Việc thực hiện Chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng về việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường ở địa phương. Giúp quản lý các trường nâng cao hiệu quả quản lý nhà trường tiểu học. Phát triển toàn diện con người là mục tiêu chung và lâu dài của giáo dục phát triển. Giáo dục tiểu học chỉ hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển đó. Con người phát triển toàn diện phải có đầy đủ các phẩm chất và năng lực về đạo đức trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và phải có các khái niệm cơ bản để tiếp tục học lên, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Dưới sự điều hành của đ/c Lê Thị Thu Hằng - Phó phòng GD&ĐT, các đồng chí đã tập trung trao đổi những vấn đề liên quan đến bài học, việc tổ chức các hoạt động phù hợp, việc vận dụng kiến thức, đảm bảo tính chủ động sáng tạo, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Ở hoạt động cơ bản được thiết kế theo hướng tổ chức học sinh thực hiện các hoạt động tìm tòi, khám phá kiến thức, ngay từ hoạt động này, học sinh đã làm việc với máy tính. Để gắn tới kiến thức mới, giáo viên cần có những tình huống nêu vấn đề để học sinh suy nghĩ, hướng tới nội dung bài học. Tiếp đến với hoạt động hình thành kiến thức, kĩ năng mới. Trong giai đoạn này, học sinh được giao các nhiệm vụ dưới dạng các bài tập, các bài tập đó được thiết kế theo hướng giúp học sinh thử nghiệm (khởi động phần mềm, chọn các nút lệnh…), quan sát và trả lời các câu hỏi để hình thành kiến thức. Bên cạnh đó, trong hoạt động này, giáo viên cho học sinh thực hiện một số thao tác, nhiệm vụ nhỏ nhằm củng cố ngay những kiến thức, cách làm đã phát hiện. Ở hoạt động thực hành, học sinh được giao các bài tập nhằm củng cố kiến thức đã học ở phần Hoạt động cơ bản, rèn luyện kĩ năng trong các tình huống học tập tương tự hoặc tình huống hơi khác với các tình huống ở Hoạt động cơ bản (nhưng không quá thách thức học sinh).
Qua trao đổi thảo luận, với những kinh nghiệm thực tế và bằng tâm huyết trong nghề, các thầy cô đã mạnh dạn trao đổi những khó khăn khi giảng dạy Tin học tại cơ sở, việc áp dụng sách giáo khoa Hướng dẫn Tin học vào dạy học sinh lớp 3, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, nhằm giúp uốn nắn, định hướng con đường học tập của học sinh trong quá trình dạy học môn Tin học bằng việc vận dụng những hiểu biết của chính các em để khai thác, đọc và tìm kiếm thông tin hoàn thành bài theo hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị những khó khăn vướng mắc để lãnh đạo Phòng GD giải đáp, đưa ra những định hướng thống nhất. Trong thời gian thảo luận Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến, giải pháp có chất lương của các thầy cô tham dự như các đại diện đến từ các trường Tiểu học Ngôi Sao, Đặng Trần Côn, Nhân Chính...
Buổi rút kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên dạy Tin học đã thành công tốt đẹp !