Bác lao công
Hàng ngày chúng tôi cắp sách đến trường học cái chữ. Gặp các thầy, cô giáo ai cũng chào. Chỉ có bác lao công, ngày nào cũng thấy bác cặm cụi quét dọn, hàng trăm học trò đi qua không chỉ không chào mà còn nô đùa, vứt luôn vỏ kẹo, giấy vụn,... xuống mọi nơi trong trường.
Chiếc thùng đựng rác to vậy mà chỉ trong thoáng chốc đã đầy những giấy vụn, lá gói xôi, vỏ hộp sữa, đầu mẩu bánh mì. Thời gian giữa hai ca học rất ít nhưng bác lao công phải dọn dẹp đến 4 tầng nhà với 17 phòng học.
Tôi nhớ đã đọc một truyện nước ngoài về kì thi có đặt ra hai phần câu hỏi: Phần một hỏi về kiến thức, phần hai chỉ vẻn vẹn có mấy chữ "Tên của bác lao công trường ta là gì?" Số học sinh trả lời phần hai chỉ vẻn vẹn đếm trên đầu ngón tay đã làm cho thầy, cô lo lắng cho việc rèn luyện đạo đức học trò.
Ngẫm về mình, nếu hôm nay thầy giáo ra câu hỏi như thế thì chắc cũng bị điểm không. Chợt nhớ lại những lần mình xé giấy vụn rắc ngay dưới chân bàn, những hộp sữa đã hút không còn một giọt mà chẳng bao giờ vứt vào thùng, lại còn dẫm chân lên cho nó nổ nghe "sướng tai". Nhớ hồi đầu năm, lớp thống nhất thu tiền để trả cho người lao công mà còn có nhiều người phản đối.
Tôi nghĩ các bạn học sinh hãy tự xem lại mình. Học tốt đến mấy nhưng coi thường người lao động, thiếu ý thức trong cuộc sống, nhất là vứt rác bừa bãi ra mọi nơi thì cái sự học ấy chỉ đợc một nửa. Hãy tôn trọng và yêu quý một người lao động, thiết thực bên cạnh chúng ta hàng ngày ấy là bác lao công. Vứt rác vào thùng cũng là cách thể hiện mình là một học sinh văn minh, thanh lịch.