• Viết cho con vừa vào lớp 1
• Nhà trường long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019
Bên cạnh đó, do tâm lý của bố mẹ luôn mong muốn con học tốt, không thua kém các bạn trong lớp nên thường đặt ra những yêu cầu cao cho con, áp đặt con phải theo mong muốn của mình khiến cho cả bố mẹ và con đều bị áp lực.
Con vừa “chân ướt chân ráo” nhập học nhưng bố mẹ lại muốn con phải viết đẹp, viết đúng, phải được cô giáo khen nên ở nhà, bố mẹ kèm con học từ tối đến khuya. Nhiều bố mẹ còn cho con đi học thêm vào buổi tối hay các ngày nghỉ khiến con bị quá tải. Sau một ngày làm việc vất vả, tối tối kèm con học chữ khiến nhiều mẹ bị căng thẳng, nhất là khi nói mãi mà con vẫn chưa cầm bút đúng cách, chưa viết được đúng ô li, dòng kẻ…, mẹ sẽ rất dễ cáu gắt, quát mắng con.
Tôi đã từng trải qua những ngày tháng phải “ép” con học để theo kịp các bạn ở lớp vì con không đi học chữ trước, con viết xấu, viết sai nét, sai ô li. Thực ra, nếu con bị “chậm” so với các bạn trong lớp bố mẹ sẽ rất lo lắng nên chuyện ép con phải tăng cường học ở nhà hoặc phải đi học thêm là điều không tránh khỏi. Nhưng cả hai giải pháp trên đều “lợi bất cấp hại” vì chỉ làm tăng thêm áp lực cho trẻ. Vậy làm thế nào để cả con và bố mẹ đều có một quãng thời gian nhẹ nhàng, tươi đẹp khi con còn bỡ ngỡ với môi trường mới, cách học mới?
Theo tôi, điều quan trọng đầu tiên chính là tâm lý của bố mẹ. Chỉ khi bố mẹ cởi bỏ hoàn toàn những kỳ vọng, mong muốn về sự nghiệp học hành của con thì chúng ta mới không tạo áp lực cho con. Dù bố mẹ nào cũng muốn con mình hoàn hảo, học giỏi nhưng không phải mọi đứa trẻ đều sinh ra để trở thành học sinh giỏi hay thiên tài.
Tôi còn nhớ, khi con trai học lớp 1, con phải viết hết một cuốn vở ô li mới nhận được “mặt cười” đầu tiên của cô giáo. Nhìn những nét chữ nguệch ngoạc của con tôi cùng buồn lắm chứ, muốn con phải viết thật chuẩn, thật đẹp để ngày nào cũng được cô khen lắm chứ… Nhưng dù tôi có ép con ngồi cả buổi tối để viết chữ hay quát mắng ầm nhà khiến con phải vừa viết vừa rơm rớm nước mắt thì hôm sau con cũng vẫn viết xấu như cũ bởi con thực sự chưa quen với việc cầm bút mực, chưa quen việc phải nắn nót từng con chữ theo đúng ô li, dòng kẻ.
Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng nên quá trình “khởi động”, bắt nhịp với môi trường học tập mới cũng khác nhau. Vì thế bố mẹ cần hiểu rõ năng lực của con để không đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi vượt quá sức trẻ. Mặt khác, trẻ lớp 1 cần có thời gian để hòa nhập môi trường mới, để làm quen với cách học mới nên bố mẹ không thể con vừa đi học là phải viết đẹp ngay. Chính vì thế, chúng ta không cần phải ép trẻ cặm cụi rèn chữ mỗi tối, càng không nên nổi nóng với con vì điều đó hoàn toàn không giúp con tốt hơn mà còn gây ra tâm lý sợ học, không muốn đến lớp nữa. Thay vì những lời phê phán, trách móc con, chúng ta cần phải biết khen ngợi sự tiến bộ của con dù là nhỏ nhất và động viên con cố gắng hơn trong buổi học sau.
Cùng với việc cởi bỏ áp lực thì bố mẹ nên lắng nghe con chia sẻ về những cảm nhận trong thời gian đầu tới lớp về cô giáo và các bạn. Qua những câu chuyện của con bố mẹ có thể biết con đang gặp khó khăn ở đâu, có thể là trong việc giao tiếp với cô giáo, việc kết bạn mới..., qua đó bố mẹ có thể phát hiện ra những vấn đề ảnh hưởng đến việc học tập của con.
Một biện pháp rất cần thiết các bố mẹ không nên bỏ qua chính là sự phối kết hợp chặt chẽ với cô giáo chủ nhiệm của con hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để nắm rõ tình hình học tập và những chuyển biến của con ở trên lớp.
Đôi khi bố mẹ bỏ công sức và thời gian để kèm con ở nhà nhưng phương pháp giảng bài lại không đúng hoặc không phù hợp nên không hiệu quả. Khi bố mẹ trao đổi với cô giáo sẽ được cô hướng dẫn về phương pháp kèm con học bài đúng với cách dạy của cô trên lớp thì hiệu quả sẽ cao hơn.Cô giáo cũng là người hiểu rõ con đang yếu ở mặt nào và sẽ cùng bố mẹ kết hợp để rèn con kỹ hơn ở những mặt đó. Cách học “một mẹ một con” cộng với phương pháp đúng sẽ giúp con tiến bộ rất nhanh, đây là điều mà tôi đã được trải nghiệm thực tế.
Ngoài việc kết hợp với cô giáo để có phương pháp kèm con hiệu quả, bố mẹ cũng sẽ nắm rõ diễn biến tâm lý của con ở trên lớp, việc ăn ngủ, hoạt động tập thể, các kỹ năng giao tiếp của con qua những nhận xét của cô để giúp con cải thiện mặt hạn chế, phát huy ưu điểm.
Qua đây, tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, các cô giáo lớp 1 thường phải dạy từ 40 đến 60 học sinh một lớp nhưng các cô không áp lực bằng bố mẹ chỉ kèm con học 1, 2 tiếng mỗi ngày. Bởi vì các cô hiểu rõ các con ngây thơ và hồn nhiên như những trang giấy trắng đang cần được hướng dẫn, dạy dỗ để làm quen với một môi trường học tập hoàn toàn mới. Các con cần có thời gian, cần có người chia sẻ, động viên để thích ứng và tiến bộ. Thế nên các bố mẹ dù có sốt ruột và mong đợi bao nhiêu cũng đừng vô tình gây áp lực cho con. Có như vậy các con mới có một sự khởi đầu thực sự vui vẻ và ý nghĩa.