Trẻ ghen tị với bạn bè là hoàn toàn bình thường
Các nhà tâm lý học cho rằng việc trẻ ghen tị với bạn bè là một trạng thái tình cảm hoàn toàn bình thường. Hầu hết các bé trong quá trình phát triển ít nhiều đều nảy sinh tính ghen tị, so sánh với bạn bè và chúng ta cũng nhận thấy rằng ngay cả đối với người lớn thì trong cuộc sống cũng không ít lần dù ít hay nhiều cũng có cảm giác ganh tị, tự ti với bạn bè, đồng nghiệp về điều này hay điều khác.
Do đó thái độ mà các bậc phụ huynh nên làm trong trường hợp trẻ tỏ ra ghen tị với bạn bè là không nên la mắng, chê trách bé hoặc giả vờ lơ đi, trả lời qua loa mà ngược lại, các bậc phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ và hướng dẫn giúp trẻ hiểu để hạn chế và vượt qua tính ghen tị này bằng các biện pháp định hướng, giáo dục phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Làm gì để hạn chế tính ghen tị của trẻ?
Ghen tị cũng là biểu hiện bình thường của trẻ.
1. Không nên nổi nóng, la mắng bé
Đây là thái độ đầu tiên mà bố mẹ cần có, bạn không đồng tình nhưng cũng không nên nổi nóng, la mắng khi trẻ nói hay đặt những câu hỏi có tính ghen tị làm cho trẻ thấy ấm ức hay sợ bị bố mẹ mắng mà che giấu cảm xúc của mình. Hành động này sẽ dẫn đến việc bạn không thể hiểu trẻ đang nghĩ gì, trẻ cảm thấy thế nào thì sao bạn có thể giúp trẻ được. Do đó, thay vì la mắng, các bậc phụ huynh cần chia sẻ, để bé tâm sự với bạn những gì bé đang suy nghĩ đề từ đó có hướng giúp bé.
2. Chia sẻ với bé
Bạn có thể tâm sự, chia sẽ với trẻ rằng khi bằng tuổi bé và ngay cả bây giờ tuy là người lớn cũng đã từng có những lúc bạn cảm thấy ganh tị với ai đó (có thể đưa ra ví dụ cụ thể) giúp bé hiểu cảm giác này bạn cũng có cảm nhận qua, điều này là bình thường tuy nhiên là nó là không tốt và không nên, sau đó bạn kể cho trẻ biết cách mà bạn suy nghĩ, cư xử và vượt qua sự ganh tị này như thế nào. Việc này sẽ giúp bé nhận thức và dần dần trẻ sẽ có biểu hiện tốt hơn.
3. Cho bé thấy mình may mắn
Bằng các phương tiện truyền thông như tivi, báo đài hay các trường hợp cụ thể xung quanh, bạn có thể chỉ cho trẻ thấy cuộc sống còn có những người bạn tuy cũng bằng tuổi của trẻ nhưng không có điều kiện như hiện tại mà trẻ đang có. Với những trường hợp trực quan như vậy trẻ sẽ hiểu mình vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn khác và sẽ hạn chế so sánh, ghen tị với bạn bè hơn.
4. Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện
Nếu sắp xếp được thời gian thì tốt nhất bạn hãy cho trẻ cùng trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, đây chính là nơi mà trẻ cảm nhận trực quan nhất về cuộc sống, với những hoàn cảnh, điều kiện sống khó khăn, vất vả nhưng mọi người luôn lạc quan và cố gắng, không so sánh, than phiền.
Cho trẻ biết rằng ghen tị sẽ không mang lại cảm giác vui vẻ.
5. Giúp trẻ nhận ra các giá trị
Nếu trẻ ganh tị vì món đồ của trẻ không đẹp, không to như của bạn bè thì phụ huynh có thể giúp trẻ hiểu về ý nghĩa của món đồ hay một khía cạnh, giá trị khác của món đồ mà trẻ đang có. Trong trường hợp trẻ ganh tỵ với bạn vì bạn được điểm cao thì bạn có thể động viên và hướng dẫn, giải thích lý do tại sao bạn lại có kết quả tốt hơn bé, từ đó định hướng giúp trẻ cố gắng phấn đấu hơn... Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà phụ huynh có thể tìm ra một phương thức đúng đắn để định hướng giúp trẻ hiểu được các giá trị khác nhau.
Các bậc phụ huynh nên nhận thức rằng sự ganh tị của trẻ không phải là một biểu hiện nghiệm trọng đáng lo ngại, đó chỉ là một trong những thể hiện tâm lý của trẻ và điều này hoàn toàn bình thường. Việc cần thiết là cha mẹ cần có thái độ và cách cư xử đúng đắn để giúp trẻ hạn chế và vượt qua tính ghen tị này.