Thân chào các anh chị,
Em đang gặp trường hợp khó xử mà ko biết phải làm sao cả, rất mong anh chị hỗ trợ, tư vấn giúp em với. Em gái em năm nay 16 tuổi, hiện đang học lớp 10, lúc nhỏ rất ngoan, nhưng khoảng 2 năm nay thì lúc nào cũng tỏ ra cứng đầu, ai nói gì cũng ko chịu nghe, ko phụ giúp bố mẹ (mặc dù chỉ là việc nhỏ, mặc cho có bị la mắng), đi học về là vào phòng lên mạng đọc truyện, lướt web, xem tivi, học hành cũng ko giỏi giang gì, ko giao lưu với mọi người. Em nghĩ có thể em gái em bị tự kỷ, nhưng mà khi nói về những đề tài mà nó quan tâm thì vẫn rất lanh lợi, lời lẽ sắc bén.
Mong anh chị tư vấn giúp em, bây giờ em phải làm sao để em gái em chịu nghe lời bố mẹ? Làm thế nào để biết có phải em gái em bị tự kỷ hay ko?
Xin cảm ơn các anh chị nhiều.
Đi học về là vào phòng lên mạng, đọc truyện, lướt web, xem tivi có phải biểu hiện của bệnh tự kỉ?
( Ảnh minh họa)
Em thân mến!
Là một người chị yêu thương em mình thì rõ ràng sẽ rất phiền lòng khi em gái tỏ ra cứng đầu, không nghe lời bố mẹ, chỉ mải giải trí với thú vui của riêng mình, thậm chí không muốn giao tiếp với người xung quanh. Em lo lắng vì không biết liệu có phải em gái mình đang bị tự kỷ hay không, cũng không biết nên làm thế nào để em gái ngoan ngoãn như trứơc.
Tự kỷ là một dạng rối loạn trong giao tiếp, do rối loạn của hệ thần kinh ảnh hưởng đến sự làm việc của não bộ. Người mắc hội chứng này có xu hướng sống trong thế giới của riêng mình, gần như mất tương tác trong giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ với người khác, đặc biệt là giao tiếp bằng mắt, họ thường có những hành vi hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Người mắc chứng tự kỷ khó thích nghi với môi trường mới, khó thay đổi một thói quen, khó hòa nhập với mọi người, thường tránh tiếp xúc nên có rất ít bạn.
Em thân mến. Em gái của em, chỉ cứng đầu với bố mẹ, chỉ ngại giao tiếp với mọi người khi ở nhà thôi hay ở trường cũng vậy?
Trong việc học và việc cá nhân, cô bé có chủ động thực hiện không? Kết quả học tập 2 năm nay so với truớc kia như thế nào? Cô bé có nhiều bạn không, giao tiếp với các bạn, với thầy cô như thế nào? Chủ đề hứng thú của cô bé là gì? Những chương trình cô bé hay xem có nội dung như thế nào? Khi hiểu rõ những vấn đề nay, em có thể tìm cách tác động tới em gái. Nếu con bé có một vài người bạn thân, mối quan hệ thầy trò tốt đẹp thì có thể thông qua họ, tác động tới cô bé. Cũng có thể, dùng chính những chủ đề cô bé hứng thú để thiết lập sự gần gũi.
Về phần bố mẹ, khi muốn em gái em phụ giúp việc gì đó, đừng nên la mắng, hãy nhẹ nhàng, để cô bé cảm thấy vui vẻ tiếp nhận công việc. Trong thư, em chưa mô tả rõ về tình hình hiện tại của em gái em, nhưng chúng tôi có thể khẳng định em gái em không phải mắc hội chứng tự kỷ như em đang lo lắng. Bởi lẽ, em gái em vẫn có thể tiếp thu việc học một cách bình thường, thậm chí rất lanh lợi và sắc bén khi bàn về chuyên môn của nó. Thêm nữa, theo như em nói, thì em gái em trở nên cứng đầu trong 2 năm nay, nghĩa là từ 14-16tuổi. Đây là lứa tuổi con người ta đang trong giai đoạn tuổi dậy thì. Những thay đổi về mặt sinh lý kéo theo những khác biệt về tâm lý, cộng với việc thay đổi môi trường học tập (trung học cơ sở lên trung học phổ thông), thay đổi các mối quan hệ cũng ảnh hưởng nhiều đến ứng xử của các em.
Ngoài những tác động do giai đoạn tuổi dậy thì như những người bạn khác, chúng tôi lo ngại không biết em gái em có gặp biến cố nào sâu sắc trong hai năm qua không? Trước khi con bé trở nên cứng đầu thì có sự kiện nào xảy ra với nó không? Dù con bé không mắc hội chứng tự kỷ nhưng về lâu dài, việc con bé cứng đầu và tránh tiếp xúc với mọi người sẽ cản trở rất nhiều tới hoạt động học tập cũng như các hoạt động khác.
Là một người chị, em hòan tòan có cơ hội gần gũi và chuyện trò cùng em gái mình. Chắc chắn phải có lúc nào đó cô bé ngoan ngõan, dễ nói chuyện. Hai chị em thì có nhiều chuyện có thể thủ thỉ, tâm sự cùng nhau. Trước đây có thể ít chia sẻ nhưng em hãy là người khai mào trứớc, chủ động tâm sự với em gái những chuyện của mình, muốn nghe em gái bày tỏ ý kiến chẳng hạn. Một lúc nào đó đủ thoải mái, em gái sẽ chia sẻ với em những chuyện có thể cô bé đang giấu kín, khiến cô bé cảm thấy không muốn ngoan ngoãn như trước nữa. Lắng nghe em gái, và cùng cô bé phân tích, cùng cô bé vạch ra những điều cần nhìn lại. Bằng niềm tin và tình yêu thương của em và mọi người, dần dần cô bé sẽ lại ngoan ngoãn như trước!
Thân chào em!