SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE LÀ GÌ?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lây truyền cấp tính do virus Dengue qua đường muỗi gây nên. Bệnh có khả năng lây lan cao và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết ồ ạt, trụy tim mạch thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ở trẻ em, hệ miễn dịch còn yếu nên khả năng chống lại bệnh và phục hồi thường khó khăn ở người lớn.
Các mức độ của sốt xuất huyết Dengue:
-Độ I: Tiểu cầu giảm kèm cô đặc máu nhưng trẻ không bị chảy máu tự phát, bầm vết tiêm
-Độ II: Tiểu cầu giảm kèm cô đặc máu và có chảy máu tự phát
-Độ III: Tiểu cầu giảm và cô đặc máu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp
-Độ IV: Tiểu cầu giảm và cô đặc máu, trẻ bị sốc biểu hiện là không có mạch ngoại biên và huyết áp = 0
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên.
NGUYÊN NHÂN GÂY SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
Trẻ có thể bị sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra. Virus có khả năng lây lan từ người bệnh sang trẻ lành thông qua đường muỗi đốt. Loại muỗi chủ yếu gây nên bệnh là loại muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Muỗi thường hoạt động trong môi trường ánh sáng yếu, đốt nhiều vào sáng sớm và buổi chiều tà, có khả năng lây bệnh cả ngày ở nơi ẩm ướt, không có ánh sáng.
Hiện nay, có 4 típ virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết là D1, D2, D3 và D4. Khi trẻ đã bị sốt xuất huyết thì có miễn dịch với một típ trong 4 tip virus và vẫn có khả năng nhiễm các típ còn lại.
TRIỆU CHỨNG SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE Ở TRẺ EM
Sốt xuất huyết Dengue xảy ra phần lớn ở trẻ em từ 3 – 10 tuổi. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nên khi trẻ có các biểu hiện sau thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời:
-Sốt cao đột ngột từ 38 – 39oC
Sau khi sốt từ 2 – 7 ngày trẻ có nhiều hơn 2 dấu hiệu dưới đây thì có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết:
-Đau đầu
-Đau sau hốc mắt
-Đau khớp/đau cơ
-Phát ban trên da
-Nôn và buồn nôn
-Xuất huyết bao gồm chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, tiêu ra máu, rong kinh…
Chảy máu cam, cháy máu chân răng, nôn ra máu… là biểu hiện xuất huyết của bệnh
KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE Ở TRẺ EM
-Trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và có thể phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu đánh giá số lượng bạch cầu, tiểu cầu, siêu âm kích thước gan…theo chỉ định của bác sĩ để xác định mức độ và loại virus gây bệnh.
-Tùy vào các cấp độ mà bác sĩ sẽ áp dụng các phác đồ cụ thể. Ở độ I, trẻ có thể điều trị ngoại trú nhưng vẫn cần tái khám để theo dõi và xem xét tình hình chuyển độ.
-Nếu trẻ ở độ I và II không thể bù nước tại nhà, đau tức gan, gan lớn hoặc có các dấu hiệu sốc như bứt rứt, tay chân lạnh, huyết áp kẹt hoặc tụt…phải nhập viện và được chỉ định truyền dịch bằng dung dịch Lactated Ringer’s hoặc NaCl 0,9% theo chỉ dẫn của bác sĩ.
-Ở những mức độ nặng hơn, trẻ có thể được truyền máu, điều chỉnh rối loạn điện giải, áp dụng các biện pháp hạn chế chảy máu…
Trẻ được khám và điều trị bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm
PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE Ở TRẺ EM
Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn, vì vậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt là biện pháp hiệu quả giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:
-Buông màn cho trẻ khi ngủ
-Diệt muỗi thường xuyên bằng cách phun thuốc muỗi
-Phát quang bụi rậm, không để cho muỗi có nơi sinh sôi và phát triển