6 điều cần hướng dẫn trẻ ngay
Theo các giáo viên tổ chuyên môn lớp 1 trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình), có 6 điều, cha mẹ và thầy cô cần phải hướng dẫn trẻ ngay trước khi vào lớp 1.
|
Buổi làm quen với học sinh lớp 1 của trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình) |
Trẻ cần được biết về ngôi trường được học nhằm xây dựng sự tin cậy và sợi dây gắn bó tình cảm của trẻ với các bạn học và thầy cô giáo trong lớp.
Cùng với đó, trẻ cần được làm quen với sách vở và đồ dùng học tập của học sinh lớp 1 nhằm giúp cho hoạt động học tập trong môi trường mới trở nên thân thiện và gần gũi hơn; Được rèn luyện sự tập trung chú ý vào các nội dung học tập với những thao tác phức hợp. Ở độ tuổi bước vào lớp 1, việc tập trung chú ý vào nội dung bài học trong khoảng thời gian của một tiết học là một thách thức lớn.
|
Một tiết học của học sinh trường Tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân) |
Phụ huynh là người trợ giảng
Ở góc độ là một nhà quản lý, cô Chu Thị Thu Hương, hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân) cho rằng: "Các thầy cô cần tạo cho các con có tâm thế thoải mái trước khi học như: Các hoạt động vui chơi, làm quen với thầy cô và bạn bè, làm quen với thiết bị, hướng dẫn nề nếp học hập bằng nhiều hình thức khác nhau… Tạo cho con tự tin trong học tập thì dần dần học sinh sẽ thích nghi với việc học một cách chủ động; Xây dựng thời gian học trực tuyến không quá dài chỉ khoảng 30phút/tiết và không quá 3tiết/ngày; Bài giảng của giáo viên phải phong phú, sinh động…".
Về phía nhà trường, việc lựa chọn phần mềm để hỗ trợ các con học trực tuyến tốt rất quan trọng. Trường tôi sử dụng phần mềm K12 online, ghi lại tiết dạy trên hệ thống, học sinh có thể xem lại bất kỳ lúc nào nếu chưa hiểu. Vấn đề nan giải hiện nay là dạy viết cho học sinh lớp 1 khi phải học trực tuyến, điều này có thể đưa lên phần mềm K12 để hướng dẫn các con cách cầm bút, đặt bút, viết, học sinh xem đi xem lại được nhiều lần…
Ngoài ra, để học trực tuyến được hiệu quả rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và giáo viên… Phụ huynh sẽ là người trợ giảng cùng giáo viên hướng dẫn con những nội dung mà thầy cô đã dạy; Trao đổi thường xuyên giữa giáo viên và cha mẹ về tình hình của con...
|
Bên cạnh đó, trẻ cần được rèn luyện nền nếp sinh hoạt điều độ và một số kĩ năng tự phục vụ. Cụ thể: Hàng ngày trẻ phải thức dậy đúng giờ; tìm chỗ học tập yên tĩnh; tự chuẩn bị trang phục, sách vở và đồ dùng học tập; ngồi ngay ngắn và tập trung chú ý vào bài học suốt cả tiết học. Trẻ phải thực hiện được đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra.
Trẻ vào lớp 1 cần chuẩn bị các kiến thức nền tảng cơ bản làm tiền đề cho việc tiếp thu kiến thức từ các môn học trong chương trình lớp 1. Mặc dù, những kiến thức nền tảng này không nhiều, chỉ đơn giản là việc nhận diện được các chữ cái, viết được các nét cơ bản, đếm và nhận diện số, các hình hình học… nhưng đây chính là cơ sở để trẻ tiếp thu được những kiến thức ở môi trường học tập mới. Có được sự chuẩn bị về tốt về kiến thức nền tảng cơ bản khi bước vào lớp 1 sẽ giúp trẻ có sự khởi đầu thuận lợi, tạo sự tự tin cho cả quá trình học tập lâu dài.
Trẻ được làm quen với các thiết bị công nghệ và bước đầu có được một số kĩ năng cơ bản để thao tác với các thiết bị đó như: Bật tắt mic đúng yêu cầu; Luôn bật camera; Ghim hình ảnh người đang phát biểu; Giơ tay; Tham gia vào nhóm thảo luận...
Tạo tâm thế học cho học sinh
Theo cô Trần Thị Bẩy Út, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình), ngoài việc sử dụng thiết bị để học online, điều quan trọng nhất tại thời điểm này đó là thầy cô, cha mẹ cần tạo tâm thế và tâm lý cho các con, giúp học sinh hiểu việc học và nhiệm vụ mới của mình trong thời gian tới.
|
Cô trần Thị Bẩy Út trong giờ học trực tuyến |
“Khó khăn nhất của các cô lớp 1 là dạy viết, phải cầm tay, nắn từng li từng tí nhưng học trực tuyến, phần này lại chuyển vai sang phụ huynh, nhiều người không có kỹ năng đó hoặc không có đủ kiên nhẫn… rồi việc các con phải nắm được nhiệm vụ học tập của từng môn... Tôi chỉ muốn nói với phụ huynh là hết sức cố gắng và đồng hành cùng các con trong giai đoạn khó khăn này. Đừng tạo áp lực cho các con trong việc học hành vì học sinh nhỏ tuổi. Lứa tuổi này chỉ ngồi yên 15 phút là chán, lúc đó không nên quát mắng, cần phải động viên, thậm chí cho các con nghỉ vài phút…”, cô Trần Thị Bẩy Út nói.
|
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba làm quen với lớp trước khi vào năm học mới |
Nhiều giáo viên dạy lớp 1 cũng cho rằng, vai trò của cha mẹ lúc này rất quan trọng. Họ vừa là người đồng hành, trợ giảng, người chăm sóc, bạn học và bạn chơi đối với trẻ.
Theo cô Nguyễn Bích Trang, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình), cha mẹ cần phải chuẩn bị chính là tâm lý thoải mái, thư giãn và lạc quan. Bởi tâm lý của cha mẹ tác động trực tiếp và tức thời đến tâm lý trẻ, do vậy nếu cha mẹ cảm thấy căng thẳng, áp lực, bùng nổ và thiếu kiểm soát sẽ gây đến cho trẻ sự sợ hãi, lo lắng, căng thẳng.
Ngoài việc cha mẹ cần học một cách nghiêm túc cách sử dụng các phần mềm và ứng dụng công nghệ thì trong quá trình hỗ trợ trẻ, phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết các sự cố đơn giản trong học tập trực tuyến để trẻ dần độc lập và có kĩ năng tự giải quyết vấn đề của mình.
|
Cha mẹ đồng hành cùng học sinh lớp 1 trong giờ làm quen của trường Tiểu học Kim Đồng |
Đối với việc hỗ trợ về mặt kiến thức trẻ, theo nhiều giáo viên dạy lớp 1, bố mẹ cần nắm bắt được một số các kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 1 (về đọc, viết và tính toán) để hỗ trợ các con. Việc hiểu và đồng hành cùng trẻ của cha mẹ sẽ giúp con học mọi lúc, mọi nơi trong suốt thời gian ở gia đình, biến những kiến thức trẻ học được trở nên có tính ứng dụng cao trong chính thực tiễn cuộc sống của con.
Cô Hoàng Thuý An, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Kim Đồng nhắn nhủ phụ huynh: "Trong thời gian trẻ học trực tuyến tại gia đình, cha mẹ cần tạo cho trẻ một không gian học tập gọn gàng, yên tĩnh và đủ ánh sáng. Không gian này cũng đủ riêng tư để trẻ dễ dàng học cách sắp xếp sách vở và đồ dùng học tập, qua đó trẻ cũng dần hình thành được nếp sống và thói quen tự lập.
|
Phụ huynh trường Tiểu học Việt Nam Cu Ba đồng hành cùng con vào lớp 1 |
Ngoài ra, cha mẹ cùng con viết thời khoá biểu các tiết học online và dán ngay tại góc học tập của con. Trước giờ vào học khoảng 10 phút, cha mẹ cần nhắc con gác lại công việc và trở vào bàn học, sẵn sàng mở phần mềm, chuẩn bị sách vở đầy đủ. Sau khi học xong phụ huynh có thể tương tác với giáo viên về bài tập về nhà của con trong hôm đó.
Bên cạnh đó, để nâng cao sự tập trung tuyệt đối của các bạn nhỏ, phụ huynh nhắc các con chuẩn bị cốc nước bên cạnh bàn và không được mở ứng dụng không liên quan đến việc học (game, Facebook, YouTube,..) trong quá trình nghe giảng. Cha mẹ có thể khuyến khích và hỗ trợ con trong quá trình trả lời câu hỏi của cô giáo, đặt câu hỏi gợi ý thêm để tăng sự tương tác, kích thích tư duy sáng tạo và khiến con cảm thấy vui khi có người học cùng".
|
Một tiết vừa chơi vừa học với học sinh trường Tiểu học Kim Đồng |
Nhiều ý kiến cho rằng, cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tình thân tốt đẹp trong gia đình, với thầy cô giáo và với bạn học. Học tập trực tuyến và giãn cách xã hội khiến cho trẻ luôn cảm thấy thiếu vắng những tương tác giàu cảm xúc.
Do đó, những hoạt động mà cha mẹ nên khuyến khích con tham gia là: Tạo các nhóm bạn để học trực tuyến cùng giờ, hẹn giờ cùng đọc sách, livestream để cùng hát, múa và tập thể dục hoặc gọi điện cho ông bà và người thân ở xa để kể về niềm vui khi con vào lớp 1; Kể về bạn học và những câu chuyện thú vị con học được trên lớp; Kể về những việc con làm được khi ở nhà… Những việc làm này được tiến hành thường xuyên với đa dạng các hình thức sẽ giúp cho trẻ luôn cảm thấy nhộn nhịp, đông vui, đầy đủ những cảm xúc và tình cảm xã hội; Bù đắp những thiếu hụt và làm cân bằng trạng thái tâm lý cho trẻ.