn phòng.
Theo PGS. TS. Nguyễn Công Khanh – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí, Trường ĐHSP Hà Nội khẳng định: “Đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt tới mục tiêu bài học, chuẩn kiến thức, kỹ năng… Đánh giá không làm cho học sinh lo sợ, bị thương tổn, mất tự tin. Việc đổi mới quá trình kiểm tra đánh giá vô cùng quan trọng, là hạt nhân quy chiếu toàn bộ quá trình dạy học và quá trình đổi mới chương trình SGK”...
Qua trao đổi, cán bộ, giáo viên nhà trường cũng mạnh dạn chia sẻ những khó khăn và tồn tại khi thực hiện TT22/BGD như: tâm lý của một số GV vẫn còn e dè trong việc đánh giá mức độ học tập của HS giữa 3 mức độ: Chưa hoàn thành, hoàn thành, hoàn thành tốt; giáo cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đánh giá các hoạt động giáo dục (Đánh giá hoạt động NGLL, đánh giá đạo đức, giá trị sống, KNS,…) vì nếu đánh giá chỉ là sự học thuộc bài, làm lại theo các kiểu, dạng bài mẫu thầy cô đã cho… sẽ triệt tiêu sự phát triển vươn lên của người học; việc đo lường năng lực HS chủ yếu dựa vào điểm số bài các bài kiểm tra, trong khi các tiêu chí khác rất quan trọng như: Sức khỏe, KNS của học sinh lại bị xem nhẹ. Vì quan niệm như vậy, nên mọi hoạt động của một số nhà trường đặt trọng tâm vào các kỳ kiểm tra, thi trên mạng, trong khi các hoạt động khác nhằm rèn luyện đạo đức, nâng cao sức khỏe, nâng cao KNS, giáo dục lý tưởng,… chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp PHHS trong đánh giá học sinh chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên; thiếu thông tin chi tiết về kết quả học tập, điểm mạnh, hạn chế về năng lực, phẩm chất của mỗi em sau mỗi học kỳ...
Cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, hoàn thành bài khảo sát về việc thực hiện đánh giá theo TT22/BGD trong năm học 2018-2019 !!!