Trước đó, tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua và sau một số lần chỉnh sửa, Chính phủ đã trình đề xuất quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012: Đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Các phương án đưa ra chỉ là mỗi năm tăng thêm 3 hoặc 4 tháng.
|
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn). |
Hai phương án tăng tuổi hưu mới nhất
Tại bản Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi mới nhất vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20/9, đơn vị soạn thảo đã sửa đổi đề xuất về tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động so với các dự thảo trước đó.
Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau.
Trên cơ sở còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã đề xuất 2 phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về tuổi nghỉ hưu để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phương án 1: Quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.
Kể từ ngày 01/01/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Phương án 2: Theo như đề xuất do Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi. Cụ thể: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Đề xuất của Chính phủ trình được chọn là phương án 1
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá ưu điểm riêng của các phương án tăng tuổi hưu. Đặc biệt, phương án 2 (theo đề xuất của Chính phủ) có lộ trình rõ ràng với đánh giá tác động cụ thể.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chuyển phương án 2 (theo đề xuất của Chính phủ) thành phương án 1 và chuyển phương án 1 trong đề xuất của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thành phương án 2.
Dự kiến, các đề xuất trên sẽ được tổng hợp và gửi tới đại biểu quốc hội thuộc các đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, thành nghiên cứu trước và sẽ bỏ phiếu thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây.
Không có ngoại lệ cho giáo viên kể cả giáo viên mầm non
Rất nhiều ý kiến không đồng tình về tăng tuổi hưu nhất là công nhân lao động trực tiếp; giáo viên ở các cấp học, bậc học; điều dưỡng,…
Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết hiện đơn vị đang rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Dự kiến tới tháng 9, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ hoàn thành việc rà soát các các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như diễn viên xiếc, vận động viên thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người kể cả những người làm chính sách thì không có căn cứ để đưa nội dung giáo viên mầm non vào đối tượng làm việc trong các nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Và các nước trên thế giới cũng không có nước nào đưa nghề giáo viên mầm non vào danh mục độc hại, nguy hiểm,…
Do vậy, để giáo viên mầm non hay các giáo viên khác có thể nghỉ hưu trước tuổi khó có thể thành hiện thực.
Nghề giáo là nghề rất là áp lực, khó khăn trong giai đoạn hiện nay, nhất là giáo viên nữ nếu làm việc đến 60 tuổi không chỉ bậc mầm non, tiểu học mà kể cả giáo viên ở các cấp học, bậc học khi mà đến 60 tuổi sẽ khó mà đáp ứng khi đó lợi bất cập hại.
Giáo viên nữ nếu làm việc đến 60 tuổi, không chỉ giáo viên làm việc không hiệu quả, sáng tạo mà còn sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh cả nước.
Sắp tới đây, rất mong Quốc hội xem xét kỹ lưỡng vấn đề tăng tuổi hưu cho nhà giáo theo hướng đưa nhà giáo vào diện đặc biệt có thể nghỉ hưu như hiện nay, hoặc theo hướng giáo viên đến tuổi nghỉ hưu như hiện nay (60 tuổi đối với nam, 55 đối với nữ) nếu còn sức khỏe có thể tiếp tục công tác để hưởng lương cao hơn, sau đó lương hưu sẽ cao hơn.