“Đắng lòng“ nhật ký mẹ có con vào lớp 1
Ngày … tháng 2: Tết vừa qua, dư âm chưa tan hết. Thế nhưng, mẹ đã phải đôn đáo lo xin cho con lớp học chữ. Dù rằng phải hơn nửa năm nữa con mới đủ 6 tuổi và cũng ngần ấy thời gian tiếng trống khai trường mới gióng lên báo hiệu năm học mới.
Trường công đúng tuyến thì quá xa nhà, "chưa hấp dẫn", trường công trái tuyến gần nhà lại “ quá tải không có chỉ tiêu”. Mẹ chỉ còn một lựa chọn cho con: cuộc thi vào lớp 1 tại trường dân lập chất lượng cao. Dẫu biết rằng, vừa rời vòng tay ấp iu của mẹ, con sẽ phải “đấu ” với 4 “đối thủ nhí”. Một tỷ lệ chọi mà ngày xưa cũng tầm này, chị con có nằm mơ cũng không hình dung thấy.
|
Hình chỉ mang tính minh họa |
Ngày… tháng 3: Đêm qua, chẳng hiểu mơ gì mà con bật dậy lúc nửa đêm, mắt vẫn nhắm, miệng thì thào… đánh vần: “G a ga huyền gà; M ây mây sắc mấy”. Hẳn đây là hậu quả của bài học buổi tối, khi cô giáo giao về nhà dăm ba trang viết, vài trang toán – cho một đứa trẻ học “tiền lớp 1″ thức đến 11 giờ khuya cặm cụi làm.
Vỗ về con ngủ lại, lòng mẹ đắng ngắt một nỗi buồn: Lớp 1 sao khổ thế! Tuần mấy buổi chiều, mẹ vội vàng lao về từ công sở, đa con đi học chữ. Nhìn con nuối tiếc dứt khỏi đám bạn đang chơi đùa, để trợn mắt nuốt nghẹn chiếc bánh, hộp sữa (chứ không chút nữa học quá giờ cơm lại đói) mà mẹ thương con đến trào nước mắt. Mẹ có ác với con quá không, dù rằng vì mục đích cao cả: học hành!.
Ngày… tháng 4: Mẹ ơi, cô hỏi khoai tây khác khoai lang thế nào; phân biệt cải xanh và cải chíp; muỗi, hổ, gà thuộc nhóm động vật gì; lò vi sóng làm bằng gì, dùng để làm gì… Hu hu mẹ ơi, khó quá! Con trượt mất thôi! Dẫu đã chuẩn bị tinh thần nhưng mẹ cũng thấy choáng váng. Lỗi tại mẹ rồi, con ơi. Khi ôn cho con mẹ đã cố lọc lấy những gì trong trẻo nhất, con trẻ nhất, mà cố lờ đi những “hòn đá tảng” như : vợ của anh trai bố thì gọi là gì, nhìn sắc trời để phỏng đoán thời tiết (!). Mà nghe đâu nội dung này đều phóng tác từ chuẩn 5 tuổi của ngành giáo dục mà ra cả đấy. Học chi cho quá giỏi để rồi bị người lớn “ném đá” không thương tiếc như Đỗ Nhật Nam hả con?.
Con vào lớp 1, với nhiều gia đình không còn là niềm vui “hôm nay con đến trường mẹ dắt tay từng bước nữa”. Thay vào đó là lo lắng ngập tràn.
Nhật ký của một bà mẹ có con vào lớp 1 trên đây hẳn sẽ tìm đợc sự đồng điệu từ rất nhiều bạn đọc. Không hẳn những gia đình phải cắn rắng cho con mình tham gia kỳ thi tuyển lớp 1 với tỷ lệ “chọi” có lúc ngang bằng thi đại học, đã có ước mơ gì khác người. Mà đơn giản chỉ là trường gần nhà và có mật độ sĩ số thông thoáng hơn (hiện tại các trường công sĩ số luôn dừng ở con số xấp xỉ 65-70 học sinh/lớp).
Chừng nào, quỹ đất còn đợc ưu tiên cho các trung tâm thương mại, khu dịch vụ, chừng nào lương giáo viên còn dưới ngưỡng mức sống trung bình cộng với chế độ biên chế “ngóng đỏ cả mắt”… thì chừng đó, những đứa trẻ còn “đợc hưởng” những “bi kịch” của giáo dục như vậy.