Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc các quan điểm của Nghị quyết số 29-NQ/TW; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố và các Chương trình công tác của Thành ủy, nhất là Chương trình 04-CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015”, Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và vai trò của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong sự phát triển chung của Thủ đô.
Hàng năm, Thành phố tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW đến toàn thể cán bộ quản lý của khối trung học phổ thông công lập trực thuộc và trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, trong đó quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền GD&ĐT trong hệ thống chính trị và ngành GD&ĐT. Đặc biệt, tháng 01/2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đổi mới hình thức thông tin tuyên truyền bằng việc triển khai họp trực tuyến với 30 điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý tới các tổ chuyên môn của các cấp học. Việc đổi mới công tác tuyên truyền đã góp phần tạo được sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục của Thủ đô.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Đặc biệt, Thành phố rất coi trọng công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên, nhân viên; bảo đảm các trường học có chi bộ, đảng bộ. Cấp ủy trong các cơ sở GD&ĐT phải thực sự đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ, đoàn kết đối với đội ngũ giáo viên, viên chức và học sinh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để xây dựng nhà trường. Hàng năm, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng cơ sở xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng đảng gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác phát triển đảng trong trường học được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, Đảng bộ Thành phố đã kết nạp nhiều đảng viên mới là giáo viên, nhân viên các nhà trường.
Công tác kiểm tra, giám sát cũng được cấp ủy, HĐND các cấp tiến hành thường xuyên đối với ngành giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Việc kiểm tra, giám sát luôn gắn với việc giám sát chuyên đề, chất vấn tại các kỳ họp của HĐND các cấp, nhất là HĐND Thành phố. Thành phố đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện quy chế dân chủ, quy chế quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường đặc biệt là công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo quản lý. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành GD&ĐT được triển khai sâu rộng, đi vào nền nếp. Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh, công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế (mức độ, hành vi, năng lực...), đặc biệt là công khai công tác thu, chi tài chính để thành viên cơ sở giáo dục, phụ huynh, học sinh và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện, qua đó nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục. Công tác tuyển sinh, tổ chức các kỳ thi được thực hiện tốt. Thành phố chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường; việc cấp phép việc dạy thêm, học thêm đúng quy trình, chặt chẽ. Thành phố đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực GD&ĐT.
Xác định giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Các cấp ủy đảng, chính quyền toàn Thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo ngành GD&ĐT, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chăm lo cho sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; thống nhất nhận thức về vai trò quyết định chất lượng GD&ĐT của đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình nhằm tạo sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về GD&ĐT; nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các định hướng và nhiệm vụ chủ yếu của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tới các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo viên và học sinh. Lắng nghe, tiếp thu góp ý của xã hội để điều chỉnh kịp thời các quyết định trong quản lý nhà nước và điều hành các hoạt động GD&ĐT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao.