Ngày nay, khi sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của KHKT-CN, đặc biệt công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật ... trong những thập kỉ đầu của kỷ nguyên 4.0, nội dung học tập thường xuyên, học tập suốt đời (HTTX, HTSĐ) càng trở nên đa dạng, không chỉ học chữ, học văn hoá, mà còn học kĩ năng sống, cập nhật kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới để có thể thích ứng với những yêu cầu mới của sản xuất và cuộc sống. Trong bối cảnh đó, khi mà cả nước đang xây dựng một xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời, thì một mô hình học tập từ cơ sở đã được hình thành: “Trung tâm học tập cộng đồng” (Community Learning Centers) (TTHTCĐ).
Giáo dục vì sự phát triển bền vững được thực hiện: thông qua giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường, thông qua giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy. Trung tâm học tập cộng đồng (Community Learning Centres) là cơ sở của hệ thống giáo dục không chính quy/giáo dục thường xuyên cùng với các thiết chế văn hóa - giáo dục khác có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc triển khai giáo dục vì sự phát triển bền vững tại cộng đồng dân cư ở cấp xã. Đây là mô hình giáo dục của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng; là đầu mối liên kết, phối hợp để triển khai các chương trình giáo dục, học tập khác nhau của người lớn; là trường học suốt đời của người lớn ở cộng đồng, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng xã hội về giáo dục. Trung tâm học tập cộng đồng là nơi thuận lợi để triển khai các chương trình, nội dung giáo dục khác nhau như giáo dục phát triển kinh tế - tăng thu nhập, giáo dục văn hóa - xã hội, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục bảo vệ sức khỏe... cho mọi người dân ở địa phương. Mặc dù đã đạt được những thành công đáng kể, góp phần thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững, nhưng trong quá trình hoạt động, trung tâm học tập cộng đồng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.
Đến dự buổi tập huấn công tác xây dựng xã hội học tập và tổ chức các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng có: Trưởng phó ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo Quận, Chủ tịch Hội khuyến học Quận, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quận, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập của các Phường, Chủ tịch Hội khuyến học Phường, Đại diện BGH các trường TH, THCS công lập trên địa bàn Quận. Đặc biệt có đại diện Sở giáo dục và đào tạo về hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tại Hội nghị.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm triển khai việc xây dựng xã hội học tập và hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững tại các trung tâm học tập cộng đồng, khẳng định vai trò của trung tâm học tập cộng đồng trong việc thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững và thảo luận các giải pháp nhằm duy trì, củng cố các trung tâm học tập cộng đồng để thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Học tập suốt đời thông qua trung tâm học tập cộng đồng cần phải được tiến hành trên cơ sở hợp tác và phối kết hợp chặt chẽ của tất các các ban, ngành, đoàn thể, tất cả các lực lượng trong xã hội nhằm góp phần thực hiện Chương trình hành động Giáo dục về phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 và để đạt được Mục tiêu số 4 về Giáo dục trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030” và “Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục và học tập suốt đời đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia nói chung và của từng cộng đồng nói riêng. Trung tâm học tập cộng đồng chính là nơi cung cấp các hình thức học tập và các cơ hội phát triển khác nhau thông qua giáo dục xóa mù chữ, giáo dục xóa đói, giảm nghèo/tăng thu nhập, giáo dục công dân, giáo dục bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và giáo dục các vấn đề văn hóa-xã hội khác ở cơ sở. Điểm mạnh của trung tâm học tập cộng đồng trong việc cung cấp các chương trình giáo dục và học tập phù hợp với thực tế của địa phương, với văn hóa, bản ngữ của người học, đặc biệt là cho đối tượng thanh niên và người lớn cần được phát huy hơn nữa”. Các đại biểu tham dự tập huấn cũng “khẳng định rằng, trung tâm học tập cộng đồng đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Tuy nhiên, các trung tâm học tập cộng đồng hiện nay còn phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể đáp ứng các nhu cầu của địa phương. Để thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở, cần thiết và cấp bách phải duy trì, củng cố trung tâm học tập cộng đồng về mọi mặt để trở thành một mô hình “giáo dục mở - đa nhiệm” của cộng đồng phát triển bền vững”.
Việc đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua trung tâm học tập cộng đồng và vai trò của trung tâm học tập cộng đồng trong việc thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững. Khuyến khích sự làm chủ của cộng đồng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp bảo đảm trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có chất lượng, hiệu quả và bền vững, thực sự trở thành một trường học suốt đời của người lớn, một trung tâm thông tin - tư vấn góp phần phát triển cộng đồng bền vững. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và giáo viên của trung tâm học tập cộng đồng bảo đảm chất lượng và hiệu quả của giáo dục vì sự phát triển bền vững nhằm thu hút ngày càng nhiều người dân đến học tập tại trung tâm học tập cộng đồng, đặc biệt các nhóm đối tượng thiệt thòi (phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…). Triển khai các chương trình giáo dục thường xuyên tại trung tâm học tập cộng đồng có chất lượng và hiệu quả (chương trình giáo dục pháp luật; giáo dục phát triển kinh tế - tăng thu nhập; giáo dục bảo vệ sức khỏe; giáo dục văn hóa-xã hội và giáo dục bảo vệ môi trường theo Thông tư số 26/2010/TT-BGDĐT ngày 27/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhằm cung cấp cho người dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phát triển bền vững cộng đồng của mình. Tăng cường mạng lưới liên kết, phối hợp để huy động nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, tin lực) nhằm thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững thông qua trung tâm học tập cộng đồng. Hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong triển khai giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở thông qua việc thiết lập mạng lưới trong nước và quốc tế các trung tâm học tập cộng đồng trong bối cảnh học tập suốt đời cho mọi người (trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, người già, người bị thiệt thòi...).
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất các khuyến nghị sau với các cấp lãnh đạo, các ban, ngành có liên quan và lãnh đạo địa phương các cấp như: Quan tâm hơn nữa đối với giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở. Giáo dục người lớn phải được coi là một bộ phận giáo dục ngày càng quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Đổi mới giáo dục để xây dựng xã hội học tập bền vững cần phải coi trọng việc học tập suốt đời của người lớn tại cộng đồng. Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý và các chính sách phù hợp nhằm duy trì, củng cố và phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng. Xây dựng cơ chế phối, kết hợp có hiệu quả để huy động nguồn lực hỗ trợ các hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở. Đảm bảo có ít nhất một cán bộ thường trực chuyên trách cho mỗi trung tâm học tập cộng đồng để chịu trách nhiệm về các công việc hàng ngày ở trung tâm, bao gồm lập kế hoạch, triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững ở trung tâm học tập cộng đồng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên/hướng dẫn viên của trung tâm học tập cộng đồng về giáo dục vì sự phát triển bền vững bằng cách biên soạn các tài liệu tập huấn có liên quan và tổ chức tập huấn cho họ. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của trung tâm học tập cộng đồng là yếu tố có ý nghĩa quan trọng bảo đảm số lượng và chất lượng của giáo dục vì sự phát triển bền vững ở cơ sở.