Bàn tay nặn bột là một chiến lược về giáo dục khoa học, được Giáo sư Georger Charpak (người Pháp) sáng tạo ra và phát triển từ năm 1995 dựa trên cơ sở khoa học của sự tìm tòi – nghiên cứu, cho phép đáp ứng những yêu cầu dạy học mới. Phương pháp "Bàn tay nặn bột" đã được vận dụng, phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Pháp mà còn ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Thực hiện tốt phương pháp này, trường Tiểu học Khương Mai đã xây dựng nhiều tiết chuyên đề, hội giảng và thi dạy giỏi cấp trường, cấp Quận và Thành phố. Các tiết học sử dụng phương pháp này đều đã này giúp tạo lập cho học sinh thói quen làm việc như các nhà khoa học và niềm say mê sáng tạo, phát hiện, giải quyết vấn đề.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là học sinh nhà trường đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề. Tiết học này đã giúp học sinh nắm được cấu tạo của hạt, từ đó, học sinh có thể phát hiện được quá trình phát triển của hạt thành cây con. Học sinh được thực hành, làm thí nghiệm bóc tách hạt để nắm chắc cấu tạo của hạt. Từ các bộ phận của hạt, học sinh có thể tự nhận biết được bộ phận nào phát triển thành cây và bộ phận nào có vai trò cung cấp dinh dưỡng ban đầu để hạt nảy mầm.
Tiến trình tiết học diễn ra một cách logic về phương pháp dạy học, dẫn dắt học sinh đi từ chưa biết đến việc để học sinh tiếp xúc với các bộ phận của cây, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành quan sát qua thực nghiệm. Tiết học đã giúp các em không chỉ nhớ lâu, mà còn hiểu rõ câu trả lời mình tìm được. Qua đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc nhóm. Các em cũng đã thể hiện tốt việc đoàn kết, chia sẻ cùng các bạn khi làm việc. Đây chính là thành công của tiết chuyên đề này.
Xin chúc mừng cô giáo và các em học sinh lớp 5D đã tổ chức thành công tiết học thú vị, sôi nổi ứng dụng hiệu quả phương pháp "Bàn tay nặn bột".