1. Bài học về sự tôn trọng.
Đây là những bài học đầu đời quan quan trọng nhất đối với con trẻ. Các chuyên gia giáo dục đã kết luận “Trẻ em trộm cắp, nói dối, lười biếng… chưa phải là trẻ hư – Trẻ hư là trẻ không biết tôn trọng người khác”. Tính ích kỷ nếu đã định hình chắc chắn sẽ gây nên hậu quả mà chính cha mẹ sẽ là người lãnh chịu đầu tiên.Cần tập thói quen cho trẻ phân biệt và tôn trọng tài sản của mình và cha mẹ, sau đó là tài sản của các bạn và người khác. Cần giúp trẻ hiểu rằng không nên xâm phạm đến tài sản của người khác, dù của những người thân trong gia đình. Đây là những bài học đầu đời về quyền sở hữu và pháp luật đối với trẻ.
Cha mẹ nên dạy bé bằng những câu như, “Suỵt, con nên giữ yên lặng khi chị gái đang ngủ”, “Con đừng chơi hoặc lấy những đồ/vật không phải của mình”…. Những bài học này cần nói nhỏ nhẹ với trẻ nhưng phải đầy kiên quyết.
2. Phép xã giao đơn giản
Ngay một số người lớn cũng còn khó khăn khi nói đến hai chữ “xin lỗi”. Chúng ta cần tập cho trẻ dùng những từ ngữ thích hợp để cảm ơn hoặc xin lỗi người đối diện. Nên giúp trẻ nhận ra phép lịch sự (hoặc khi dùng những từ ngữ ấy) là điều bình thường trong xã hội. Bạn có thể chứng minh điều này với trẻ khi có dịp xem một bộ phim hay một chương trình truyền hình mang tính giáo dục cao.
“Chào con, bố đi làm mới về”, “Mẹ cảm ơn con”, “Bố xin lỗi vì đã làm con đau”…. Những quy tắc lịch sự nhỏ nhặt ấy phải được bắt đầu ngay từ chính các bậc cha mẹ. Bạn hãy xem các “bài tập thực hành” về phép lịch sự ấy như là những trò chơi giữa bố mẹ và bé yêu, bất kể trẻ có hiểu hết được các từ ngữ ấy hay không. Ban đầu có thể tập bằng cách cho trẻ nói máy móc các từ đó, khi trẻ bập bẹ tập nói.
3. Tính ngăn nắp, vệ sinh
Bạn hãy cố gắng dạy trẻ ngăn nắp, vệ sinh ngay khi bạn chưa thực sự quan tâm đến việc này trong cuộc sống hàng ngày của mình. Cần tập dần cho trẻ thói quen để giày dép ngay ngắn, thu dọn đồ chơi trước khi đi ngủ, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt. Bạn hãy chuyển những bài học ấy thành những trò chơi thú vị đối với trẻ, hãy chuẩn bị cho trẻ một cây chổi nhỏ để trẻ có thể “cùng” bạn quét nhà, “Mẹ và con cùng chơi lau nhà nhé”, “Con đến giúp mẹ rửa bát nha”….
4. Chấp nhận thất bại
Ai mà lại không thương yêu con mình. Tuy nhiên bạn không nên thực hiện theo mọi yêu cầu của trẻ. Nếu được thỏa mãn mọi yêu cầu thì khi lớn lên trẻ sẽ ích kỷ, ỷ lại, mất ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn. Bạn cần cương quyết nói “không” với trẻ về những yêu cầu mà bạn cho là không cần thiết hoặc nguy hiểm. Có thể trẻ sẽ khóc và bị tổn thương, bạn hãy chấp nhận điều “đau đớn” ấy cho đến khi bạn thấy nên chủ động làm hòa với trẻ.
Một số chuyên gia đã hướng dẫn nên lái trẻ sang việc khác khi gặp tình huống trẻ yêu cầu mà bạn không đồng ý. Tuy nhiên, xét ở khái niệm “học thất bại”, đôi khi chúng ta cần “thi gan” với trẻ, nếu thấy không nguy hiểm, bạn hãy để trẻ khóc cho đến khi trẻ tự nín, hoặc khi thấy trẻ bắt đầu từ bỏ “yêu sách” và tự chuyển sang trạng thái tinh thần khác. Đó sẽ là những bài học thất bại đầu đời vô cùng quý báu đối với trẻ.
Bạn đừng lo rằng nếu để như vậy trẻ sẽ bị tổn thương. Trái lại, các nhà khoa học đã kết luận, con người đã biết cảm nhận tình yêu thương thực sự ngay từ lúc còn sơ sinh. Do đó, nếu thực sự yêu con, bạn sẽ có đến những 1001 cách để thể hiện cơ mà.
5. Tính kiên trì vượt khó
Trừ những tình huống nguy hiểm và các trò chơi có thể làm lệch hướng phát triển giới tính của trẻ, bạn hãy để con em mình tự nhiên chơi những trò chơi mà bé nghĩ ra. Bạn sẽ thấy thú vị khi ngồi quan sát trẻ chơi những trò ngây thơ của mình, trẻ chạy vòng vòng quanh thân cây, nghịch cát, vẽ những hình bất định…. Bạn cũng hãy ngồi yên hoặc lánh mặt kể cả những khi bé té ngã và la khóc. Hãy để trẻ tự đứng lên và tiếp tục “trò chơi cuộc sống” của mình.
Trừ khi có sự yêu cầu của trẻ, tốt nhất là bạn cần hỏi “con có cần bố giúp không?” – và hãy tôn trọng câu trả lời của trẻ.
6. Tập ăn đa dạng
Việc trẻ không biết ăn rau, ớt, hành, mướp đắng… là do lỗi của chính cha mẹ chúng. Ăn uống đa dạng là yêu cầu quan trọng của sự phát triển ổn định và bền vững cơ thể người. Hãy tập dần để trẻ có thể tiếp nhận mọi vị chua, đắng, cay, mặn, ngọt của cuộc sống ngày nay. Việc giới hạn thức ăn – uống chính là bạn đã giới hạn khả năng thích nghi và tồn tại của trẻ sau này.
7. Làm quen với ngoại ngữ
Bạn đừng lo khi dạy cho trẻ song song 2 ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và một ngôn ngữ khác). Bên cạnh khả năng phát âm, não bộ của trẻ cũng sẽ trở nên linh hoạt và có trí nhớ tốt hơn, các nhà khoa học đã kết luận như vậy. Bạn có thể dạy trẻ học cả tiếng Việt và một ngôn ngữ khác khi tập đếm, học các chữ cái hay gọi tên các đồ vật/loài vật thông thường.