Với những yếu tố này thì chúng ta có thể tác động để cải thiện tình trạng kém tập trung của trẻ. Thông thường, trẻ kém tập trung trong việc học bởi các lý do sau :
Lý do khách quan:
Không có một không gian học tập thích hợp
Bàn học không gọn gàng – thiếu các dụng cụ học tập
Thời điểm học tập không phù hợp hay thiếu ổn định
Lý do chủ quan:
Chưa có sự chuẩn bị tâm lý – thể chất
Không xác định mục tiêu học tập
Thiếu hứng thú, cảm thấy bị ép buộc
Lý do bản thân :
Thiếu kỹ năng học tập
Thiếu kỹ năng tập trung
Thiếu kỹ năng ghi nhớ.
Để có thể cải thiện tình trạng này, các phụ huynh có thể thay đổi và cải thiện các yếu tố này :
Tạo một không gian học tập :
Không gian học tập không đơn thuần là cái bàn học, mà còn là khung cảnh xung quanh. Tùy theo điều kiện gia đình, nhưng bố mẹ hãy sắp xếp để trẻ có được :
- Một góc học tập tương đối yên tĩnh – thoáng mát – sáng sủa và không bị các hình ảnh xung quanh chi phối, chúng ta cần bố trí ánh sáng phù hợp ( từ trên và từ bên trái phía sau chiếu đến )
- Trong giờ học, tránh việc cắt ngang ( trẻ đang học chạy đi vệ sinh, uống nước – người giám sát việc học bỏ đi làm việc khác, anh chị em của trẻ đến bàn học nói chuyện ..v.v)
Bàn học thích hợp:
- Chuẩn bị đủ các học cụ : ( Bút, thước, gôm, hồ dán kéo, giấy , sách học ) Không để tình trạng ngồi vào bàn rồi mới đi kiếm cái này cái nọ.
- Không bầy biện lung tung trên mặt bàn, chỉ để những gì cần thiết có liên quan đến bài học.
- Bàn học và ghế ngồi cần phù hợp với chiều cao của trẻ - tránh việc ngồi một cách gò bó, phải cố gắng trong việc viết và nhìn bài tập.
Thời điểm thích hợp :
· Thời điểm tốt nhất là vào đầu giờ chiều, trẻ sẽ nhớ tốt hơn. Nếu trẻ phải đi học cả ngày thì hãy sắp xếp để trẻ học và làm bài cách bữa ăn chiều ít nhất là 1 giờ. ( khoản 7g30 – 8g30)
· Học tốt nhất khi có được đủ một được một khoảng thời gian liên tục trong 20 – 30 phút và sau đó sẽ nghỉ ngơi 5 – 10 phút ( uống nước, vệ sinh trong thời điểm này) sau đó trước khi quay lại việc học, nên cho trẻ chơi một số trò chơi trí tuệ, hỗ trợc cho việc nâng cao sự chú ý ( tham khảo phần các bài tập chú ý )
· Dừng học khi mệt mỏi hoặc bắt đầu thấy thiếu tập trung. Nghỉ 10 phút sau đó trở lại làm việc
Chuẩn bị tâm lý học tập :
Hãy giúp trẻ thực hiện một Lịch hoạt động trong ngày – trong đó xác định rõ ràng thời gian học tập tại nhà mỗi ngày, trước khi bước vào giờ học trẻ phải đánh dấu vào việc đã làm để thấy rõ là sau việc này sẽ đến giờ học.
Tạo sự thoài mái, vui vẻ - không tạo những tình huống hay thông tin chi phối sự tập trung của trẻ trước giờ học như không la mắng các sai phạm ( nếu có) của trẻ - không nói về buổi đi chơi cuối tuần, hay một chương trình, một bộ phim hay …
Xác định mục tiêu học tập
Đặt mục tiêu rõ ràng cho buổi học, trả lời được các câu hỏi:
- Hôm nay học những bài gì ? Ghi rõ tiêu đề bài học
- Mục tiêu học hôm này : Học bao nhiêu trang – làm bao nhiêu bài tập
- Bài học có thể chia làm 2 – 3 phần ( nếu dài ) hay không?
Các biện pháp để phát triển kỹ năng :
Kỹ năng học tập :
Nếu trẻ chưa có thói quen ngồi vào bàn học trong những giờ nhất định – hãy tập ngồi vào bàn theo các nguyên tắc sau:
- Trong tuần lễ đầu, mỗi buổi học chỉ dài tối đa 30 phút và có thể chia làm 2 (nghỉ giữa buổi khoảng 5 phút )
- Trong tuần lễ đầu nên xen kẽ các bài học và các bài tập khả năng chú ý ( dưới dạng trò chơi ) mà trò chơi có thể chiếm một nửa thời gian học, để trẻ dần dần có tâm lý hứng thú với việc ngồi để học hơn.
- Khi trẻ đã có thói quen tự ý ngồi vào bàn học khi đến giờ học, lúc đó mới nên gia tăng giờ học lên khoảng 1 giờ - 1giờ 30 ( là tối đa )
- Hãy động viên – khích lệ những gì trẻ làm được, làm đúng trong giờ học, đừng chê bai, phê phán hay đánh mắng trẻ trong thời điểm này khi trẻ thất bại, khó tập trung, quên bài.
Kỹ năng tập trung :
Kỹ năng tập trung không phải là một khả năng có thể đạt được trong một thời gian ngắn, mà phải giúp trẻ từng bước với các kỹ thuật sau :
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ chơi các trò chơi nâng cao khả năng tập trung trong giờ học (trước - giữa giờ học ) cũng như trong các giờ khác trong ngày tại gia đình.
- Tập cho trẻ nói lên : Yêu cầu trẻ nói : “Quay lại ngay đây” ( mỗi khi trẻ tỏ ra lơ đãng hãy yêu cầu trẻ nói ra câu nói này trước khi bắt đầu quay lại bài học ) Đây là một kỹ thuật có tính ám thị, giúp tâm trí trẻ không “đi lang thang”.
- Tập cho trẻ làm các việc nhà (Quét nhà, lau nhà, xếp quần áo, phụ dọn cơm, dọn dẹp trong gia đình) Điều này không những giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung mà còn giúp trẻ phát triển khả năng tự tin vào bản thân.
Tập cho trẻ viết tốt hơn : Chữ quá xấu hay có khó khăn trong việc viết cũng khiến trẻ chán nản, kém tập trung. Hãy tập cho trẻ ăn bằng đũa, cho các em dùng kéo cắt các hình , tập gấp giấy. Đây là những kỹ thuật hỗ trợ giúp trẻ khéo tay hơn.
Chúng ta cũng lưu ý cách trẻ cầm viết cho đúng cách và tập vẽ các đường cơ bản ( đường thẳng kéo dài trên trang giấy từ trái sang phải, đường xiên, đường móc , đường lượn sóng, đường zic zac ) Vẽ mỗi ngày trong các giờ học thêm trên 1-3 trang giấy sẽ giúp trẻ cải thiện được nét chữ.
Kỹ năng ghi nhớ
Một yếu tố khiến trẻ khó tập trung là sự hạn chế về khả năng ghi nhớ. Vì vậy, sự luyện tập về khả năng ghi nhớ cũng là một yếu tố giúp cho trẻ tập trung tốt hơn.
Lưu ý các nguyên tắc sau :
- Khi học bài ( các bài môn Tiếng Việt – Lịch sử - công dân v.v.v ) Cần có các hình minh họa và các sơ đồ Tư duy đơn giản để diễn giải lại bài học qua các hình ảnh, ( học bằng mắt ) Với các bài cần thuộc lòng thì việc vừa đọc vừa viết ra từng câu ngắn ( học bằng thính giác – thị giác – xúc giác ) sẽ giúp trẻ nhớ kỹ hơn.
- Khi làm các bài toán cũng cần có những minh họa cụ thể.
- Hãy khuyến khích trẻ tập tóm tắt bài học – diễn giải bài học thành các sơ đồ ( tập cho trẻ biết dùng S7 đồ tư duy ) và nói ra được ý chính của bài.
- Hãy nhớ ôn lại trước khi ngủ :Sau giờ học trẻ sẽ được nghỉ ngơi nhưng trước khi đi ngủ - trẻ cần phải xem và đọc lại các ý tóm tắt và xem sơ đồ minh họa bài học, hoạt động này sẽ giúp cho trí não của bé ghi lại những gì cần nhớ trong khi ngủ.
- Vào buổi sáng, nếu có điều kiện cũng nên cho trẻ xem lại các phiếu ghi các ý chính của bài học trước khi đến trường.
Ngoài ra phụ huynh cũng nên biết rằng, mỗi trẻ có nhịp sống ( hay đồng hồ sinh học ) khác nhau, vì vậy nếu được hãy xếp giờ học của trẻ vào thời điểm nào trong ngày ( Sáng – trưa – chiều – tối) mà trẻ tỏ ra thoải mái, sung sức nhất. Vì nói chung thì có 2 loại tính cách :
- Mẫu người họa mi : Có thói quen ngủ sớm, dậy sớm và hoạt động tốt vào buổi sáng
- Mẫu người chim cú : Có thói quen ngủ muộn, thức khuya và dậy trễ - Hoạt động tốt vào buổi chiều và buổi tối.
Chúng ta lưu ý con em thuộc mẫu người nào để xếp đặt giờ học cho phù hợp.Dĩ nhiên điều này chỉ mang tính tương đối, nhưng nếu biết và vận dụng được, nó cũng góp phần đem lại hiệu quả cho việc học của trẻ.