Tạo suy nghĩ “việc nhà là việc chung”
Tránh cho trẻ suy nghĩ “Việc nhà là việc của Mẹ” bằng cách kêu gọi mọi thành viên cùng tham gia chung tay làm việc nhà và đồng thời lên lịch phân công rõ ràng. Như trong bữa ăn tối cùng nhau, mẹ nấu ăn thì bố sẽ giúp mẹ trong việc chuẩn bị làm bếp, anh trai sẽ dọn chén đũa thì em gái sẽ lau bàn. Và hôm sau công việc của hai anh em sẽ đổi lại tạo tính linh hoạt và công bằng.
Bạn cũng có thể chỉ dẫn cho trẻ những kiến thức thông dụng qua những việc nhà như tên các loại rau củ quả, cách bảo quản hay dọn dẹp đồ chơi của trẻ sau khi chơi xong, cách giữ vệ sinh bàn ăn hay lau dọn phòng của trẻ… để giúp trẻ tìm thấy hứng thú và trách nhiệm trong các công việc được giao.
Lên lịch làm việc để trẻ có thói quen tự giác, và xem đó như một phần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đều tham gia chứ không phải chỉ có trẻ phải thực hiện một cách ép buộc. Hãy nhẹ nhàng “Mẹ rất là vui nếu con giúp mẹ dọn số đồ chơi này trong khi mẹ làm bữa tối cho cả nhà!”, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ, bạn thử xem!
Cho trẻ chọn việc phù hợp với sức lực và khả năng
Trong việc phân công làm việc, bạn nên cho trẻ tập dần từ những việc nhỏ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, phù hợp với sức lực của trẻ và tạo hứng thú cho trẻ khi thực hiện thay vì áp đặt cho trẻ các công việc mà trẻ không hào hứng tham gia.
Nếu trẻ muốn thử lau nhà với bạn, bạn cũng nên cho trẻ thử và gợi ý về việc sắm thêm một cây lau nhà nhỏ phù hợp với trẻ để trẻ cùng tham gia với bạn. Vừa lau nhà vừa hát theo tiếng nhạc những bài hát trẻ yêu thích cũng là cách giúp trẻ thêm hứng thú khi làm việc nhà cùng bạn. Quan trọng là việc tạo cho trẻ sự vui vẻ khi làm việc nhà, dù việc nhỏ nhưng hãy luôn khiến trẻ tin là công việc đó thật thú vị để hoàn thành.
Giao cho trẻ những việc nhẹ vừa sức trẻ
Cùng làm với trẻ
Thay vì muốn trẻ hoàn thành việc dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong một mình, bạn hãy nhẹ nhàng đề nghị trẻ để được giúp trẻ một tay cho những công việc nặng hơn như cùng mang sọt đựng đồ chơi, cùng trẻ cất những đồ chơi trên cao, giúp trẻ những việc nặng hơn sức của trẻ…
Hãy cùng làm với trẻ và xem công việc nhà hai mẹ con cùng tham gia như một trò chơi, cùng thi đua làm tốt và nhanh nhất, cùng đạt thành tích cao nhất. Và bạn nhớ đừng phó mặc cho trẻ loay hoay với công việc một mình, vì không có sự chia sẻ của bạn trong công việc sẽ khiến trẻ mau nản và không muốn thực hiện công việc nếu ý thức về sự tự giác trong trẻ chưa hình thành.
Đừng quên những lời khen dành cho trẻ khi làm tốt
Khi cùng làm với trẻ, bạn hãy khen trẻ nếu trẻ làm tốt, khuyến khích trẻ khi trẻ chưa quen với việc thực hiện việc được giao tốt.
Đừng kiệm lời khen ngợi hay động viên trẻ, vì trẻ sẽ cảm thấy tự hào và vui vẻ hơn khi được tán thưởng cho phần công việc mình làm tốt.
Nhưng các mẹ nhớ chỉ nên khen và khuyến khích về hành vi của trẻ chứ đừng nên đặt nặng vào hành động. “Mẹ tự hào về con gái của mẹ quá! Hôm nay con đã biết tự dọn giường sau khi ngủ dậy. Con là đứa trẻ ngoan.” Thay vì khen trẻ sau khi làm qua loa việc dọn giường cho nhanh chóng, để được mẹ khen.
Bạn cũng nên tránh phê phán hay quở trách trẻ nặng lời khi trẻ vẫn mắc lỗi sai, thay vào đó bạn sẽ nhắc nhở hoặc hướng dẫn trẻ cách làm việc nhà tốt hơn. Điều đó cũng không có nghĩa bạn bỏ lấp cho qua mọi lần trẻ làm sai hoặc không tốt để rồi sau cùng trẻ không muốn tiếp tục chia sẻ việc nhà với bạn.
Đừng kiệm lời khen tặng trẻ cho phần công việc trẻ làm tốt
Khuyến khích trẻ sáng tạo và tư duy về cách thực hiện công việc tốt hơn
Với bất kì công việc nào làm cùng nhau, bạn cũng nên đưa ra những câu hỏi hoặc cách gợi mở để trẻ có thể đưa ra cách thực hiện tốt hơn, tăng tính độc lập trong suy nghĩ và tư duy sáng tạo trong trẻ.
Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng cho công việc có phần đóng góp cao của bản thân và có trách nhiệm hơn với phần việc đó. Chính những tư suy trong các công việc gây hứng thú sẽ là động lực và nguồn gốc của sự phát triển thông minh và nhanh nhạy ở trẻ đang tuổi lớn. Và chắc chắn là sau một thời gian giỏi ngoan làm việc nhà trẻ còn là niềm tự hào của chính bạn trước bạn bè và người thân.