Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp năm học mới 2019 - 2020, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết -Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới kỳ vọng chương trình sẽ được thực hiện tốt khi đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có động lực, nhiệt tình đổi mới và các địa phương, ban ngành quan tâm giúp đỡ.
Giáo viên phải chủ động thay đổi
Thưa GS, còn đúng một năm nữa sẽ triển khai chương trình GDPT mới nhưng nhiều thầy cô lo lắng vì đến nay chưa được cầm trên tay SGK mới. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Theo tôi, trước hết các thầy cô giáo phải nghiên cứu chương trình kỹ. Tôi đến nhiều lớp tập huấn và hỏi các thầy cô thì nhận được câu trả lời là họ chưa đọc. Tôi tin giờ mình đi điều tra sẽ có tới 70 - 80% số giáo viên chưa đọc chương trình mặc dù dự thảo đã được đưa lên mạng lấy ý kiến từ ngày 19/1/2017 và sau đó công bố chương trình chính thức trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và báo chí từ ngày 28/12/2018.
Khi thầy cô chưa đọc chương trình mới thì không thể dạy được. Vì trong đổi mới chương trình và SGK lần này thì quan trọng nhất là chương trình. Khi thầy cô hiểu được chương trình mới thì tự dạy, không cần phải theo từng chữ trong SGK. Do vậy, bây giờ thầy cô phải thay đổi quan điểm, không thụ động ngồi chờ phòng, sở, Bộ GD&ĐT chỉ đạo mới làm.
Hơn nữa, việc thay đổi SGK trong vòng 5 năm mới kết thúc chu trình. Nghĩa là, có những lớp học 5 năm nữa mới thay đổi chương trình, nhưng GV phải vận dụng ngay tinh thần đổi mới vào dạy học chương trình hiện hành chứ không chờ tới 5 năm sau.
Việc tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới được tổ chức thế nào để mang lại hiệu quả mà lại không mất nhiều thời gian?
- Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn ít nhất 2 vòng lớn. Vòng đầu tiên tập huấn cho giáo viên nắm thật chắc mục tiêu, những yêu cầu cần làm, nội dung cơ bản của chương trình. Tất cả giáo viên từ lớp 1 - 12 đều được tập huấn, để thông hiểu và tìm cách vận dụng chương trình hiện hành. Sau đó, đến khi bắt đầu triển khai thay SGK lớp nào sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên lớp đó.
Tôi biết, để chuẩn bị thực hiện chương trình, SGK mới, từ năm 2018, nhiều sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội có giao cho trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội tổ chức tập huấn cho GV tất cả các quận, huyện rất công phu. Tôi cũng được tham gia báo cáo về chương trình tổng thể.
Tôi cũng lưu ý, lần này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu phải có tập huấn trên mạng, giáo viên tham gia phải đọc tài liệu. Sau đó, khi tập huấn trực tiếp, giáo viên phải đặt câu hỏi, nêu thắc mắc, yêu cầu để được giải đáp. Chứ không như mọi khi giáo viên đi tập huấn nhưng trong đầu không có cái gì thì không ổn.
Theo ông, chương trình GDPT mới có những môn học tích hợp, liệu có đủ giáo viên đảm nhiệm?
- Dạy học tích hợp là định hướng rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Trên cơ sở tham khảo quốc tế, Nghị quyết 29 của T.Ư, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu đảm bảo tích hợp cao ở các cấp học dưới và phân hóa dần ở các cấp học trên. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật nhận thức của con người.
Hiện nay, ở bậc tiểu học và trung học có một số môn tích hợp. Tổ chức dạy tích hợp nhưng không hòa tan. Theo đó, giáo viên được đào tạo chuyên môn nào vẫn dạy theo mạch chương trình đó, không phải đi học lại. Các thầy, cô cần nghiên cứu chương trình môn học để hiểu nội dung tích hợp và cách dạy cụ thể thế nào.
Chỉ nên chọn một bộ sách giáo khoa
Việc đổi mới chương trình được thực hiện với các lớp đầu cấp (1, 6, 9). Học sinh đang học dở cấp có gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình mới?
- Các em học sinh đang học dở cấp không gặp vấn đề gì. Bởi trước hết giáo viên sẽ vận dụng những tinh thần mới để đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh quen dần. Có nghĩa, học sinh vẫn học nội dung chương trình, SGK hiện nay nhưng theo phương pháp đổi mới để đến khi vào lớp đầu cấp sẽ bắt kịp được. Ví dụ, hiện nay có những học sinh lớp 2 vẫn theo chương trình hiện hành, nhưng cả quá trình học đến khi cuối cấp tiểu học được dạy theo phương pháp mới, sau 3 năm các em bắt được vào chương trình mới ở lớp 6.
Do vậy, các em học sinh đang học dở cấp không phải lo. Tất cả các cuộc cải cách giáo dục đều diễn ra như thế. Nội dung dạy học không thay đổi nhiều, nếu có chỉ là tinh giản và thiết thực hơn. Còn thay đổi chỉ là đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá.
Đổi mới chương trình, SGK có đồng nghĩa với thay đổi và sử dụng nhiều trang thiết bị?
- Bây giờ Bộ GD&ĐT mới ban hành danh mục đồ dùng dạy học lớp 1, về cơ bản không thay đổi. Còn những lớp trên, Bộ đang xây dựng nhưng trên tinh thần chủ yếu vẫn là các bộ thiết bị đang sử dụng. Chỉ có điều tăng cường một số thiết bị ảo, thí nghiệm ảo để chi phí rẻ hơn và tránh gây ra tai nạn cho học sinh.
Chúng tôi có góp ý với Bộ thay đổi cách mua thiết bị. Bây giờ không nên theo kiểu cơ quan cấp trên mua thiết bị rồi đưa về các trường mà nhà trường phải chịu trách nhiệm. Các trường thấy thiết bị nào tốt thì mua, để tránh tình trạng khi sản phẩm nghiệm thu thì đạt yêu cầu nhưng sau đó DN lại sản xuất kém chất lượng. Thứ nữa, có trường nhiều nhu cầu, trường ít thì để họ tự quyết, tránh tình trạng ở trên, mua hàng đống thiết bị nhưng lại không sử hết gây lãng phí.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thẩm định SGK lớp 1. Trường hợp nhiều bộ GSK được thông qua, các địa phương sẽ lựa chọn như thế nào?
- Theo Luật Giáo dục mới, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở tham mưu của ngành giáo dục. Vì thế, ngành giáo dục cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, nghiên cứu kỹ SGK, đề xuất bộ SGK phù hợp với địa phương, đối tượng học tập để tạo ra được hiệu quả. Về phía Bộ GD&ĐT cũng sẽ có hướng dẫn các địa phương lựa chọn GSK.
Theo tôi, vì SGK liên quan đến học sinh nên chỉ chọn một bộ. Nhưng giáo viên cần có vài bộ để làm tài liệu tham khảo, soạn bài dạy. Về phía nhà trường cũng nên mua vài bộ SGK để trong thư viện cho học sinh tham khảo.
Ông có kỳ vọng gì khi chương trình và SGK mới được đưa vào thực hiện?
- Tôi biết từ chương trình chuyển thành SGK, thành hành động của giáo viên, cán bộ quản lý, chính quyền là con đường rất dài và nhiều trắc trở. Tôi không nghĩ là cứ có chương trình tốt thì mọi việc sẽ tốt. Nhưng theo tôi, nếu tất cả cán bộ, giáo viên hiểu mục tiêu đổi mới, có động lực thì chương trình sẽ thực hiện được.
Có điều tôi băn khoăn là chương trình mới ra đời giữa lúc T.Ư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 19 về tinh giản biên chế, giảm đầu mối. Thủ tướng đã ra chỉ thị không giảm biên chế cào bằng đối với hai ngành y tế và giáo dục nhưng có những địa phương cứ bắt mỗi ngành cắt 10% như thế là trái quy định.
Nếu thực hiện chương trình mới, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có thêm môn Ngoại ngữ, Tin học đương nhiên cần phải tăng giáo viên, giờ lại giảm biên chế sẽ dẫn đến nhồi nhét học sinh vào một lớp học đông thì chất lượng không đảm bảo. Vì thế, việc tinh giản giáo viên phải trên cơ sở rà soát thực tế, chứ không thể cào bằng. Chương trình mới chỉ được thực hiện thành công khi các địa phương, các ngành quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tạo điều kiện hỗ trợ cho ngành giáo dục.
Xin cảm ơn ông!